Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với giải pháp “thi cụm” của Bộ GD-ĐT và những vấn đề liên quan đến quyền lợi thí sinh. Sáng 23-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội liên quan tới phương án tổ chức kỳ thi quốc gia. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với giải pháp “thi cụm” của Bộ GD-ĐT và những vấn đề liên quan đến quyền lợi thí sinh.
Không nên có cụm thi địa phương
Nhiều đại biểu tại phiên họp đã đặt các câu hỏi chất vấn, đề nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích rõ hơn về hai loại cụm thi, một do các trường ĐH chủ trì tổ chức và một loại cụm thi tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì tổ chức. Ông Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng cách chia ra hai loại cụm thi như phương án của Bộ GD-ĐT sẽ dẫn đến hệ lụy khó đảm bảo mặt bằng chất lượng chung khi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì dự đoán sẽ coi thi, chấm thi chặt hơn các cụm địa phương. Chưa kể giữa các địa phương cũng có sự khác biệt do tác động từ phía những người tham gia tổ chức kỳ thi. Như vậy, những thí sinh dự thi tại “cụm ĐH” nhưng chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp sẽ bị thiệt thòi hơn thí sinh ở “cụm địa phương”.
Ông Phùng Văn Hùng: “Cách chia ra hai loại cụm thi như phương án của Bộ GD-ĐT sẽ dẫn đến hệ lụy khó đảm bảo mặt bằng chất lượng chung” - Ảnh: Việt Dũng
Giải thích lý do có quy định “cụm thi địa phương” do sở GD-ĐT tổ chức, ông Phạm Vũ Luận cho biết do thực tế hiện nay không phải tỉnh, thành nào cũng có trường ĐH và không phải trường ĐH nào cũng đủ năng lực và độ tin cậy để đứng ra chủ trì tổ chức cụm thi ĐH (tương tự như cụm thi của kỳ thi “ba chung” các năm trước). Bộ GD-ĐT chỉ dự kiến tổ chức khoảng 20 cụm thi trên cả nước với 45.000-50.000 thí sinh/cụm thi. “Chúng tôi đưa ra cụm thi địa phương xuất phát từ việc tiếp thu ý kiến góp ý của xã hội và xét đến sự thuận tiện, giảm tốn kém cho thí sinh ở những nơi khó khăn, có hoàn cảnh khó khăn” - ông Luận nhấn mạnh.
Trao đổi lại với người đứng đầu Bộ GD-ĐT, một số đại biểu cho rằng nếu chỉ vì muốn hỗ trợ thí sinh khó khăn thì tại sao không giao cho các địa phương tổ chức hỗ trợ đưa thí sinh khó khăn về các cụm thi ĐH, thay cho việc phải tổ chức hai loại cụm thi, kéo theo là các quy định khác nhau liên quan tới mục đích sử dụng kết quả, quyền lợi thí sinh?
Ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ quan điểm “không nên có cụm thi địa phương”. Ông lý giải: “Nếu cụm địa phương đặt ra để cho học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì tốt nhất nên để các cháu thi như trước đây ngay tại trường phổ thông nơi các cháu học, còn ai muốn dự thi lấy kết quả ĐH thì dự thi tại cụm thi. Như thế đỡ rắc rối”. Với quan điểm “không cần thiết có cụm thi địa phương”, một số đại biểu cũng phân tích cho rằng cụm thi tại địa phương chưa chắc đã giảm tốn kém, khó khăn khi thí sinh ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa vẫn phải di chuyển đến khu vực trung tâm. Chưa kể lực lượng tổ chức kỳ thi cần huy động không phải là nhỏ.
Cũng liên quan tới việc tổ chức cụm thi, các đại biểu yêu cầu Bộ GD-ĐT phải làm rõ quyền lợi của “thí sinh dự thi tại cụm địa phương”. Trao đổi về việc này, ông Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ GD-ĐT không cấm thí sinh thi tại cụm thi địa phương được xét tuyển vào ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ công bố những trường ĐH-CĐ xét tuyển đối tượng thi tại cụm địa phương”.
