Hai tuần nay, chị Dương, 34 tuổi, phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9, ôn bài cùng con mỗi tối trước đợt kiểm tra cuối kỳ ngày 7/1/2021.

Đầu tuần trước, chị Dương được cô giáo phát nội dung kiểm tra với các yêu cầu cụ thể từng môn, đề nghị cha mẹ hợp tác, giúp con ôn tập. "Năm nay dùng sách mới, cách học khác nên kiểm tra cũng khác, bố mẹ phải học cùng con. Nhiều bài tập tôi không biết hướng dẫn con thế nào cho đúng phương pháp", chị nói.

Với tiếng Việt, học sinh phải đọc vần, từ và câu. Trong đó yêu cầu các em đọc được một đoạn văn hoặc thơ khoảng 50 tiếng và trả lời một số câu hỏi. Với Toán, các bé phải biết cộng trong phạm vi 10, ôn khối hình hộp chữ nhật, đếm hình.

Chị khá lo bởi yêu cầu đợt kiểm tra này cao hơn so với trình độ con mình. Về tiếng Việt, con chị có thể đọc rõ các âm (d, s, m...) hoặc các vần (ua, ôi, ia, ươi), các từ đơn giản hoặc các câu ngắn chừng 5-7 từ. Tuy nhiên, bé lại yếu trong khoản nghe rồi viết. Chẳng hạn với từ chứa âm "y", bé thường xuyên bị nhầm sang "i", mẹ rất vất vả giải thích nhưng con vẫn không hiểu.

Với Toán, con chị làm được các phép tính cộng, đếm số lượng hình nhưng lại bỡ ngỡ với các bài nhận diện hình rồi đếm. "Tôi thấy yêu cầu của học kỳ I như vậy là hơi quá sức. Với lớp 1, các bé chỉ cần đọc, thuộc mặt chữ đơn giản, biết làm các phép tính cộng và đếm là được", chị nói.

Với những yêu cầu tương tự từ nhà trường, chị Ngọc, 31 tuổi (phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận 12) cho con làm thêm các "đề thi thử" trên mạng. Người mẹ trẻ cũng lo lắng bởi cho rằng các yêu cầu về năng lực cần đạt được là quá sức với trẻ. Không chỉ đọc, đếm thông thường, các bài tập yêu cầu kỹ năng nhận diện, phân tích.

Một số bài tập Tiếng Việt bắt điền âm hoặc điền từ còn thiếu vào dấu ba chấm, học sinh lớp 2-3 có khi phải mất thời gian suy nghĩ mới làm được. Ví dụ các bài điền "c" hay "k", điền vần "anh" hay "inh"... Nhiều bài tập nối từ với các câu thành ngữ, tục ngữ nhiều từ Hán Việt mà trẻ chưa đủ trình độ để hiểu.

ôn thi lớp 1

Bài tập Toán lớp 1 được phụ huynh tìm trên mạng, cho con học bổ sung
Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Ở nhiều địa phương khác, phụ huynh cùng nỗi lo khi đợt kiểm tra học kỳ I sắp đến, sau khi kết thúc 16-17 tuần thực học.

Sau một tiếng "đánh vật" với cô con gái đang học lớp 1, chị Ngọc Linh, 36 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đứng dậy đi uống nước để giữ bình tĩnh, "đổi ca" với chồng. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 10 ngày nay ở gia đình chị, khi con gái đang học một trường công lập sắp kiểm tra đánh giá hết học kỳ I.

Vợ chồng chị rất lúng túng khi dạy con theo chương trình sách giáo khoa mới. Chẳng hạn, trong môn Toán, một bài tập yêu cầu bé xác định đâu là hình lập phương trong khi bé thường xuyên nhầm với hình hộp chữ nhật, hình vuông. Dù hướng dẫn nhiều lần, bé vẫn quên và không thể gọi tên hình. "Đến mình khi nói đến hình lập phương còn mất một lúc mới tưởng tượng được trong đầu, nói gì một đứa trẻ mới làm quen với các dạng hình", chị Linh thở dài.

