Nên bán đấu giá bản thảo sách giáo khoa mới
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa như thế nào cho hiệu quả, tránh “những vết xe đổ” là vấn đề đang gây nhiều bàn cãi.
Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Bùi Mạnh Hùng - Trường ĐH Sư phạm TPHCM:
* Thưa ông, so với những lần cải cách trước thì việc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” lần này, theo ông cần tập trung vào những yếu tố nào?
- Chất lượng của giáo dục phổ thông (thể hiện qua chất lượng học sinh) được quyết định bởi những yếu tố căn bản như chương trình và sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông trước hết phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, sau đó là đổi mới tất cả các yếu tố còn lại để cả hệ thống được vận hành một cách đồng bộ, nhưng trong đó có ba yếu tố cần tập trung hơn cả, vì tầm quan trọng và mức độ nan giải của nó, đó là: chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Theo cách tiếp cận mới về chương trình và trong bối cảnh chính sách “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” được triển khai thì vai trò của sách giáo khoa không như trước.
Sau này, khi được đào tạo theo quy trình mới hay đào tạo lại, nhiều giáo viên có thể tự biên soạn bài giảng mà không cần dùng đến sách giáo khoa, miễn sao đáp ứng được các chuẩn cần đạt của chương trình.
* Yêu cầu này có quá cao trong bối cảnh lâu nay nhiều giáo viên đã coi “SGK như pháp lệnh”?
- Xây dựng chương trình theo định hướng phát triển năng lực là cách tiếp cận mới đối với Việt Nam. Năng lực của các nhà chuyên môn đóng vai trò quyết định đối với chất lượng chương trình.
Và chắc hẳn những người xây dựng chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm tập huấn và đào tạo lại cho giáo viên phổ thông. Nhưng chính họ cũng phải được tập huấn và đào tạo lại.
Nên bán đấu giá bản thảo sách giáo khoa mới
Kinh nghiệm xây dựng chương trình ở Việt Nam lâu nay không áp dụng được nhiều cho việc xây dựng chương trình mới lần này.
Để dạy được chương trình mới, đội ngũ giáo viên cũng phải được “lột xác”. Lâu nay các trường sư phạm tập trung đào tạo những ông thầy truyền thụ kiến thức cho học sinh. Họ không được đào tạo cách “đọc chương trình” để tự mình có thể biên soạn bài giảng dựa trên chương trình quốc gia.
Cách thức đào tạo ở các trường sư phạm và thói quen dạy học ở phổ thông từ nhiều đời nay khiến họ không quen với lối dạy tổ chức các hoạt động trong lớp học để học sinh được tự làm việc và đối thoại, thảo luận, tranh biện với nhau.
Để khắc phục tình trạng này, cần đổi mới mạnh mẽ các trường đại học sư phạm; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đang đứng lớp và đào tạo giáo viên mới.
Với chi phí đào tạo thấp như hiện nay (6 triệu đồng/SV/năm), với cách thức tuyển sinh và quản trị đại học vẫn như xưa, các trường đại học sư phạm chưa có dấu hiệu gì đổi mới.
* Để tránh những bất cập của bộ SGK của lần đổi mới trước, lần này theo ông việc biên soạn SGK nên tiến hành như thế nào?
- Cách tiếp cận chương trình theo định hướng phát triển năng lực và chính sách “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của nhà nước sẽ đặt việc biên soạn sách giáo khoa vào một bối cảnh hoàn toàn mới.
Cho nên lần này chắc không học hỏi được gì nhiều từ những bài học lần trước, nhưng có những điều cần chú ý, áp dụng cho bất kì khi nào triển khai biên soạn sách giáo khoa: các tác giả phải có đủ thời gian để biên soạn kĩ lưỡng, người soạn sách vừa phải thực sự hiểu chương trình vừa phải hiểu học sinh.
Trong hai phương án triển khai biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Theo phương án Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách hoàn chỉnh để chủ động trong việc triển khai kế hoạch dạy học và để làm mẫu cho một kiểu sách giáo khoa mới, các bộ sách khác do tư nhân tổ chức biên soạn (có thể một bộ sách trọn vẹn cho tất cả các môn hoặc chỉ cho một môn nào đó) thì việc bán đấu giá bản thảo là một ý tưởng nên nghĩ đến để thu hồi vốn đầu tư, tiết kiệm ngân sách.
