Điểm chung ở nhiều trường là đều chia thời gian ôn tập thành hai giai đoạn; trong đó giai đoạn 2 kéo dài đến giữa hoặc gần cuối tháng 6. Ngoài việc phân lớp theo trình độ, nguyện vọng đăng ký dự thi của học sinh, các trường đều bố trí giáo viên uy tín để giúp học sinh có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia.
Phân lớp ôn tập theo nhiều đối tượng
Chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) đã tổ chức hai lần thi thử. Kế hoạch tuyên truyền về kỳ thi, công tác hướng nghiệp, chọn cụm thi, chọn môn thi thứ 4 và tổ chức ôn tập cũng đã được trường này triển khai.
Thầy hiệu trưởng Hà Đình Sơn cho biết, ngay từ tháng 2, trường đã tập trung học sinh lớp 12, họp phụ huynh để phổ biến về kỳ thi; yêu cầu bộ phận chuyên môn phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu văn bản, phổ biến tới học sinh lớp chủ nhiệm và có trách nhiệm tư vấn trả lời các thắc mắc của học sinh về kì thi.
Tổ hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm của trường đã căn cứ kết quả các lần thi thử, kết quả xếp loại học lực của học sinh trong kì 1 năm học 2015 - 2016 để tư vấn chọn cụm thi, chọn trường phù hợp.
Thống kê ban đầu, trong số 492 học sinh lớp 12 của trường có 263 học sinh đăng ký dự thi đại học; 229 học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Về đăng ký môn tự chọn, có 336 học sinh chọn Địa lí; 48 học sinh chọn Hóa học; 102 học sinh chọn Vật lí; 5 học sinh chọn Sinh học và 1 học sinh chọn Lịch sử.
"Từ ngày 16 đến 21/2/2016, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh đăng kí chọn cụm thi, môn thi thứ 4, tổ hợp các môn xét ĐH, CĐ để làm căn cứ tổ chức ôn tập cho học sinh. Căn cứ đăng kí của học sinh để phân loại và tổ chức lại các lớp ôn thi cho khối 12 thành 2 đối tượng: Thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT; thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo đó, với học sinh ở các lớp học thêm ôn thi đại học sẽ tiếp tục ôn thi đại học và bổ sung các môn ôn thi tốt nghiệp. Các học sinh không có nguyện vọng thi xét đại học gom lại tổ chức thành các lớp ôn thi mới - ôn thi chỉ để xét tốt nghiệp. Nhà trường cũng tiếp tục duy trì 2 lớp học sinh yếu kém ôn thi theo kế hoạch từ đầu năm" - thầy Hà Đình Sơn cho biết.
Theo chia sẻ của thầy Hà Đình Sơn, thời gian ôn tập của trường sẽ kéo dài đến 15/6 và chia làm hai giai đoạn. Hiện nay, giai đoạn ôn tập đầu tiên đã tiến hành được gần 2 tháng. Giai đoạn này, giáo viên hoàn thiện các chuyên đề chưa dạy, tái hiện lại toàn bộ kiến thức cho học sinh, ôn luyện đề..., đảm bảo đủ kiến thức để học sinh dự thi. Các lớp ôn thi mới xây dựng chương trình bao quát toàn bộ kiến thức.
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành trong một tháng, từ 15/5 đến 15/6, tập trung dạy các chuyên đề tổng hợp, ôn tập lại, tái hiện toàn bộ kiến thức, trọng tâm kiến thức, rèn kĩ năng làm bài....
Lưu ý cả kiến thức và kỹ năng làm bài
Trường THPT Tôn Đức Thắng (Gia Lai) đã lên kế hoạch ôn tập thi THPT quốc gia. Theo kế hoạch này, thời gian ôn tập của nhà trường cũng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 4/1/2016 đến 29/4/2016, tập trung ôn tập, cũng cố kiến thức chương trình lớp 12, đảm bảo thi và kiểm tra học kỳ 2.
Giai đoạn 2 từ 2/5/2016 đến 24/6/2016, ôn tập, củng cố kiến thức tổng hợp, bám sát nội dung, chương trình thi tốt nghiệp THPT, rèn luyện kỹ năng, giải quyết trình bày và làm các đề thi THPT quốc gia, bám sát các đối tượng học sinh để có yêu cầu, mức độ phù hợp.
Nhà trường giao giáo viên tham gia dạy ôn tập phải hoàn thành trách nhiệm giảng dạy và giáo dục học sinh trong và ngoài giờ chính khóa; chuẩn bị kỹ nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học thêm, có giáo án ôn tập; xây dựng chương trình, tài liệu, soạn giáo án đầy đủ trước khi lên lớp ôn tập; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh, thông tin kịp thời đến phụ huynh và báo cáo cho ban giám hiệu những trường hợp học sinh bỏ tiết, không ôn tập...
Riêng giáo viên chủ nhiệm được giao trách nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn và gia đình học sinh để quản lý học sinh ôn tập có hiệu quả...
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng các tổ trưởng tổ chuyên môn cũng được giao nhiệm vụ rất cụ thể, để cùng với các giáo viên được giao trách nhiệm dạy ôn tập giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm cơ bản, hệ thống hóa kiến thức để đủ khả năng thi THPT quốc gia;
Cùng với đó, nhà trường cũng hết sức lưu ý hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng tư duy lôgic, khả năng vận dụng kiến thức; dạy học sinh phương pháp diễn đạt, cách trình bày bài thi, kỹ năng tính toán theo bộ môn, rèn luyện kỹ năng giải quyết đề thi 8 môn thi THPT quốc gia.
Theo Giáo dục thời đại, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tan-dung-toi-da-thoi-gian-on-tap-thi-thpt-quoc-gia-1740359-v.html