Tin liên quan

>> Ai sẽ dám cho con mình thi ngành sư phạm

>> Ngành sư phạm sẽ đi đâu?

>> Vì sao thí sinh miền Bắc chê ngành sư phạm?

Miệt mài xin được làm giáo viên

Đến thời điểm này, có ít nhất 3.000 cử nhân đại học, cao đẳng sư phạm ở Phú Yên ra trường đang thất nghiệp. Họ vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi, nhưng vẫn bất thành và cánh cửa vào nghề giáo viên mỗi lúc càng xa vời vợi!

Nhiều, rất nhiều người trong số họ đành gác bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, để đi kiếm sống trên đồng quê, sông nước, nương rẫy…

"Thầy ơi, năm học này có tuyển dụng giáo viên dạy văn không? Thưa thầy, còn bán hồ sơ xin việc không? Thầy cho con nộp hồ sơ xin việc...". Căn phòng công sở trở nên ồn ào, chật chội khi có quá nhiều cô, cậu cử nhân sư phạm đến “thử vận may” tìm việc làm. Có cả sinh viên tốt nghiệp đại học ở các tỉnh khác đến nộp hồ sơ, nhưng bị từ chối thẳng thừng.

 

Sinh viên tốt nghiệp sư phạm mong mỏi được đứng lớp, Tuyển dụng giáo viên, ngành sư phạm, xin việc, thông tin tuyển sinh, thong tin tuyen sinh

 

Ông Nguyễn Ngọc Đa - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GDĐT Phú Yên - nỗi niềm: “Năm nào cũng vậy, có khoảng 700-800 sinh viên ra trường nộp hồ sơ xin việc tại sở. Tội nghiệp, có hàng trăm em vật vã nhiều năm liền để theo đuổi nghề giáo, nhưng vì số lượng giáo viên đã “bão hòa” và chỉ tiêu tuyển dụng quá ít, nên đành chịu. Năm học này đã nhận trên 500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 31 giáo viên THPT ở các ngành học địa lý, Anh văn, tin học, thể dục và giáo dục quốc phòng”.

Thực tế, sinh viên sư phạm ra trường đi xin việc làm nhiều năm và chờ dài cổ vẫn không thấy nơi nào thiếu chỉ tiêu là chuyện thường ngày. Song, với địa bàn được xem là “tỉnh lẻ”, nhưng Phú Yên có đến gần 3.000 sinh viên ngành sư phạm từ trung cấp mầm non đến đại học tốt nghiệp ra trường không có việc làm, là điều không bình thường chút nào.

Mười năm “gõ cửa” nghề giáo vẫn bất thành!

Phan Thị Tuyết Trang - một trong số 3.000 sinh viên sư phạm - vừa kể vừa đưa tôi xem tấm bằng tốt nghiệp khoa Tổng hợp văn Đại học Đà Lạt và văn bằng học chuyên ngành sư phạm năm 2002. Cô chua chát: “Tôi mang hồ sơ xin việc đi “gõ cửa” từ tỉnh đến các huyện đồng bằng, lên cả miền sơn cước xa xôi, nhưng tất cả chỉ trả lời: Chưa có chỉ tiêu giáo viên văn, mong cô chờ!”. Và cô đã chờ, chờ suốt mười năm qua vẫn không bước chân được vào nghề giáo! Cô đã thử đi “ngã rẽ”, tìm làm một số công việc khác, chẳng hạn như nghề báo, nhưng đều không thích hợp. Sau 10 năm tốt nghiệp đại học, bây giờ Trang vẫn đang thất nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình có đến 10 anh chị em ruột với cuộc sống chồng chất khó khăn, Trang gắng sức học với ước mơ trở thành cô giáo. Vậy mà... Trang bảo, nhiều bạn học cùng lứa tuổi như Tường Vy, Thương, Tiến, Tuấn... cũng tốt nghiệp ĐH sư phạm trong năm 2002 và “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi. Nhưng tới giờ họ vẫn thất nghiệp, vẫn sống nhờ cha mẹ hoặc chuyển nghề nông ngư, chứ không thể chen chân vào được môi trường sư phạm tại quê nhà...

Nhà ở gần sát trường cấp 2-3 Xuân Phước, ngày lại qua ngày, em Nguyễn Thị Linh (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) ra ngõ nhìn các em đến trường mà lòng khao khát cháy bỏng muốn được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các em. Linh đã tốt nghiệp ngành sinh học tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) và đã chạy tìm việc 2 năm rồi vẫn không kết quả.

“Cha mẹ quanh năm tảo tần ruộng nương, vay mượn để lo cho em học đại học, những tưởng ra trường, về quê sẽ được rộng cửa đón chào. Nhưng giờ thì cha em thất vọng lắm, vì con cái thất nghiệp và đối mặt với nỗi lo cơm áo. Buồn không thể tả, anh ạ!” – Linh tâm sự.

