Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh

Với việc “sản xuất” trung bình 2.000 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghề mỗi tháng, tháng cao điểm lên tới 5.000 chứng chỉ, Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI (ở Hải Phòng) đã bán hàng trăm ngàn chứng chỉ giả, thu lời bất chính hàng tỉ đồng.

Phát hiện hàng loạt chứng chỉ ngoại ngữ tin, học gỉả

Tin từ Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng ngày 23-7 cho biết cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố bị can 7 đối tượng cầm đầu một đường dây sản xuất hàng trăm ngàn văn bằng chứng chỉ nghề, tin học, ngoại ngữ giả, sau đó rao bán  trên các diễn đàn, trang web.

7 đối tượng này gồm: Phạm Duy Việt (59 tuổi), là Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI (Trung tâm FLAI) cùng con trai là Phạm Duy Tài (là Chánh văn phòng Trung tâm FLAI, trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Phạm Duy (33 tuổi, trú tại huyện Từ Liêm, Hà Nội); Phạm Thị Diễn, (24 tuổi, ở Phú Diễn, huyện Từ Liêm); Ngô Xuân Bách (24 tuổi, ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng); Nguyễn Trung Kiên (26 tuổi, trú tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An, Hải Phòng); và Nguyễn Hồng Hà (27 tuổi, trú tại phố Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2008 đến nay, lợi dụng chức danh là Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI, có quyền tuyển sinh, đào tạo và cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Phạm Duy Việt đã “sản xuất” hàng trăm ngàn chứng chỉ giả các loại, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng. Trung bình, mỗi tháng Việt cùng đồng phạm cho “ra lò” khoảng  2.000 chứng chỉ giả, cao điểm lên tới 5.000 chứng chỉ/tháng.

chứng chỉ giả


Phạm Duy là người lập danh sách và ảnh của những người có nhu cầu từ các đối tượng khác sau đó chuyển cho bố con Phạm Duy Việt và Phạm Duy Tài để ký và “cấp” những chứng chỉ này.

Các đối tượng còn lại là những đầu mối tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó Kiên và Bách được xác định đã sử dụng các trang web, diễn đàn rao bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ nghề giả.

Người có nhu cầu chỉ cần liên lạc trước qua điện thoại rồi gửi ảnh 3x4cm, bản sao CMND qua địa chỉ email, đồng thời trả tiền vào tài khoản của Kiên và Bách ở ngân hàng. Sau đó các loại văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu sẽ được gửi tới người mua qua đường bưu điện.

Các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đóng dấu của Trung tâm FLAI, được bán đến tay người tiêu dùng giá 250.000 đồng/chiếc, còn chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (giả) 700.000 đồng/chiếc.

Tài liệu điều tra cũng xác định, Phạm Duy Việt đã mở 15 cơ sở trực thuộc Trung tâm FLAI và ký hợp đồng 17 cơ sở liên kết đào tạo với các trung tâm tin học, ngoại ngữ khác ở Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, TP HCM, Long An, Bình Dương…. Tuy nhiên, đa số cơ sở này không tổ chức tuyển sinh, thi tuyển mà chỉ bán chứng chỉ cho khách có nhu cầu.

Quá trình khám xét khẩn cấp đối với Phạm Duy Việt và Phạm Duy Tài, Công an quận Hồng Bàng đã thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 con dấu cùng hàng ngàn tài liệu liên quan đến việc sản xuất, bán các loại chứng chỉ giả cho rất nhiều đối tượng khác nhau tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước.

Theo Tr.Đức , Báo NLĐ