Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2015:  Cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi

Ảnh minh họa

Sau khi tham khảo ý kiến, dư luận xã hội, Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định giữ thang điểm 10 truyền thống nhằm tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.

Nên cân nhắc chọn môn thi phù hợp

Trước đây, 6 môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục Đào tạo công bố vào cuối tháng 3 nên các trường phải tích cực ôn tập trong thời gian dài và sau thi tốt nghiệp một tháng, các em lại gấp rút bước vào kỳ thi đại học với áp lực rất lớn.

Năm nay, học sinh được chủ động ôn tập từ sớm, vấn đề còn lại là chọn các môn thi để giảm áp lực đối với kì thi 2 trong 1. Định hướng chọn môn thi, thầy Nguyễn Quốc Hùng giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết, đa số em chọn môn xét tốt nghiệp cũng theo khối thi đại học. Những môn lựa chọn thi tốt nghiệp là hình thức phân hóa tốt để vào đại học.

Năm nay, cuối tháng 5 là thời điểm các trường THPT kết thúc nhưng đến tháng 7 học sinh mới dự thi nên thời gian ôn tập rộng rãi hơn.

Đáng chú ý, trong kỳ thi năm nay, thí sinh tham dự thi THPT quốc gia sẽ đăng ký thi theo cụm. Cụm thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ có thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụm thi này do trường ĐH chủ trì. Cụm thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT nơi học lớp 12, thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD-ĐT quy định.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh phải cân nhắc giữa việc thi để tốt nghiệp THPT hay thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có sự định hướng đúng đắn về ngành nghề mà mình mong muốn lựa chọn. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT lưu ý: “Ngoài việc nắm vững kiến thức, điều quan trọng nhất đối với các em học sinh bây giờ là cần phải theo dõi các trường ĐH-CĐ xét tuyển các tổ hợp môn thi như thế nào, cụ thể những môn nào để khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, ngoài 4 môn bắt buộc, các em chọn môn tự chọn làm sao cho phù hợp với phương thức xét tuyển của trường đó dựa vào kết quả kỳ thi THPT.

Lưu ý khi nộp hồ sơ nguyện vọng 2, 3

Khác với những năm trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, thi sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường ĐH-CĐ. Như vậy, nếu không trúng tuyển trong đợt 1 thì việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống với các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm ngoái, thế nhưng năm nay thí sinh sẽ có tối đa 12 nguyện vọng bổ sung, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.

Để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý, các thí sinh sau khi trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. 3 giấy chứng nhận còn lại, các em được sử dụng để đăng ký xét tuyển bổ sung sau này. Với mỗi 1 giấy chứng nhận được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng. Nó có điểm khác so với đợt 1 là điểm xét tuyển của đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước đó. Chỉ có đợt 1, các em sử dụng một giấy cho đợt 1. Còn 3 giấy chứng nhận còn lại, các đợt xét tuyển tiếp theo các em được sử dụng tối cả 3 giấy chứng nhận đó.

Với cách tiếp cận mới, kỳ thi quốc gia chung được kì vọng sẽ tác động tích cực đổi mới dạy học ở các trường phổ thông đồng thời giúp các trường ĐH-CĐ tuyển được thí sinh phù hợp ngành nghề đào tạo.

Theo Đài tiếng nói TP.HCM, tin gốc: http://www.voh.com.vn/khoa-hoc-va-giao-duc/can-luu-y-de-dam-bao-quyen-loi-175451.html

Tuyển sinh 2015, thông tin tuyển sinh, quy chế tuyển sinh