Ở xã miền núi Xuân Phước có đến cả chục trường hợp như Linh, nhiều người quá nản lòng, đã bỏ quê vào các thành phố lớn để tìm việc. Cũng tốt nghiệp đại học ngành sinh học như Linh, em Huỳnh Thị Thanh Thúy không cam chịu “chôn chân” tại nhà, đã vào TPHCM hợp đồng dạy toán tiểu học tại trường của Cty giáo dục Hồng Hải (quận 10) với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Ông Huỳnh Khanh – cha của Thúy - bức xúc nói: “Lo chuyện học hành cho con cái đã vất vả, nhưng đến khi ra trường, lo xin việc làm lại càng vất vả hơn. “Thân gái dặm trường” – tôi không muốn con đi làm “trái chuyên môn” ở xa, nhưng cũng đành bất lực!”.

“Khủng hoảng thừa”, vẫn ồ ạt đào tạo

Hiện tượng “khủng hoảng thừa” sinh viên sư phạm ra trường ở Phú Yên đang gióng lên hồi chuông báo động. Thế nhưng, điều lạ là con em ở đây vẫn háo hức, ồ ạt thi vào học sư phạm, nhất là học tại Trường Đại học Phú Yên. Năm học mới này, nhà trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 1.800 sinh viên (năm trước chỉ 1.430 chỉ tiêu). Hơn 70% số sinh viên đều đăng ký học đại học, cao đẳng ngành sư phạm.

Thực tế, theo ông Trần Lăng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên - trong năm học 2011-2012, Trường ĐH Phú Yên có 2.707 sinh viên ở các trình độ và loại hình đào tạo, trong đó sinh viên là người Phú Yên chiếm hơn 65%. Riêng khối ngành sư phạm có đến 2.075 sinh viên, chiếm 76,65%; chỉ có 15 sinh viên (chiếm 0,56%) học ngành khoa học tự nhiên; 104 sinh viên (chiếm 3,85%) theo học các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp...

Thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ – Giảng viên ngành lâm nghiệp Trường ĐH Phú Yên - thở dài: “Một tỉnh với 80% tỉ trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng sinh viên đăng ký học các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đầu vào sinh viên ngành sư phạm thì không bao giờ thiếu...”

Khi tôi hỏi, hàng ngàn sinh viên sư phạm đã ra trường rất khó xin được việc làm, nhưng vì sao đa số các em đều lựa chọn học ngành sư phạm Trường ĐH Phú Yên, em Bùi Thị Thúy Hằng - ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, sinh viên cao đẳng sư phạm tiểu học - cùng nhiều sinh viên khác, bộc bạch: “Thú thật là chúng em hoàn toàn không nắm được thông tin như vậy. Chỉ biết trường này thi dễ đậu, học sư phạm lại ít tốn kém chi phí nên cứ học, chứ không biết tương lai thế nào!”

Lâu nay, Trường ĐH Phú Yên đào tạo số lượng lớn sinh viên sư phạm và đáp ứng được nhu cầu sinh viên “có bằng đại học, cao đẳng” trên địa bàn tỉnh, nhưng hoàn toàn chưa hề có khảo sát về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp! Sinh viên ra trường “tự bơi” đi tìm chỗ dạy, chứ ngành giáo dục Phú Yên cũng không có trách nhiệm tuyển dụng, phân bổ nơi công tác cho sinh viên tốt nghiệp ở Trường ĐH Phú Yên. Còn các cơ quan trong tỉnh thì cũng không mấy “mặn mà” tuyển dụng sinh viên ĐH Phú Yên!

Thầy Nguyễn Huy Vị - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phú Yên - thừa nhận: “Vẫn biết, thực tế nhiều sinh viên ra trường không được tuyển dụng, nhưng vì có nhiều thí sinh dự thi, nhiều nhu cầu học sư phạm thì nhà trường cứ tuyển và đào tạo! Nhà trường có đầy đủ các ngành đào tạo sử học, văn học, tin học, nông – ngư... nhưng có mấy em chịu học đâu?”

Trong khi đó, theo ông Trần Khắc Lễ - Phó Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên - rõ ràng đang nảy sinh sự bất cập, mất cân đối lớn giữa đào tạo và tuyển dụng sinh viên sư phạm ra trường. Từ 5-7 năm nay, số lượng học sinh ở các bậc phổ thông không tăng và nhu cầu giáo viên trong tỉnh đã bão hòa. Do vậy, hằng năm chỉ tuyển dụng vài chục giáo viên THPT, chỉ ưu tiên nhận những em có bằng thạc sĩ, tốt nghiệp ĐH loại giỏi, con em chính sách, thương binh, để thay thế cho giáo viên nghỉ hưu. Thêm nữa, chế độ cử tuyển giáo viên miền núi cũng không thực hiện, trong khi số lượng đào tạo sinh viên ra trường quá lớn, dẫn đến cung đã vượt xa cầu!

Đại học Phú Yên một chiều tan trường. Đứng nhìn từng đoàn sinh viên ngành sư phạm đang hối hả túa về những nơi ở trọ, trong tôi chợt bật lên câu hỏi: Tương lai các em sẽ đi về đâu, khi trước đó đã có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường, đang thất nghiệp? Đã đến lúc cần “mổ xẻ” hơn nữa trách nhiệm của nhà trường, các ngành chức năng ở Phú Yên để “gỡ” tình trạng con em thiếu định hướng nghề, đổ xô đi học cao đẳng, đại học sư phạm và giải quyết căn cơ sự phung phí, lãng phí nguồn nhân lực lớn trí thức sư phạm tồn tại dai dẳng trong suốt thời gian dài!

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Laodong)