'Trong các giờ luyện đọc, giáo viên cần chú ý đến việc luyện phát âm cho học sinh bằng cách nhấn giọng, kết hợp với khẩu hình miệng để giúp các em phân biệt giữa cách phát âm các âm, vần, dấu thanh... dễ nhầm lẫn'.
Đó là một trong những phương pháp mà cô Đoàn Thị Ánh Nhu, giáo viên dạy lớp 3 Trường tiểu học Đặng Thùy Trâm, Q.7 (TP.HCM) giúp học sinh viết đúng chính tả. Cô Đoàn Thị Ánh Nhu là gương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2020” do Thành đoàn TP.HCM trao tặng nhận dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Theo cô Nhu, với học sinh ở bậc tiểu học, chính tả có vai trò quan trọng. Bởi chỉ có trong nhà trường tiểu học chính tả mới được dạy và học với tư cách là một môn học, vì từ cấp 2 trở đi không còn phân môn chính tả nữa. Vì vậy, chính tả có một vị trí đặc biệt, giúp hình thành năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ cho học sinh.
“Ngoài ra, chính tả còn rèn luyện cho học sinh các phẩm chất như: cẩn thận, tính thẩm mỹ, tình yêu đối với tiếng Việt, ý thức giữ gìn phát triển sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng mẹ đẻ”, cô Nhu cho biết.
Cô Đoàn Thị Ánh Nhu trong một tiết dạy.
Phát âm không đúng sẽ dẫn đến viết sai
Nhưng cô Nhu cũng nhìn nhận: “Trong thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy có một số học sinh viết chậm, viết sai nhiều lỗi, chưa nắm vững các luật chính tả. Nhiều học sinh nhàm chán, không có hứng thú với phân môn chính tả. Việc học chưa tốt ở phân môn chính tả gây ảnh hưởng đến các môn học khác của môn tiếng Việt như: Tập đọc (học sinh viết sai nhiều lỗi chính tả thường có kỹ năng đọc hạn chế: đọc chậm, đọc sai,...), phân môn tập làm văn, luyện từ và câu (các lỗi chính tả khiến cho câu, từ không rõ nghĩa, lủng củng,..). Còn với môn toán thì chính tả có tầm quan trọng trong việc viết lời giải trong các bài giải toán có lời văn...”.
Vậy làm thế nào để các em viết đúng chính tả? Cô Nhu chia sẻ: “Từ những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình giảng dạy, mình đã chủ động tìm hiểu một số biện pháp rèn kỹ năng viết chính tả cho học sinh lớp 3. Sáng kiến được áp dụng từ năm học 2019 - 2020 và được UBND Q.7 công nhận, không chỉ được áp dụng cho học sinh ở khối lớp 3 mà áp dụng cho học sinh của các khối lớp ở bậc tiểu học".
Theo cô Nhu, muốn học sinh viết đúng chính tả thì cần phải tìm ra các nguyên nhân dẫn đến việc học sinh viết sai lỗi chính tả. “Qua quá trình quan sát, giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh viết sai lỗi chính tả nhiều là do những nguyên nhân chính sau đây: Phát âm sai (do đọc còn yếu hoặc do phương ngữ); không nắm vững quy tắc chính tả, quy tắc viết hoa; không nắm được nghĩa của từ…”, cô Nhu nói.
Luyện phát âm cho học sinh cũng rất quan trọng. Cô nhu, cho biết: “Cách phát âm địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến việc viết chính tả của học sinh. Chính vì vậy, giáo viên cần phát hiện ra lỗi sai của các em, không chỉ riêng trong giờ chính tả mà các giờ học khác và giúp cho các em nhận ra lỗi sai của mình. Từ đó, giáo viên tập trung vào lỗi phát âm sai của học sinh để chỉnh sửa, nhắc nhở các em lưu ý đọc cho đúng. Để việc rèn phát âm có hiệu quả, giáo viên cho học sinh luyện đọc theo nhóm, để các em đọc, phát hiện lỗi sai của bạn. Qua việc phát hiện và tự phát hiện lỗi sai giúp cho các em nhận biết nhanh chóng những lỗi mà mình hay mắc, lưu ý và khắc phục những lỗi sai đó”.
Với những trường hợp học sinh phát âm sai là do ảnh hưởng của phát âm địa phương thì cô Nhu khuyên: “Giáo viên nên tổ chức nhiều hình thức rèn luyện để tránh gây áp lực, nặng nề khiến các em chán nản, mệt mỏi. Với những lỗi phát âm mà đa số học sinh mắc phải, giáo viên tổ chức cho học sinh luyện phát âm kết hợp với tìm hiểu nghĩa của từ bằng cách tra từ điển tiếng Việt. Việc gắn phát âm với ghi nhớ nghĩa của từ giúp các em khắc sâu trí nhớ và được tiến hành từ dễ đến khó, bằng nhiều hình thức khác nhau. Giáo viên chọn những tiếng, từ phù hợp với mục tiêu cần rèn, cho học sinh đọc kết hợp với giải nghĩa, so sánh nghĩa của từ thông qua việc tra từ điển”.
Cũng theo cô Nhu, việc rèn sửa lỗi phát âm đòi hỏi một quá trình, nên khi giáo viên đọc, học sinh sẽ ghi các từ có sự so sánh này vào một quyển vở để luyện đọc, xem lại, ghi nhớ những lỗi mà các em thường mắc. Giáo viên tổ chức cho học sinh đọc theo hình thức nhóm để các em luyện đọc, kiểm tra lỗi phát âm cho nhau.
“Sau khi học sinh luyện phát âm đúng tiếng, từ, giáo viên cho học sinh luyện đọc các câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ có tiếng từ có âm vần đã sửa. Giáo viên chọn những đoạn văn, đoạn thơ gần gũi, vui vẻ, dí dỏm để thu hút học sinh. Giáo viên cũng cần tổ chức cho học sinh thi đua đọc, sửa phát âm, khuyến khích, tuyên dương những học sinh phát âm đúng, sửa lỗi cho những học sinh phát âm chưa đúng”, cô Nhu nói.
Ngoài ra, để phát huy tính tích cực cho học sinh, theo cô Nhu, giáo viên tích hợp rèn học sinh viết đúng chính tả qua các môn học khác. “Không những giúp cho học sinh viết đúng chính tả trong những giờ học chính tả, giáo viên còn giúp học sinh viết đúng chính tả trong các giờ học khác như: luyện từ và câu, đạo đức, tự nhiên và xã hội, toán… Đặc biệt, là môn tập làm văn để giúp học sinh dần có ý thức rèn kỹ năng viết đúng chính tả trong mọi tình huống”, cô Nhu khuyên.
Theo Báo Thanh niên