>> Tuyển sinh > Điểm thi tốt nghiệp 2014 > điểm thi

Tiến tới kỳ thi quốc gia duy nhất không có nghĩa là  chúng ta sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, cũng không có nghĩa là kết hợp hai kỳ thi này làm một.

Hiệu ứng cộng hưởng từ… “phần ngọn”

Chọn thi cử làm khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Bộ GDĐT mong muốn khâu thi cử sẽ quay lại tác động trực diện và mạnh mẽ tới cách dạy và học hiện nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu QH Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), trong phiên chất vấn ngày 11/6, về việc chọn thi cử làm khâu đột phá trong khi đây là “phần ngọn” của lộ trình đổi mới GDĐT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ: “Thi cử với việc dạy, việc học có quan hệ tác động lẫn nhau. Khi thiết kế chương trình dạy và học đổi mới chúng ta phải thiết kế chương trình, nội dung, phương pháp dạy, phương pháp học tính đến chuyện thi cử một cách đồng bộ. Trong quá trình triển khai dạy học và thi cử, có những thay đổi của quá trình thi cử sẽ dẫn đến sự thay đổi của quá trình dạy và học”.

Tuy nhiên, không phải ngay một lúc nền giáo dục có thể thay đổi đồng bộ nhưng trong quá trình thực hiện đề án, Bộ GDĐT thấy rằng thay đổi cách đánh giá, thi cử là việc có thể làm được ngay trong khi xác định hệ thống, chương trình, từ đó biên soạn SGK, tập huấn giáo viên theo phương pháp dạy mới cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, nghe có vẻ ngược nhưng với sự thay đổi từng bước về thi cử thì dù đang dựa vào chương trình cũ, SGK cũ thì giáo viên, học sinh cũng từng bước làm quen và chuyển sang cách dạy và học mới cho phù hợp.

 

 

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đã được dư luận đánh giá là một kỳ thi có tiến bộ rất rõ rệt về mặt thái độ. Không còn những hình ảnh trắng xóa phao thi, chuyện quay cóp ngang nhiên như những kỳ thi trước trên báo chí, trên truyền hình…" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích: “Thay đổi căn bản từ chỗ là trước đây chúng ta kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của các cháu, bây giờ kiểm tra kiến thức vận dụng khả năng tổng hợp, vận dụng giải quyết những vấn đề. Từ chỗ từng bài học một đến chỗ tổng hợp kiến thức của cả khóa học và kiến thức xã hội, bao gồm cả kiến thức chính trị, kiến thức pháp luật, vấn đề đạo đức công dân tạo nên sức lan tỏa, các cháu rất hứng khởi làm bài và làm tốt”.

“Tôi đánh giá những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã tiến một bước quan trọng. Thầy có thay đổi cách dạy, trò thay đổi cách học qua tác động của kỳ thi. Càng chuyển động mạnh ở quá trình dạy, học thì quá trình thi sẽ càng có nhiều thay đổi. Nhưng Bộ GDĐT vẫn luôn cân nhắc, thận trọng để đưa ra thay đổi phù hợp với thực tế, không tạo bất ngờ, không gây sốc, không tạo sự lo lắng của cả xã hội. Cho nên trong tương lai, Bộ sẽ triển khai sâu thêm theo hướng thi và kiểm tra năng lực, phẩm chất của học sinh chứ không đơn thuần là kiến thức học thuộc lòng”.

Trả lại giá trị cho kỳ  thi tốt nghiệp

Về chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về thời điểm “đến khi nào chỉ còn một kỳ thi quốc gia và kỳ thi đó được tổ chức theo hình thức nào”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình thiết kế của việc sẽ tiến tới có kỳ thi quốc gia duy nhất làm cả 2 nhiệm vụ là đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa các thí sinh đủ năng lực vào bậc học ĐH, CĐ.

Hiện tại, Bộ GDĐT đang trao đổi, tính toán và báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về lộ trình thực hiện. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn việc này để đưa ra một phương án, lộ trình được đông đảo xã hội chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng việc tiến tới kỳ thi quốc gia duy nhất không có nghĩa là bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ. Và có một điều chắc chắn đó là sẽ không bao giờ bỏ kỳ thi tốt nghiệp dù có nhiều dư luận cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay thì kỳ thi này không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá học sinh”, người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp nhằm xem xét để xác định những học sinh nào đã hoàn thành chương trình học 12 năm và được cho phép tốt nghiệp. Kỳ thi này cũng có vai trò trong việc đánh giá, phân loại học sinh.

Cùng với những thay đổi trong cách dạy và học hướng tới dạy-học thực chất, kỳ thi tốt nghiệp sẽ góp phần giúp các em học sinh tự nhận ra trình độ, năng lực của mình. Đồng thời kết quả kỳ thi sẽ trở thành nguyên liệu, cơ sở để các trường ĐH, CĐ xây dựng các phương án tuyển sinh riêng. Điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Các trường ĐH, CĐ coi kết quả thi tốt nghiệp là tiêu chí cơ bản và xây dựng thêm các tiêu chí đặc thù của trường, ngành học vào để hình thành một bộ tiêu chuẩn tuyển sinh thay vì tổ chức một kỳ thi riêng với các môn tương tự.

Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực khi kỳ thi tốt nghiệp không bị bệnh thành tích làm biến dạng, méo mó và vô hiệu hóa. Việc Bộ GDĐT  đẩy mạnh quá trình truyển sinh riêng cũng nhằm mục đích tác động lại để thực chất hóa kết quả thi tốt nghiệp. Khi kết quả thi tốt nghiệp là nguyên liệu tuyển sinh ĐH, CĐ thì những tỷ lệ 98, 97% đỗ tốt nghiệp sẽ không còn giá trị nếu tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ của địa phương đó trái ngược.

Đến lúc đó, thi ĐH, CĐ sẽ không còn tồn tại chuyện thi 3 chung hay thi riêng mà chỉ đơn giản là tuyển sinh ĐH, CĐ. Khi đó, có trường chọn tuyển, có trường chọn thi nhưng đó không còn là 1 kỳ thi cấp quốc gia nữa. Và đó chính là cái đích mà Bộ GDĐT đang hướng tới khi khẳng định không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.Xem điểm thi tốt nghiệp 2014

Theo Chinhphu