Làm sao để thầy cô đảm nhận tròn vai một người thầy với hơn 60 học sinh/ lớp, có lẽ đây thực sự là một áp lực vô cùng lớn đối với thầy cô giảng dạy...
> Lo lắng những thí sinh gian lận thế chỗ thí sinh giỏi tại trường đại học
> Nữ Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm TP.HCM
LTS: Lên tiếng về thực trạng sĩ số học sinh quá đông ở bậc tiểu học, thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ lo ngại về chất lượng dạy và học.
Năm học mới này, nhiều trường Tiểu học ở các địa phương phải đón nhận một lượng học sinh đông hơn nhiều so với các năm trước. Một số trường nội đô của Hà Nội có sĩ số trên 60 học sinh/lớp.
Đây thực sự là một áp lực vô cùng lớn đối với thầy cô giảng dạy và cả với ngành giáo dục.
Như Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) có 9 lớp 1, nhưng chỉ có 2 lớp sĩ số là 68 em, còn lại 7 lớp sĩ số 69 em.
Với số lượng học sinh đông như vậy không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho người dạy, người học mà đã vượt số lượng so với quy định của Điều 17 Điều lệ trường tiểu học ban kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.
“Bản thân cũng là một giáo viên đang giảng dạy nhưng khi tiếp cận thông tin lớp học lên đến 69 học sinh khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp. Bản thân chúng tôi cũng không thể hình dung nổi những đồng nghiệp của mình sẽ vất vả ra sao khi dạy dỗ, quản lý chừng ấy học trò”.
Chỉ riêng việc ghi tên, ghi trích ngang của học sinh cũng phải mất mấy ngày. Rồi, chừng ấy học sinh chỉ việc nhớ tên các em cũng phải mất khá nhiều thời gian. Chưa nói ở cái tuổi vào lớp 1 thì các em học sinh luôn có vô vàn sự cố trong lớp học. Tập cho các em một thói quen sinh hoạt, học tập… cũng đủ khiến nhiều người toát mồ hôi hột.
Từ lâu, Bộ đã nhiều lần ra công văn chỉ đạo là cấm các trường dạy trước chương trình lớp 1. Và, nếu như các bậc phụ huynh, các nhà trường thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ thì liệu thầy cô có đủ thời gian để uốn nắn cho học trò từ những nét chữ, con số đầu tiên?
Trong khi, ngay từ lớp 1 thì các em phải học rất nhiều môn. Mỗi tiết học của cấp Tiểu học hiện nay chỉ có 35 phút, chừng ấy thời gian nhưng giáo viên còn phải làm nhiều công việc hành chính khác như ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, kiểm tra bài cũ… Sau đó, mới tiến hành dạy, viết mẫu lên bảng, hoặc đọc mẫu trước lớp.
Những em thông minh, tiếp thu nhanh và được cha mẹ dạy dỗ kĩ càng ở nhà thì có thể tiếp cận được kiến thức bài vở mà thầy cô dạy.
Những em học sinh yếu kém thì làm sao có thể theo kịp được bởi làm sao thầy cô có thể quan tâm cặn kẽ đến từng học sinh với chừng ấy em.
Nhiều em chưa hình thành thói quen tự giác, tự chủ, nói năng cũng chưa đi vào nề nếp. Những điều đó, bắt buộc giáo viên lớp 1 phải hướng dẫn và hình thành dần các kĩ năng cho các em. Đó là chưa kể học sinh lớp 1 phần lớn học 2 buổi/ ngày.
Nhìn vào thực trạng sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh, chúng ta thấy nó đã vượt qua tất cả những quy định, quy chuẩn của ngành giáo dục. Và, bài toán quá tải này mà ngành, địa phương chưa giải được thì chuyện đổi mới giáo dục có lẽ còn xa vời lắm.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh
> Kỳ thi Đại học xưa và nay khác nhau như thế nào?
> Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình chia sẻ "luôn tin tưởng các anh em nhưng không ngờ..."