Từ năm học 2018 - 2019 sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới

Theo tờ trình của Chính phủ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, từ năm học 2018-2019, sẽ triển khai áp dụng đại trà chương trình mới.

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Tại đây, Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đó, riêng về lộ trình thực hiện sẽ được chia làm 3 giai đoạn.

- Giai đoạn 1 (từ 01/2015 - 6/2017) sẽ gồm các việc: Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới. Xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới. Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới. Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa. Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới,…

- Giai đoạn 2 (7/2017 - 6/2018) gồm: Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa,… Thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn.

- Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2021): Từ năm học 2018-2019, sẽ triển khai áp dụng đại trà chương trình mới.

Chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục

Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa. Tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Thi đề nghị cần cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Cần tổ chức đánh giá tình trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, các trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, SGK mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, theo ông Thi, việc triển khai đại trà chương trình, SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Cụ thể, đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.

Theo Infornet, http://infonet.vn/se-ap-dung-chuong-trinh-sgk-moi-tu-nam-hoc-20182019-post146242.info