Lí tưởng hơn nữa là để hai tổ chức (hoặc hai công ty) trúng thầu bản thảo và họ sẽ cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng in ấn.
Nếu theo phương án Bộ không tham gia tổ chức biên soạn mà chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thì Bộ cần sớm có thời gian biểu cụ thể công bố rộng rãi để những ai muốn tham gia có thời gian chuẩn bị và có hợp đồng ràng buộc về thời hạn với những đối tác đã đăng kí.
Các nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến việc biên soạn và thẩm định cũng cần được công bố sớm.
Tôi nghĩ là Bộ đã tính đến giải pháp cụ thể cho từng phương án.
* Dư luận lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định các bộ SGK, quan điểm của ông như thế nào?
- Trên nguyên tắc, khi sự cạnh tranh lợi ích được giải quyết bằng hình thức thẩm định, phê duyệt thì việc lo ngại tiêu cực là có cơ sở, nhất là trong bối cảnh của Việt Nam.
Quy trình thẩm định sách giáo khoa, như lâu nay, bao giờ cũng yêu cầu từng thành viên trình bày chi tiết các nhận xét. Vì vậy, việc mỗi thành viên và sau đó là toàn hội đồng thông qua một bộ sách giáo khoa phải dựa trên những bằng chứng cụ thể, chứ không phải dựa trên việc bỏ phiếu tù mù.
Nếu biên bản kết luận của hội đồng thẩm định được công bố và trong từng bộ sách giáo khoa đều có in tên của các thành viên hội đồng thì quy trình thẩm định sẽ minh mạch hơn. Mà minh bạch là khắc tinh của tiêu cực.
Chắc dư luận lo ngại tiêu cực nhiều nhất nếu Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng. Nhưng với quy trình như trên thì có thể hạn chế được. Hạn chế được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào quy trình tổ chức cụ thể, trong đó có việc chọn người tham gia.
Nếu Bộ tổ chức một bộ sách giáo khoa riêng thì bộ sách đó sẽ có những ưu thế ban đầu trong việc cạnh tranh đi vào trường học vì tính chính thống của nó và dù sao Bộ cũng phải chọn những tác giả thích hợp nhất để biên soạn sách theo mô hình mới.
Nhưng một thời gian sau, ưu thế đó có thể không còn nhiều, vì có thể hình dung tác giả sách giáo khoa của Bộ chủ yếu như là những huấn luyện viên nổi tiếng, một đội bóng của các huấn luyện viên tài năng không chắc đã chơi hơn một câu lạc bộ địa phương gồm toàn cầu thủ chạy trên sân hàng ngày. Họ có sức khỏe, có kĩ năng, chỉ cần huấn luyện thêm.
Tôi tin chính sách “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” sẽ là cơ hội để nhiều giáo viên phổ thông thể hiện tài năng và tài hoa của mình. Những người như thế có ở khắp nơi. Nhà nước có chính sách thích hợp, họ sẽ xuất hiện!
"Nếu trong kì họp vào tháng 10 tới Quốc hội thông qua “Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa” thì có thể nói công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã tiến được một bước khá dài.
Vì như vậy, chúng ta có được một bản thiết kể tổng thể với nhiều nội dung đổi mới, tiếp cận được với các mô hình giáo dục tiên tiến về hệ thống môn học ở các cấp học, định hướng tích hợp ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, phân hóa theo hình thức tự chọn môn học ở bậc trung học phổ thông.
Và đặc biệt việc lấy định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học làm nền tảng căn bản cho mọi khâu thiết kế hệ thống giáo dục phổ thông hứa hẹn tạo ra một bước ngoặt lớn cho nền giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới vẫn đang nằm ở phía trước".
Theo Tuổi trẻ, http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140926/sach-giao-khoa-moi-nen-ban-dau-gia-ban-thao/650965.html