Rút hồ sơ trong khi xét tuyển như thế nào ? - ảnh 1
Học sinh tỉnh Bến Tre chăm chú theo dõi thông tin trong buổi Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này sáng qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sáng 28.3, gần 1.000 học sinh (HS) lớp 12 ở TP.Bến Tre có mặt tại hội trường UBND tỉnh để tham dự buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức. Chương trình được Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bến Tre phát sóng trực tiếp.

Dựa vào điểm số, cân nhắc chọn nguyện vọng

Có mặt trực tiếp tại buổi tư vấn, HS Xuân Đài, Trường THPT chuyên Bến Tre, đã đặt ra vấn đề mà rất nhiều HS khác còn đang thắc mắc: “Trong đợt nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên, em có thể nộp cho nhiều trường cùng lúc hay khi rớt rồi mới được nộp trường khác?”. Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: “Năm nay thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu báo điểm sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, phiếu thứ nhất dành cho nguyện vọng (NV) 1 dùng để xét tuyển đợt đầu tiên và 3 phiếu cho NV bổ sung ở các đợt tiếp theo. Trong khoảng thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển NV1, nếu thí sinh cảm thấy mình khó đậu hoặc muốn chuyển sang một ngành khác, trường khác thì liên hệ với trường để rút hồ sơ. Khi các trường đã công bố kết quả, nếu không trúng tuyển, thí sinh sẽ dùng 3 phiếu còn lại để xét các NV bổ sung”.
HS Nguyễn Huy, Trường THPT chuyên Bến Tre, tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy trong vòng 20 ngày đó, thủ tục rút hồ sơ nộp vào trường khác như thế nào, có tốn thời gian không?”. Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, hướng dẫn: “Trong quá trình theo dõi thông tin, nếu thí sinh muốn rút hồ sơ thì lập tức các em phải liên hệ trực tiếp với trường để làm thủ tục”.
Về việc theo dõi thông tin trên website trong quá trình xét tuyển, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý: “Những thông tin về xét tuyển sẽ được cập nhật và thay đổi thường xuyên. Hơn nữa, ở NV1, mỗi thí sinh được nộp tới 4 ngành trong một trường nên cũng rất khó để đánh giá chính xác về khả năng có trúng tuyển hay không. Điều quan trọng là thí sinh phải có sự cân nhắc phù hợp căn cứ vào điểm số của mình”. Thạc sĩ Vũ cũng khuyên thí sinh không nên ỷ lại mình còn đến 3 phiếu cho NV bổ sung, bởi chỉ tiêu cho các đợt bổ sung sẽ còn rất ít.

Có khả năng hội họa, học ngành gì ?

Một phụ huynh tên Tuấn cho biết con mình có khả năng hội họa, học tốt các môn toán, lý, hóa thì có thể học để ra làm thiết kế bao bì được hay không? Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Nếu thí sinh có khả năng hội họa thì có thể học các ngành thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật, thiết kế thời trang... Thường những trường có ngành này sẽ tổ chức đợt thi năng khiếu riêng”.
Bà Lê Thanh Trúc, đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre, thông tin thêm: “Thời điểm hiện nay và những năm tới, ngành chế biến thực phẩm đang rất phát triển, kéo theo nhu cầu về bao bì, hình thức đóng gói... Thiết kế bao bì là ngành có nhiều cạnh tranh nên ngoài chất lượng tốt, cần phải có mẫu mã thiết kế đẹp, ấn tượng”. Theo bà Trúc, bạn trẻ muốn làm việc trong lĩnh vực này bên cạnh việc trau dồi chuyên môn còn cần có khả năng sáng tạo và hiểu biết về công nghệ thông tin...
Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/rut-ho-so-trong-khi-xet-tuyen-nhu-the-nao-545954.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015,điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia