Sự kiện: Giáo dục, du học, tư vấn du học, học bổng, du học Mỹ
Đầu tiên, mình xin làm một phép so sánh khái quát giữa thi Đại học ở Việt Nam và nộp hồ sơ Đại học Mỹ:
Một bộ hồ sơ cơ bản gồm có:
1. Học bạ (Transcript), điểm trung bình môn (GPA), xếp hạng trong lớp (Class rank)
Các trường Đại học sẽ nhìn vào Transcript để biết về mức độ khó của chương trình học cấp 3 trước đó của bạn. Họ thích những học sinh thử thách bản thân mình với các lớp nâng cao (AP nếu bạn ở Mỹ, IB nếu bạn học trường quốc tế, A-level nếu bạn ở Anh) dù có một số điểm B (8.0 – 9.0) hơn là những bạn toàn chọn các lớp dễ và đạt điểm A (9.0 – 10.0).
Thế còn ở Việt Nam các lớp (trừ các trường chuyên) đều giống nhau thì sao? Admission officers hoàn toàn hiểu điều này. Do đó, họ sẽ chỉ quan tâm tới điểm số của bạn thôi và sự tiến bộ của bạn sau mỗi năm. (Nếu bạn có trót lơ là bài vở trong năm lớp 10 thì hãy cố gắng hết sức nâng điểm của mình trong năm lớp 11, 12. Nỗ lực không ngừng là một yếu tố các trường Đại học muốn thấy ở các sinh viên tương lai của mình.)
Về GPA, sau 2 năm học cấp 3 tại Mỹ, mình nhận ra một điều rằng việc đạt được 90 – 100 (điểm A) bên này dễ hơn việc được 9 phẩy trung bình môn tại Việt Nam rất nhiều. Một học sinh giỏi của Việt Nam cũng khó có thể đạt được 11 môn hơn 9 phẩy để có điểm trung bình hoàn hảo. Nhưng như mình đã nói về việc đánh giá học bạ, các trường Đại học hiểu được sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục Việt Nam và Mỹ (thế hệ chúng ta rất may mắn vì đã có lớp những anh chị đi trước đã xin học thành công tại Mỹ và giúp các trường hiểu phần nào về hệ thống điểm số tại nước mình). Lý tưởng nhất là các bạn nên cố gắng đạt điểm phẩy trung bình các môn ít nhất là 8.5. Sự thật là cuộc chạy đua vào các trường Mỹ của các bạn Việt Nam ngày cạnh tranh “khốc liệt” hơn, nên càng cố gắng và nỗ lực, cơ hội của bạn sẽ càng cao.
2. Điểm số các kỳ thi chuẩn hóa: SAT, SAT subject tests (Chỉ bắt buộc với một số trường) và TOEFL
Như mình đã đề cập ở trên, việc đăng ký Đại học Mỹ nên bắt đầu sớm vì bạn phải trải qua khá nhiều kỳ thi. TOEFL (Test of English for foreign learners) là kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh cho học sinh quốc tế gồm 4 phần: Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Có một số lời khuyên mình hy vọng sẽ giúp được các bạn trong việc học tiếng Anh nói chung:
- Tập suy nghĩ bằng tiếng Anh. Ví dụ: Thay vì nghĩ trong đầu là mình phải làm bài tập lúc 8 giờ tối, hãy nghĩ : I have to do my homework at 8 p.m
- Tập dịch những câu nói bạn nghe hàng ngày sang tiếng Anh. Ví dụ: Bạn đang ngồi trong nhà và mẹ bạn chỉ ra ngoài đường: Trời mưa rồi! Bạn ngay lập tực thử dịch câu đó sang tiếng Anh: It’s raining!
- Mỗi khi bạn luyện nói TOEFL, hãy tạo ra cho mình 3 luận điểm. Ví dụ: Question: Why do you want to study abroad? Your 3 points: 1. I want to make new friends from different countries. 2. I want to be independent from my parents. 3. I want to challenge myself in adapting new culture.
- Mỗi ngày hãy lên Ted.com hoặc CNN News một lần để luyện nghe. Ngoài ra xem nhiều phim Mỹ để biết được cách họ giao tiếp hằng ngày như thế nào.
- Đọc nhiều sách báo tiếng Anh!
SAT (là kỳ thi về kỹ năng đọc, viết và Toán dành cho bất cứ ai muốn học Đại học tại Mỹ. “SÁT” – đúng như cách chúng mình thường gọi vui, là một thử thách đáng gờm với học sinh Việt Nam mình!
Khi nào thì nên thi SAT?
Khi nào bạn sẵn sàng! Thi SAT sẽ tốn một buối sáng thứ 7 của bạn trong 4 tiếng đồng hồ, một quá trình khá mệt mỏi. Hãy làm thật nhiều đề cho đến khi bạn đặt được điểm số mình mong muốn. Lúc đó hãy đăng ký thi.
Nên sử dụng sách SAT nào?
The Official SAT Guide của College Board. Họ là những người chính thức làm đề nên điểm số bạn đạt được trong sách sẽ phản ánh rất chính xác điểm số thực của bạn. Cuốn này bạn có thể tìm trên hiệu sách Thuật trên Bà Triêu, tầng 2 hiệu Sách Tràng Tiền và hiệu sách Ngoại Văn gần bờ Hồ, Xunhasaba gần bờ hồ, hoặc đặt hàng trên www.betterworldbooks.com
Nên thi mấy lần?
Tối đa là 3 lần. Admission officers không muốn học sinh tường lai của mình là những học sinh đầu to mắt cận chỉ biết ôn thi và không có việc làm gì thú vị hơn vào sáng thứ 7.
SAT khác gì với thi Đại học ở Việt Nam
College Board không kiểm tra kiến thức bạn học trong năm cấp 3, họ chỉ kiểm tra khả năng tư duy của bạn và những kỹ năng cần thiết cho việc học đại học.
Gian lận
Hôm trước tớ có nói chuyện với một bạn ở Việt Nam vừa thi SAT về kể rằng các bạn cùng phòng gian lận, nhắc bài nhau rất rôm rả! Đừng bao giờ làm vậy!!!! Bạn không thế chắc chắn được bạn mình có làm đúng không. Với cả, nếu bạn chưa sẵn sàng để thi và nếu bạn có hành vi gian lận (điều mà Mỹ rất ghét), liệu bạn đã sẵn sàng để du học Mỹ chưa???
Practice makes PERFECT!!!
Làm nhiều đề vào, luyện tập tới khi nào bạn cảm thấy tự tin thì thôi.
Khi quyết tâm học SAT bạn nên lập một kế hoạch cụ thể
Thời gian bạn định ôn thi, mức điểm bạn muốn đạt được trong mỗi phần. Mỗi lần luyện tập xong một đề thi ghi lại kết quả của mình trong một bảng dữ liệu để sau này tiện theo dõi tiến độ. Chú ý ghi lại những câu mình sai và phân tích tại sao
Quá trình thi cử rất vất vả nhiều lúc khiến bạn thật mệt mỏi và chán nản. Hãy đặt bức ảnh của trường Đại học mình thích trên bàn học và tự nhủ rằng, cái đích đó sẽ không được đạt tới nếu bạn không nỗ lực cố gắng.
3. Thư giới thiệu (Recommendation letters):
Hãy thử tưởng tượng bạn là giáo viên Toán có một học sinh ham mê với những con số, luôn tìm tòi những cách giải khác nhau cho những bài toán. Hay giáo viên Hóa có một học sinh luôn bảo rằng: “Hóa học khó quá!” nhưng luôn cố gắng làm đầy đủ bài tập, tích cực trong các tiết thí nghiệm và đến cuối năm, học sinh đó vươn lên đạt 9 phẩy trung bình môn. Hay giáo viên Văn thích thú đọc những bài viết sáng tạo, chân thành của “cây văn”… Hãy viết chi tiết và chân thật để khi tự đọc lại lá thư, bạn nhận thấy rằng đó chính là mình!
4. Hoạt động ngoại khóa (Curriculum Activities):
Trong việc chọn học sinh, các trường Đại học Mỹ hướng tới những học sinh toàn diện, không những chỉ lo học trên lớp mà còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Do đó, nếu bạn là một mọt sách chỉ học thôi thì hãy đứng dậy vận động chút nha!
"Vui, khỏe, có ích!" Show của những người già, nhưng lại rất có ích cho những bạn trẻ như bạn. Thay vì tham gia cho đẹp hồ sơ hoặc là để có cái bằng chứng nhận, bạn hãy thử nghe theo ba lời khuyên đó. Và làm thể nào để cho admission officers thấy được điều đó qua hồ sơ của bạn?
Trong bộ hồ sơ, bạn chỉ có 9 dòng để điền hoạt động ngoại khóa của mình. Hãy chọn những hoạt động mà bạn nhiệt huyết, tâm đắc và dành nhiều thời gian nhất từ năm lớp 9 tới lớp 12.
Kỹ năng lãnh đạo, là điều admission officers muốn thấy trong học sinh tương lại của mình. Đừng ngai ngần ứng cử bản thân mình làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn nếu như bạn tin rằng mình có khả năng.
Lòng đam mê. Nếu như bạn không có một “chức danh” lãnh đạo nào trong hồ sơ của mình, đừng lo sợ! Hãy bộc lộ cho admission officers thấy được niềm đam mê trong những hoạt động của mình, có thể là qua bài essay chẳng hạn.
5. Bài luận (Essays):
Đây là một số cách tớ đã sử dụng giúp cho việc viết bài luận cho mình:
- Ghi lại những sự kiện đáng nhớ, có thể rất nhỏ như một buổi họp lớp hoặc là một việc lớn hơn như Đoạt giải nhất học sinh giỏi thành phố. Những sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào với bạn?
- Ghi lại những tính từ (có thể là nickname) để miêu tả bạn và nó nói lên tính cách của bạn như thế nào?
Hãy cùng làm một trò “ảo thuật” nhỏ nhé:
Bạn hãy lấy một tờ giấy trắng ra và làm theo những bước sau:
Bước 1: Chia thành 8 ô bằng nhau
Bước 2: Xé những ô giấy đó ra
Bước 3: Ghi lại vào mỗi mẩu giấy đó MỘT điều QUAN TRỌNG nhất đối với bạn
Bước 4: Sau khi đã ghi lại được 8 mẩu giấy đó, hãy tưởng tượng bạn BẮT BUỘC phải vứt bỏ đi 3 điều. Bạn chọn điều nào?
Bước 5: Giờ bạn còn năm mẩu giấy. Hãy tiếp tục một nhiệm vụ khó khăn: vứt bỏ nốt 3 điều.
Bước 6: Bây giờ trong tay bạn chỉ còn 2 mẩu giấy. Bạn phải quyết định giữ lại một mẩu duy nhất. Và đương nhiên, trong mẩu giấy đó phải ghi lại điều quan trọng NHẤT đối với bạn.
Bước 7: Giữ kín và hãy trân trọng mẩu giấy cuối cùng đó.