Cách giải thích này của ông Luận vẫn chưa rõ nên cuối buổi họp, có ý kiến vẫn hiểu sai quy định này. Ông Luận giải thích thêm: “Thí sinh dự thi tại cụm địa phương được quyền xét tuyển vào các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng, không được phép dự tuyển vào các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia”. Mặc dù vậy, một số đại biểu vẫn bày tỏ thái độ chưa thỏa mãn, vì cho rằng việc “cắt quyền lợi sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh ĐH-CĐ” không phải giải pháp để “hỗ trợ thí sinh vùng khó khăn”.
Chưa rõ các trường tuyển sinh thế nào...
Ông Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng có rất nhiều băn khoăn của cử tri về kỳ thi quốc gia cần được giải đáp cụ thể, như với việc đổi mới thi, cấu trúc các khối thi làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ sẽ như thế nào? Thí sinh đã phải trải qua kỳ thi quốc gia nhưng vẫn phải lệ thuộc vào phương án tuyển sinh của từng trường ĐH-CĐ, trong khi hiện nay chưa rõ phương án của các trường như thế nào. Ông Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cũng yêu cầu được làm rõ băn khoăn: với kỳ thi quốc gia thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển tất cả các trường ĐH-CĐ trên cả nước, như vậy số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển sẽ đội lên rất nhiều, nhiều thí sinh đăng ký nhưng không nhập học (thí sinh ảo), cần có giải pháp gì để giải quyết vần đề này?
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, ông Phạm Vũ Luận khẳng định: “Cơ bản các khối thi vẫn giữ ổn định như các năm trước”.
Ông Luận giải thích thêm: “Với quy định giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ, các trường có thể có các khối thi bổ sung, bên cạnh các khối thi truyền thống. Trước kia có bốn khối thi nhưng bây giờ có tới mười mấy khối thi. Kết cấu khối thi sẽ có sự ổn định (với các khối truyền thống) và có sự phát triển. Về lâu dài Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường đổi mới chương trình đào tạo, căn cứ vào đó các trường có thể sẽ tiếp tục có những đổi mới yêu cầu đối với tuyển sinh đầu vào”. đọc thêm: digital marketing
Tuy nhiên ông Luận cũng cho biết: “Khi xây dựng phương án tổ chức kỳ thi quốc gia cho năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng nghe ngóng và thấy cơ bản các trường giữ ổn định khối thi như các năm trước. Có thể có các trường, các ngành đào tạo sẽ tổ chức kiểm tra bổ sung theo cách thức nào đó, bên cạnh việc xét kết quả thi theo tổ hợp tương ứng với khối thi trước đây, việc này các trường sẽ có thông báo cụ thể sau”.
Về giải pháp giảm “thí sinh ảo”, ông Luận cho rằng Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng phần mềm tuyển sinh chung cho toàn quốc, theo đó dữ liệu sẽ công bố công khai để các trường căn cứ, xây dựng phương án tuyển sinh. Nhưng ông Luận cũng chia sẻ “còn có nhiều vấn đề cụ thể sẽ phải tiếp tục bàn bạc, tiếp thu ý kiến để có giải pháp tốt nhất, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học”.
GS Đào Trọng Thi: Khó đảm bảo công bằng
Nếu chỉ vì muốn tạo điều kiện cho thí sinh vùng sâu, vùng xa không có nhu cầu dự tuyển ĐH-CĐ như bộ trưởng nói thì tại sao không để thí sinh thi tại địa phương, bỏ luôn cụm thi do các sở
GD-ĐT chủ trì tổ chức? Còn một việc nữa, nếu để tồn tại hai loại cụm thi, kết quả thi giữa hai loại cụm sẽ chênh lệch do cách coi thi, chấm thi khác nhau, Bộ GD-ĐT cần phải tính toán kỹ những vấn đề sẽ xảy ra. Ví như những thí sinh ở cụm thi ĐH bị kiểm soát chặt có điểm thấp hơn trung bình thì có được xét tốt nghiệp để công bằng với thí sinh ở cụm địa phương không?
Bên cạnh đó, với những trường được phép tuyển sinh cả thí sinh ở cụm ĐH và cụm địa phương, cần có quy định thế nào để có được sự công bằng với hai đối tượng? Nếu không đảm bảo công bằng thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng thí sinh kéo nhau về cụm địa phương thi hết, đây là những vấn đề Bộ GD-ĐT phải lường trước.
Video được xem nhiều:
Khoá học tiếng anh cơ bản
Theo báo Tuổi Trẻ, http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140924/roi-mu-cum-thi/649654.html