Không ít sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành. Tuy nhiên, việc làm trái ngành này có thật sự gây lãng phí thời gian, công sức của bản thân sinh viên?
1. Câu chuyện "nghề không chọn mình"
“Mình chọn nghề nhưng nghề không chọn mình” – một câu nói đùa của các bạn sinh viên nhưng cũng phản ánh đúng tình trạng thực tế của đại đa số cử nhân đại học hiện nay. Sinh viên đại học nhiều bạn không thích ngành mình đang học; có bạn thì học chuyên ngành cũng thấy hứng thú nhưng lại không biết học xong ra trường mình sẽ làm nghề gì. Tất nhiên vẫn có những sinh viên xác định rõ mục tiêu của mình từ khi còn học phổ thông và không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, đến khi được đi sâu, trải nghiệm công việc đúng với nghề mình chọn, thì lại nhận ra mình không hề thích nó. Nhiều bạn cảm thấy áp lực, thậm chí sợ hãi khi phải đối mặt với công việc của mình.
“Đang là tuần thi của trường, mình thực sự cảm thấy khối lượng bài vở quá nhiều. Nhiều ngày liền mình thức trắng đêm để kịp tiến độ đồ án. Thời gian ăn ngủ ít hơn thời gian ngồi máy tính. Cảm thấy sau này ra trường nếu làm một kiến trúc sư, không biết mình sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn hay cho máy tính nhiều hơn nữa. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, giờ mình chỉ biết cố" – Dương Đức Quang, sinh viên khoa Kiến trúc, Đại học Xây Dựng chia sẻ.
Thực tế là, phần lớn nhiều sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng vẫn còn mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Nhiều bạn sinh viên không biết chọn ngành nào nên học theo định hướng gia đình, học vì ngành đó đang hot, đang thời thượng. Chính vì bản thân mình không hề có đam mê, yêu thích nghề, nên mới xảy ra tình trạng khi học xong, sợ phải đối mặt với nghề. Khi đó, dẫn đến tình trạng sinh viên đi làm trái ngành trái nghề như hiện nay.
2. Làm trái ngành có phải là sự lãng phí thời gian?
Làm trái ngành là một hiện tượng khá phổ biến ở sinh viên mới ra trường hiện nay
Trải qua 4 năm đại học cùng với những kiến thức tích lũy được, ai nấy đều mong muốn ra trường trở thành những người thành đạt trên chính con đường mà bản thân đã chọn. Nhưng giờ lại phải bắt đầu lại từ đầu, một bước ngoặt mới sang một hướng đi khác khiến nhiều người phải trăn trở suy nghĩ.
Không muốn bỏ phí những kiến thức ở trường đại học, không muốn bắt đầu lại với những công việc khó khăn, ngại thử thách nên nhiều bạn lựa chọn chờ đợi một công việc thích hợp. Tuy nhiên, số khác lại làm hẳn một nghề khác chẳng mấy liên quan đến những gì mình đã học.
Một người tốt nghiệp ngành sư phạm lại đi làm sale, một người tốt nghiệp ngành luật lại đi bán bảo hiểm hay một người học công nghệ thông tin ra lại đi làm bồi bàn… là những chuyện hoàn toàn có thật. Họ chấp nhận làm các công việc trái ngành vì nhiều lý do, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là do… thất nghiệp, do không thể tìm được một công việc phù hợp với bản thân.
“Mình học ngành công nghệ thực phẩm của một trường cao đẳng, ra trường đã 2 năm chưa tìm được việc, sau thời gian lang thang đành trang bị cho mình chiếc xe máy tham gia chạy cho hãng GrabBike”- Bạn Phạm Quang Chung (SN 1994, quê ở Nam Định) là một ví dụ chia sẻ
3. Khám phá chính bản thân
Thất nghiệp quả là một viễn cảnh rất đáng sợ nhưng dành cả cuộc đời để làm một công việc mình không yêu thích còn đáng sợ hơn rất nhiều. Nếu bạn chưa biết thì hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, Albert Eistein vẫn chỉ là một kẻ thất nghiệp. Cựu ứng viên Tổng thống Hillary Clinton từng mổ cá trong một nhà máy chế biến cá hồi trước khi trở thành một nữ chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ.
Vậy nên, điều đầu tiên sau khi ra trường bạn nên làm không phải là viết hàng trăm cái CV và gửi đi tất cả những công ty. Mà hãy khám phá chính bản thân mình, tìm hiểu xem bạn thực sự muốn gì và có thể làm gì để đạt được điều đó. Những gì bạn cần bây giờ là kinh nghiệm, là ham muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân. Cũng đừng sợ rằng thất bại trong công việc sẽ đánh mất tuổi trẻ của bạn bởi tuổi tác chỉ là những con số. Ngày nào bạn vẫn còn đủ quyết tâm và niềm tin mình sẽ thành công khi đó bạn luôn còn thời gian để làm lại. Sự nghiệp của mỗi người là một công trình lớn mà công việc đầu tiên mới chỉ là viên gạch khởi đầu.
> Phát triển công nghệ số là hướng tuyển dụng tương lai
> Trước tuổi 30, bạn cần sở hữu những kỹ năng mềm nào?
Theo Người Làm Báo