Việc áp dụng chương trình mới đã dẫn đến những thay đổi trong kiểm tra đánh giá học sinh lớp 1. Nhiều phụ huynh cho biết, nhìn đề cương ôn thi của con mà thấy rối mắt, gần như muốn "bỏ cuộc" vì quá nặng so với thực tế học lực của con.
Học sinh lớp 1 của một trường tiểu học ở TP.HCM ôn tập chuẩn bị kiểm tra học kỳ I
Đây là năm đầu tiên lớp 1 học theo chương trình mới, nên việc kiểm tra đánh giá cũng có thay đổi. Sự kết hợp giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh là rất cần thiết.
Phụ huynh choáng với đề cương ôn tập
Chị Nguyễn Hoàng Lan, có con học lớp 1 một trường tiểu học ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết tuần trước con có mang về nội dung ôn tập để ngày 31-12 kiểm tra học kỳ I. Nội dung ôn tập các môn chính gồm: môn toán yêu cầu con ôn các bảng cộng trong phạm vi 10; làm các bài tập dạng tính (tính nhẩm, tính ngang, thực hiện dãy tính có 3 số), điền số, điền dấu, nối, viết phép tính thích hợp; nhận dạng hình tròn, vuông, tam giác, đếm hình...; môn tiếng Việt thì ôn đọc nội dung các bài trong sách giáo khoa từ tuần 1 đến hết tuần 18, yêu cầu đánh vần, đọc trơn, phân tích chính xác âm, vần, tiếng, từ; ôn viết các chữ, vần, tiếng, câu theo kiểu chữ nhỏ...
"Tôi đọc xong đề cương thấy rối mắt, chóng mặt và oải. Chương trình lớp 1 năm nay biết là mới, nhưng đề cương quá nhiều, quá nặng so với thực tế học lực của các bé tuổi lớp 1. Con tôi đọc chưa thông, viết chưa thạo, chữ viết nguệch ngoạc, làm sao con có thể đảm bảo hết được những nội dung như thế" - chị Lan hoang mang nói.
Trong khi đó, chị H.T.Mai có con học Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.8 cho biết con đã được ôn tập ở lớp, đang ôn được hai đề theo dạng đề của trường. Chị chia sẻ: "Tôi cảm thấy hơi rối với nội dung ôn tập mang tích chất "thử thách", "gài", vì bình thường mình có thể hỗ trợ, nhưng khi kiểm tra nghiêm túc, các con sẽ sai".
Không những oải với những nội dung con sắp kiểm tra học kỳ, chị M.Khuê, có con học Trường tiểu học Bình Trị 1 (Q.Bình Tân), lo lắng, buồn bã, gần như muốn "bỏ cuộc" vì những nội dung con sắp kiểm tra so với thực tế con nắm bài. Chị kể con bắt đầu vào lớp 1 như một tờ giấy trắng, nên chị chỉ dạy con mặt chữ và con số.
"Sắp thi học kỳ mà con chưa thuộc bảng chữ cái, bé chỉ có thể chép theo mẫu nhưng đọc không được; làm toán thì cộng xuôi được chứ cộng ngược và phép trừ làm không được. Với nội dung ôn tập đưa ra quá nhiều, cô giáo còn thông báo nếu con không cố gắng sẽ ở lại lớp. Tôi nghe như sét đánh ngang tai, nhưng không muốn nhồi nhét con học nhiều quá. Tôi nghĩ tới phương án cho con học lại 1 năm" - chị Khuê chia sẻ.
Mỗi trường một kiểu
Giáo viên một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM cho biết từ tuần này toàn quận sẽ thi học kỳ I. Trường cô khối 1 có năm lớp, giáo viên mỗi lớp soạn một đề toán, tiếng Việt, chọn một đề cho thi hoặc ban giám hiệu tự soạn riêng theo khung giáo viên gửi lên, nhưng theo cô giáo cũng rất áp lực. Cô nói: "Giáo viên cho đề cương là ôn những bài đã học trong sách giáo khoa, nhưng khổ là khi thi thì đề là bài thơ ngoài sách giáo khoa. Chương trình cũ thì lấy nguyên bài ngay trong sách".
Trong khi đó, tại Trường tiểu học Lê Văn Việt, Q.9, cách ôn tập, kiểm tra học kỳ I giống những năm trước. Cô Phạm Ngọc Lan - hiệu trưởng - cho hay: "Chương trình mới nhưng cách làm gần như không thay đổi nhiều. Dạy đến đâu hướng dẫn ôn tập đến đó. Chủ trương của trường là không căng thẳng, tạo điều kiện cho các bé viết được, đánh vần được, đọc được. Kiểm tra theo hướng đánh giá học sinh phát triển năng lực và phẩm chất".
Nói về hình thức kiểm tra lớp 1, cô Lan cho biết đề cương có ma trận hướng dẫn, giáo viên được tự ra đề. Tổ trưởng chuyên môn chọn ngẫu nhiên ba đề gửi ban giám hiệu, sau đó ban giám hiệu chọn hai đề, một chính thức một dự bị. Ma trận đề giáo viên ra như thế nào cũng được, nhưng đúng yêu cầu của trường, của phòng giáo dục, của chương trình.
Để giảm căng thẳng cho học sinh và phụ huynh trong khi ôn tập, kiểm tra, cô Lan cho rằng học sinh học cả sáng lẫn chiều và cả giờ ôn tập thì không nên cho các em bài tập về nhà. "Vì là năm đầu tiên thực hiện chương trình lớp 1 mới nên nhà trường và bản thân các cô cũng mang áp lực, rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của phụ huynh" - cô Lan nhấn mạnh.
Đừng để kiểm tra là nỗi ám ảnh
Một chuyên gia giáo dục công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định mục tiêu của lớp 1 dù chương trình cũ hay mới đều là các con nhận diện con chữ, đọc thông, viết thạo; biết làm toán cộng trừ trong phạm vi của chương trình.
"Mỗi đứa trẻ có sự tiếp thu khác nhau, do vậy đề cương chỉ là cơ sở để phụ huynh hỗ trợ con củng cố kiến thức, chứ không phải để ép buộc con. Nếu các con tiếp thu được thì tốt, tiếp thu chậm cũng không sao, vì học tập là cả một quá trình. Đừng để những nội dung kiểm tra, những đề cương ôn tập là nỗi ám ảnh" - vị chuyên gia này nói.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông tư 27 hướng dẫn thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với học sinh lớp 1, chỉ đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện và giáo viên hướng dẫn ôn tập không gây căng thẳng cho học sinh, phụ huynh. Không phải năm nay chương trình lớp 1 mới thì mới thực hiện việc này, mà đã nói nhiều năm rồi. Nếu trường nào làm sai thì phụ huynh phản ảnh cho hiệu trưởng để hiệu trưởng có chấn chỉnh kịp thời. Phụ huynh nếu gặp vấn đề trong khi hỗ trợ con học tập thì nên trao đổi với giáo viên, nhà trường, sự phối hợp giữa hai bên là hết sức cần thiết. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM |
> Những nội dung được điều chỉnh trong sách Tiếng Việt Cánh Diều
> 'Đỏ mắt' tìm giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học
Theo Tuổi Trẻ