Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

"Ở VN người ta coi công việc thẩm định luận văn để phong hàm vị chỉ coi như công việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập chứ chưa thực thụ coi đây là một trách nhiệm, hoặc làm với tư cách người có tâm huyết với nghề…"

Khác nhau giữa chuẩn phong hàm GS, PGS Việt Nam và phương Tây

Trao đổi với PV Infonet, GS Trần Ngọc Vương – Giảng viên khoa Văn học – Trường Đại học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Ở phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ… người ta còn xét luận văn để phong tặng hàm vị giáo sư, phó giáo sư đến cả ý tưởng. Trong luận văn nếu vị nào có 3 ý tưởng mà trong đó có 2 ý tưởng hay là người ta chú ý rồi…

Nếu anh lấy ý tưởng của người kia rồi tự xây dựng, thêm khung xương đắp thêm da thịt trong luận văn để thành ý tưởng của anh nhưng thực ra là ý tưởng của người khác, người ta vẫn coi anh đi “đạo” ý tưởng, luận văn sẽ không được xem xét đến...”

Theo GS Vương, ở VN coi công việc thẩm định luận văn tiến sỹ như công việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập hoặc những người có tâm huyết thì làm, thì chấm luận văn, chứ chưa thực sự coi đây là một trách nhiệm…

Thế nên nhiều người chỉ đọc, thẩm định lướt qua, thậm chí không đọc. Vì vậy, có những công trình, những ý tưởng trong luận văn luẩn khuất đâu đây mà bị “đạo” vào luận văn khiến người chấm hoặc Hội đồng thẩm định không thể biết được, nên vẫn có vị lọt qua và được phong GS.PGS.

***Làm thế nào để có giáo sư trẻ hơn?

Còn Hội đồng thẩm định GS, PGS ở các nước phương tây, GS Vương cho biết, họ chỉ có vài người. Người ta cũng không dùng lá phiếu số đông áp đảo thiểu số. Nhưng việc phong GS có chuẩn cứng và chuẩn mềm. Chuẩn cứng là chuyên môn của anh. Chuẩn mềm là uy tín nghề nghiệp, là tầm ảnh hưởng của anh đối với cộng đồng, cơ sở đào tạo.

Khi được phong GS, người ta có một tài khoản riêng, có trợ giảng và một PGS kèm theo, việc quan hệ giữa 3 người rất bình đẳng. Việc xét phong hàm GS ở các nước phương Tây chỉ là một nhóm người, thậm chí cả người có hàm Tiến sỹ cũng tham gia việc xét phong hàm vị.

Khác nhau chuẩn GS, PGS việt Nam và phương Tây

Khác nhau chuẩn GS, PGS việt Nam và phương Tây

Bày tỏ quan điểm về việc phong chức danh PGS, GS tại Việt Nam, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng còn có nhiều điều phải xem xét lại để phù hợp với chuẩn mực quốc tế: "Ở hầu hết các đại học phương Tây và một số nước châu Á, GS là một chức danh được bổ nhiệm và có thời hạn nhất định, thông thường 3-5 năm. Sau thời hạn đó, ứng viên phải làm thủ tục được bổ nhiệm lại.

Và khi người ta không đạt được chức danh PGS, GS, khi thẩm định lại nhiều người không có quyền dùng danh xưng PGS, GS trước tên mình. Nhưng ở Việt Nam, chức danh PGS, GS được xem như một phẩm hàm và phẩm hàm đó khi được phong một lần có quyền sử dụng danh xưng này suốt đời".

Trên thế giới và cả ở nước ta, chức danh giáo sư đã trải qua nhiều thay đổi. Hiện nay, ở Việt Nam đã có thay đổi về tiêu chuẩn và quy trình phong hàm vị, có cải tiến theo chiều hướng tốt hơn nhưng theo GS Sính, cần phải thay đổi nữa.

“Như việc tính điểm một cách máy móc để làm chuẩn cho việc phong PGS, GS theo tôi chưa thực sự hợp lý và hàm chứa nhiều cơ hội cho tiêu cực. Bên cạnh đó, chúng ta chưa phân biệt được PGS, GS; chức danh PGS, GS của các trường đại học và PGS, GS kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng chỉ khoảng 1/4 PGS, GS thật sự giảng dạy và nghiên cứu khoa học”. – GS Sính chia sẻ.

Theo GS Sính, chúng ta cần có sự tách riêng những chức danh PGS, GS mới kiêm nhiệm và những PGS, GS thực thụ, lâu năm thỉnh giảng tại các trường đại học.

Theo Hiếu Nguyễn, Infornet