Không bị động, chủ quan trong Kỳ thi THPT quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này khi nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chiều 9/3. Báo cáo với Thủ tướng những công việc đã tiến hành nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nêu lên một số điểm mới. Cụ thể năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, TP) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuuyển đại học, cao đẳng; 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi đều theo quy tình giống nhau.

Kết quả thi 4 môn tối thiểu đồng thời được sử dụng để xét tuyển vào các ngành phù hợp của các trường đại học, cao đẳng. Thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tựchọn để có thêm cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng … Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở…

Quy chế tuyển sinh là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh

Cũng báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, tinh thần của quy chế thi, quy chế tuyển sinh là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, ngành Giáo dục nhận khó khăn về phần mình. Việc xét tuyển đại học, cao đẳng tôn trọng quyền được đi học, quyền được tuyển sinh của các cháu học sinh cũng như quyền tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Cũng tại cuộc họp chiều 9/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Trung ương, địa phương, các trường đại học, cao đẳng mà lớn nhất là chi phí của từng gia đình học sinh cũng như toàn xã hội.

Bộ GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp với các địa phương để tiến hành rà soát để việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh (38 cụm) cũng như các cụm thi tại từng tỉnh (60 cụm tại 60 tỉnh, thành phố) sao cho phù hợp, tạo thuận lợi, giảm tối đa rủi ro trong quá trình đi thi của học sinh và gia đình; khẩn trương thông tin về cơ cấu đề thi, đưa mẫu đề để các trường, học sinh có thời gian chuẩn bị.

Quy định rõ về việc cử cán bộ, giáo viên về trông thi, chấm thi tại cụm thi liên tỉnh, có cơ chế giám sát chéo; điều chỉnh quy định về việc nộp phiếu báo điểm thi để xét tuyển đại học, cao đẳng bằng cả bản giấy lẫn qua mạng để tránh việc thí sinh đổ về các TP lớn nộp phiểu báo điểm trong các đợt tuyển sinh. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản,tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội.

Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực để làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì chúng ta cũng không được bỏ sót. Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các  trường đại học, cao đẳng trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương làm đề án tuyên truyền nội dung cho nhân dân và toàn xã hội hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyên truyền giải thích cụ thể cho các em học sinh và gia đình hiểu rõ, cặn kẽ những điểm mới, tránh tình trạng không hiểu, không biết mình phải làm gì theo quy chế thì, tuyển sinh mới.

Thủ tướng cũng lưu ý, quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất. Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội.

Đến nay đã có 125 trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh. Việc thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường đại học, cao đẳng giúp các em có nhiều cơ hội hơn, và chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Các phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật công bố công khai trên mạng.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam, tin gốc: http://www.giaoducvietnam.vn/giao-duc-24h/khong-bi-dong-chu-quan-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-post156241.gd

Video đang được xem nhiều: Học tiếng anh Online:

Chương trình tiếng anh cho người mất căn bản