Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng - cho rằng các trường tư thục, ngoài hoạt động theo Luật Giáo dục còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
> Trường Tạ Quang Bửu có lời giải thích cho màn thay đổi điểm đến chóng mặt
Ông Phạm Quốc Toản chia sẻ những lý giải
Liên quan đến thông tin trường ngoài công lập thu phí giữ chỗ, đặt ra luật chơi riêng, ngày 06/07, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, xảy ra những điểm nóng trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội đến từ hai phía.
Thứ nhất, về phía nhà trường, cách thức tuyển sinh của một số trường ngoài công lập đâu đó vẫn chưa đầy đủ, cẩn thận, do đó đặt ra những giải pháp tuyển sinh còn thiếu nhân văn.
Thứ hai, về phía cha mẹ học sinh, do quá lo lắng, sốt ruột nên chưa có sự tìm hiểu kỹ càng.
Nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Quốc Toản cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn rất đầy đủ, cập nhật và ban hành rất sớm.
Về hiện tượng một số trường thu phí giữ chỗ và không trả lại khi phụ huynh rút hồ sơ, ông Toản cho rằng các trường tư thục, ngoài hoạt động theo Luật Giáo dục còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng trong giáo dục đòi hỏi sự nhân văn.
“Đối với lĩnh vực giáo dục, lòng tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường là điều rất quan trọng. Đồng thời, mặc dù trường tư thục được thực hiện các công tác tự chủ trong nhiệm vụ tuyển sinh, nhất là về tài chính nhưng phải có tính chất nhân văn của giáo dục trong đó. Tính chất nhân văn bao giờ cũng là yếu tố quan trọng giúp cho uy tín của nhà trường được củng cố vững vàng hơn” – ông Toản nói.
Cũng theo ông Phạm Quốc Toản, Sở sẽ tiếp thu ý kiến về việc công bố phổ điểm để học sinh và phụ huynh có thêm kênh tham khảo. Đồng thời sẽ nghiên cứu, điều chỉnh để phương án tuyển sinh những năm sau tốt hơn.
Trường hợp của Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu
Trước đó, giải thích về việc Trường Nguyễn Siêu quy định phí giữ chỗ 10 triệu không được hoàn lại, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thừa nhận trường có thu khoản phí này nhưng trước khi thu đã công khai trên website để phụ huynh được biết.
“Sau khi nộp hồ sơ online, nếu học sinh trúng tuyển, chúng tôi sẽ mời phụ huynh, học sinh đến trường để gửi một quyết định vào lớp 10, có dấu đỏ, đính kèm một quy định nhập học. Quy định này được ban hành kèm theo quyết định của hội đồng quản trị”.
“Trường tiến hành thu phí giữ chỗ từ nhiều năm nay, năm nào cũng có phụ huynh đến để thắc mắc trực tiếp với nhà trường. Sau khi chúng tôi giải thích thì họ đều chấp nhận, vui vẻ ký tên vào bản quy định nhập học” - bà Thúy chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, hiện có rất nhiều trường ngoài công lập có khoản phí giữ chỗ này, thậm chí họ không hoàn lại. Trong hệ thống các trường có thực hiện chương trình quốc tế Cambridge, Nguyễn Siêu là trường có phí giữ chỗ thấp nhất.
“Ngoài luật ra, nhà trường sống rất có tình, chưa bao giờ vì tiền. Nếu phụ huynh rút hồ sơ có đơn trình bày, chúng tôi sẽ xem xét…”
“Đứng trên góc độ một nhà giáo, tôi đồng cảm với những mất mát của phụ huynh. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ, để tránh những vấn đề này xảy ra, trước khi phụ huynh nhập học cho con, hãy tìm hiểu về mô hình giáo dục của trường và đừng cho con có quá nhiều lựa chọn. Chung thủy với một lựa chọn thôi thì câu chuyện sẽ giải quyết được” - bà Nguyễn Thị Minh Thuý cho biết thêm.
Trường hợp của Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh
Trong khi đó, nói về việc này, bà Văn Thuỳ Dương, Hiệu phó Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, việc trả lại tiền gây lộn xộn, vì vậy hội đồng nhà trường quyết định không trả lại bất cứ khoản tiền nào, làm theo thỏa thuận ban đầu.
Bà Văn Thuỳ Dương cho biết: "Nếu các trường không yêu cầu đóng phí, phụ huynh sẽ rải hồ sơ khắp nơi và rút loạn lên khi trường công lập có điểm chuẩn. Trường đã ra thông báo tuyển sinh công khai từ trước đó, và trong thông báo ghi rõ: "Các vị phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ vào trường. Trong trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào Quỹ khuyến học của nhà trường".
Theo phản ánh của báo Lao Động, nhiều phụ huynh chầu chực cả ngày ở Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh nhưng không thể lấy lại được tiền, hoặc chỉ được nhà trường trả một phần rất nhỏ trong số những khoản phụ huynh đã đóng góp.
Hầu hết phụ huynh đều rất bức xúc khi trường bắt đóng các khoản như xây dựng, học phí trong khi con họ không hề tham gia học ở đây.
Theo Đất Việt - Kênh tuyển sinh
> Sở GD&ĐT TP.HCM giảm dần tỷ lệ vào lớp 10 công lập để phân luồng học sinh
> Phụ huynh tại Hà Nội đang trải qua cuộc đua vào lớp 10 đầy căng thẳng