Tuy nhiên, môn khiến vợ chồng chị đau đầu hơn cả là Tiếng Việt. Với bài tập ghép vần và chữ cái đầu để tạo thành từ có nghĩa, người mẹ lúng túng trong việc giải thích cho con. Do gia đình chị mới chuyển từ Bình Phước ra Hà Nội hồi đầu năm, khi con bắt đầu vào lớp 1, nên nhiều từ miền Bắc còn lạ lẫm với bé. Ví dụ, từ "quả na", trong miền Nam gọi là "mãng cầu", "quả roi" được gọi là "quả mận". Việc này khiến bé thường xuyên tìm thiếu từ hoặc mất điểm trong bài tập ghép từ.

Bên cạnh đó, cô giáo thường xuyên góp ý, nhờ gia đình hỗ trợ cải thiện việc bé nói quá nhỏ khi tập đọc. Gặng hỏi, bé chia sẻ rằng do giọng miền Nam nên không tự tin khi nói, sợ các bạn trêu. "Điều này khiến tôi phiền lòng, vừa thương con vừa chỉ biết động viên", chị nói.

Người mẹ đánh giá chương trình không phải quá nặng, nhưng nhiều cái mới trong nội dung kiểm tra, khiến cả phụ huynh và con phải cùng học. Điều này gây ra áp lực cho bố mẹ vì ngoài giải quyết công việc, mỗi tối phải ngồi cùng con thêm 1-2 tiếng. Bên cạnh đó, gần ngày kiểm tra, cô giáo cũng cho nhiều phiếu bài tập hơn khiến mỗi buổi học kéo dài thêm khoảng 30 phút.

Việc bận rộn và giải thích nhiều lần nhưng con chưa hiểu dễ khiến chị Linh nổi cáu. "Mong sắp tới bé sẽ quen với cách học và chương trình hơn để chúng tôi không còn phải đánh vật với con mỗi kỳ kiểm tra nữa", chị Linh bày tỏ.

Đang cùng đồng nghiệp trong khối soạn đề kiểm tra học kỳ I, cô Phạm Thu Hương (giáo viên trường tiểu học ở TP HCM) cho biết, chương trình và sách giáo khoa mới buộc cách làm đề phải mới. Thay vì hình thức đề đơn thuần như chương trình cũ, nhiều dạng bài tập sẽ "lạ" hơn nhưng yêu cầu chung không thay đổi nhiều. Môn Tiếng Việt vẫn yêu cầu khả năng nghe, đọc, viết của trẻ; môn Toán là cộng trừ trong phạm vi 10.

"Đề bài chủ yếu để các em hoàn thành mức thứ nhất của năng lực của môn học, tức là kỹ năng nhắc lại, mô phỏng được nội dung đã học, vận dụng trong một số tình huống quen thuộc. Phụ huynh đừng quá lo mà bắt trẻ học nhồi nhét", cô nói.

Ở nhiều trường tiểu học, lãnh đạo các trường cho hay đề kiểm tra học kỳ I nằm trong kế hoạch đánh giá định kỳ, bám sát theo Thông tư 27 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học.

Các bài kiểm tra nhằm đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn, xác định "mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập". Kết quả đợt kiểm tra là cơ sở để giáo viên có phương pháp rèn luyện, giáo dục học sinh theo trình độ, giúp các em hoàn thành tốt năm học với các năng lực cần có.

"Năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, không tránh khỏi áp lực với giáo viên và phụ huynh. Trường bán trú 100% nên các buổi học thứ hai trong ngày, giáo viên ôn tập, rèn luyện cho các em, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh", Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP HCM chia sẻ.

> Học sinh lớp 1 kiểm tra theo chương trình mới ra sao?

> Làm thế nào để dạy trẻ sự kiên trì?

Theo VnExpress