>> Tuyển sinh, tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014
Trước sự cạnh tranh quyết liệt của kỳ thi đầu cấp, tại thời điểm này, học sinh ở các trường khu vực nội thành Hà Nội và TP HCM đang tăng tốc luyện thi để đậu vào trường đúng nguyện vọng
Căng hơn thi ĐH
Vì cấp THCS đã được phổ cập nên trên nguyên tắc, các trường THCS công lập phải bố trí đủ chỗ học cho học sinh đúng tuyến. Tuy nhiên, với những trường THCS chất lượng cao như Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Thực nghiệm… thì cánh cửa vào lớp 6 vô cùng khó khăn bởi những yêu cầu rất khắt khe. Đơn cử, Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ tuyển 200 chỉ tiêu vào lớp 6 với yêu cầu học sinh phải có từ 4 năm trở lên xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; tổng điểm 2 môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ II lớp 5 đạt từ 19 trở lên. Trường kết hợp cả xét tuyển lẫn kiểm tra kiến thức với 2 môn kiểm tra là toán và tiếng Việt.
Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng căng thẳng không kém vì Sở GD-ĐT Hà Nội đã có một số thay đổi như giảm chỉ tiêu, giảm sĩ số lớp học xuống còn 40 học sinh/lớp. Năm học 2014-2015, Hà Nội sẽ có trên 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS và tham dự tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, các trường công lập chỉ tuyển khoảng 65% trong số này, tức gần 50.000 học sinh. Số còn lại sẽ phải học các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN hoặc trường nghề.
Căng thẳng chay đua thi đầu cấp tại Hà Nội
Tại TP HCM, năm nay các trường THPT có chỉ tiêu nhận trên 58.000 học sinh lớp 10, trong khi số lượng đăng ký dự thi gần 68.000. Năm nay TP khôi phục việc thi tuyển vào lớp 10 ở tất cả các quận, huyện nhưng thực tế áp lực nhất vẫn thuộc về các quận nội thành.
Trong danh sách 98 trường THPT, một số trường có tỉ lệ chọi ở nguyện vọng 1 cao nhất là Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP HCM) khi chỉ tuyển 175 chỉ tiêu nhưng có 558 học sinh đăng ký dự thi, tỉ lệ chọi 1/3,2. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tuyển 540 chỉ tiêu nhưng có tới 1.591 học sinh đăng ký, tỉ lệ chọi 1/2,95. Ở các trường THPT khác như Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Trưng Vương, tỉ lệ chọi từ 1/2,2 đến 1/2,9…
Chạy sô luyện thi
Hiện nhiều bậc phụ huynh kín lịch đưa đón con em đến các lò luyện thi. Chị Phương Lan - có con đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết để đủ sức “chiến đấu” vào Trường THCS Cầu Giấy và THCS Lương Thế Vinh, mỗi tuần con chị phải học tới 4 buổi ở các lò luyện, thêm 3 buổi gia sư đến kèm tận nhà. Một phụ huynh khác có con học tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cũng chia sẻ: “Con tôi năm nay dự thi 2 trường là Hà Nội - Amsterdam và Đoàn Thị Điểm. Mỗi trường có cách ra đề khác nhau nên phải luyện thi theo dạng đề của từng trường. Lịch ôn thi của cháu dày đặc, thậm chí căng thẳng hơn cả ôn thi vào ĐH”.
Chị Lê Mai Phương có con muốn dự thi vào Trường THPT Chu Văn An (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng việc Sở GD-ĐT Hà Nội giảm chỉ tiêu tuyển sinh các trường THPT chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc thi đầu vào của học sinh nên dù lịch học của con dày đặc ở trường nhưng chị vẫn phải đưa đón cháu đến các lớp luyện thi để biết thêm nhiều dạng bài khó. “Không phải chỉ riêng con tôi mà rất nhiều bạn trong lớp cháu cũng rất vất vả chạy sô ở các lớp học thêm” - chị Phương nói.
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), nhiều học sinh khối 9 cũng đang tập trung cao độ cho việc luyện thi lớp 10. Một học sinh tên Nam cho biết năm nay em dự thi vào lớp chuyên. Mục tiêu rất cao nên ngoài thời gian học một buổi trên lớp, em còn tích cực đến nhà thầy cô để phụ đạo thêm và đi luyện thi ở trung tâm bên ngoài. “Đi luyện thi chủ yếu để làm quen với các dạng đề thi khó mà ở trên lớp em không được thực hành” - Nam nói.
Tại Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TP HCM), học sinh khối 9 cũng đang chuẩn bị rất tích cực cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nữ sinh Ngọc Hiền cho biết mục tiêu của em là sẽ đậu nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn nên gần một năm nay em đã đi học thêm 3 môn văn, toán và ngoại ngữ. “Nếu muốn đậu vào những trường THPT có điểm trúng tuyển cao thì bắt buộc học sinh phải đi luyện thi. Không luyện thì rất dễ rớt cả 3 nguyện vọng hoặc chỉ đậu vào những trường cuối bảng” - Hiền lo lắng.
Chọn nguyện vọng phù hợp
Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội - sở sẽ hạn chế cho các trường xét tuyển nguyện vọng 3. “Do chỗ học trong trường công lập chưa thể đáp ứng hết nhu cầu nên khi đăng ký nguyện vọng dự tuyển, thí sinh cần lưu ý lựa chọn phù hợp với năng lực” - ông Chất nói.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, từ ngày 19 đến 24-5, học sinh có thể thay đổi việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Song một đại diện của Sở GD-ĐT cho rằng học sinh không nên quá lo lắng khi nhìn vào bảng tổng hợp 3 nguyện vọng mà quan trọng là căn cứ vào học lực của mình để chọn nguyện vọng, đặc biệt là nguyện vọng 1. “Học sinh cứ lấy tổng 3 môn văn, toán, ngoại ngữ , trong đó văn và toán nhân hệ số 2. Lấy tổng điểm này trừ đi khoảng 25% rồi so sánh với điểm chuẩn nguyện vọng 1 của các năm trước sẽ tìm được trường tương ứng” - người đại diện này khuyên.
Theo báo NLĐ