Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Sinh viên năm cuối sư phạm có kế hoạch trang bị năng lực ngoại ngữ ra sao khi giáo dục liên tục đổi mới?

Sinh viên sư phạm cần trang bị năng lực ngoại ngữ thay vì chứng chỉ?

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong một giờ tự học
NGUYỄN ĐIỀN

Để gỡ bỏ khó khăn, áp lực không đáng cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên và dự kiến sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới.

Cần ngoại ngữ thật chứ không phải chứng chỉ

Ngay sau khi thông tin xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên được phát đi, hầu hết giáo viên bày tỏ sự đồng tình và vui mừng trước thay đổi này.

Sinh viên khối ngành sư phạm sắp ra trường tuy không còn áp lực hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ để xin việc nhưng vẫn có kế hoạch trang bị năng lực ngoại ngữ thật sự nhằm thích nghi với tình hình giáo dục liên tục đổi mới theo hướng toàn cầu.

Châu Thị Thùy Trang, sinh viên ngành sư phạm lịch sử, ĐH Sư phạm TP. HCM, cho biết: “Lứa học sinh mới bây giờ được trang bị ngoại ngữ từ nhỏ, mình không biết thì sẽ rất khó khăn trong quá trình tiếp cận với các em. Trong quá trình tham gia giảng dạy thì thời gian còn lại mình có thể học thêm tiếng Anh bằng nhiều cách khác nhau”.

Huỳnh Duy Khương, sinh viên năm cuối ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết rất vui mừng trước thông tin này vì sẽ đỡ mất thời gian chạy theo lấy các chứng chỉ. "Ngoại ngữ rất quan trọng với công việc giảng dạy của một giáo viên, tuy nhiên phải là thứ ngôn ngữ thật sự cần cho chuyên môn của mình chứ không phải là một tờ chứng chỉ. Thời đại công nghệ 4.0 bây giờ việc học ngoại ngữ thông qua internet là việc mà giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận. Mình tin là bản thân mỗi giáo nếu tâm huyết với nghề họ sẽ tự biết trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như hiện nay", Khương nhấn mạnh.

“Về kế hoạch sắp tới, để đáp ứng tốt nhất cho việc giảng dạy, mình sẽ trao dồi ngoại ngữ bằng cách tìm những tài liệu tiếng Anh liên quan đến phương pháp giảng dạy bộ môn ngữ văn của mình. Quá trình này vừa giúp mình trao dồi thêm vốn tiếng Anh vừa giúp mình học hỏi thêm rất nhiều kiến thức hay về phương pháp giảng dạy của các nước khác. Bên cạnh đó, để rèn luyện, củng cố lại những kiến thức ngoại ngữ đã được học, mình sẽ theo một vài khóa học trực tuyến”, Duy Khương nói thêm.

Sinh viên sư phạm cần trang bị năng lực ngoại ngữ thay vì chứng chỉ?

Giáo viên trong thời đại 4.0 cần trang bị nhiều kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ
NGUYỄN ĐIỀN

Trang bị ngoại ngữ để tăng cơ hội nghề nghiệp

Ở góc độ khác, Nguyễn Tấn Phát, sinh viên năm cuối ngành sư phạm sinh học, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, nhận xét: “Dù là được miễn chứng chỉ ngoại ngữ nhưng sinh viên khối ngành sư phạm vẫn nên trang bị những chứng chỉ ngoại ngữ để tăng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai hoặc học lên cao. Hơn nữa ngoại ngữ còn giúp ít cho việc đọc tài liệu, tiếp cận với nguồn thông tin phong phú hơn để hỗ trợ việc giảng dạy sao này.”

Về phía giáo viên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lư, giáo viên THCS tại tỉnh Sóc Trăng, nhận định: “Hiện nay cuộc sống có nhiều thay đổi, xu hướng mở, mang tính chất quốc tế hóa, đòi hỏi lực lượng giáo viên trẻ phải có khả năng thích ứng. Trong đó ngoại ngữ là một trong những công cụ cần thiết. Tuy nhiên, ngoại ngữ chỉ thật sự có giá trị khi nó được sử dụng vào trong thực tế giảng dạy chứ không phải chạy theo bằng cấp. Vì vậy, sinh viên ngành sư phạm sắp ra trường nên chủ động nắm bắt cơ hội cũng như trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng thông thạo ngoại ngữ. Chưa kể trường hợp một số sinh viên khối ngành sư phạm ra trường không tham gia giảng dạy, nếu có năng lực ngoại ngữ thì có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp hơn…”.

Điều kiện để xét tốt nghiệp

Thạc sĩ Hoàng Hà, Giảng viên khoa Giáo dục đặt biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Chứng chỉ ngoại ngữ không còn là rào cản của những sinh viên khối ngành sư phạm khi tìm việc, nhưng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực Việt Nam (Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) cũng là điều kiện để sinh viên xét tốt nghiệp đại học. Vì vậy, theo tôi các bạn nên theo học và trang bị những kỹ năng ngoại ngữ một cách nghiêm túc để khi lấy được bằng có thể sử dụng một công đôi việc. Thêm nữa sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM phải học 3 học phần ngoại ngữ trong chương trình đại học hoặc chứng chỉ ngoại ngữ thay thế. Vì thế nếu sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ thay thế thì sẽ được miễn 3 học phần, giảm đi được 150 tiết trong trương trình, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí".

> Mong chờ thay đổi gì ở ngành giáo dục?

> Rèn luyện Tiếng Anh qua những hoạt động đơn giản hằng ngày

Theo Thanh Niên