Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường
Bà Nguyễn Thị Bình cho hay, mỗi khi nhắc tới giáo dục là nói tới việc đào tạo con người, nguồn nhân lực cho đất nước, nhưng những năm qua nhà nước và nhân dân đã nói rất nhiều về giáo dục và đào tạo, cả xã hội rất lo lắng, không yên tâm về giáo dục vì nền giáo dục của chúng ta đi quá chậm.
Không chủ động trong hội nhập
Có thể nói, trong ba bậc học là phổ thông, đại học và dạy nghề nói chung khâu nào cũng được xã hội đánh giá là bất cập, nhưng dạy nghề và đại học là hai khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục. Nói như bà Nguyễn Thị Bình thì cải cách thôi vẫn chưa đủ, đổi mới vẫn chưa đủ mà phải làm triệt để hơn.
“Chúng ta nói nhiều về đổi mới thường là chương trình, nội dung, phương pháp, tôi thấy giáo dục phổ thông chưa phải tốt, nhưng bên cạnh đó thì cải cách đại học, cao đẳng như thế nào? Tôi nghĩ cũng phải có một chương trình đổi mới cho rõ hơn.
Ta nói nhiều về vấn đề đổi mới quản lí, đúng là vấn đề đó yếu. Chương trình không phải không có vấn đề, phương pháp không phải không có vấn đề, tôi nghĩ rằng ai phụ trách những khu vực này cần phải xem lại chúng ta đã làm được gì?” nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, xã hội luôn lo lắng cho nền giáo dục
Nhắc lại câu chuyện đầu tháng 9 vừa qua khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới có xếp hạng và đánh giá tiêu chí giáo dục của Việt Nam ở mức rất thấp, bà Nguyễn Thị Bình thẳng thắn suy nghĩ, so với các nước xung quanh nói chúng ta tiến chậm hơn các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam trong thời kì chiến tranh như một tấm gương giáo dục. Bây giờ họ xếp Việt Nam lại ở cuối chóp, thậm chí có tổ chức đánh giá chúng ta còn kém hơn Lào và Campuchia, đó là một điều hổ thẹn.
Nguyên nhân được nhìn nhận từ nhiều phía, có quan điểm cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, trách nhiệm đó là chính sách chưa tốt nên giáo dục đại học nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng nhận định, ngoài các yếu tố khách quan thì cũng cần phải nói thêm về trách nhiệm của từng trường đại học. Đặc biệt là các trường sư phạm trong vấn đề cải cách sư phạm hiện nay cần được làm tốt hơn, đó mới có thể phục vụ cho phổ thông và ngay cả cho đại học,cao đẳng.
Bà Nguyễn Thị Bình thông tin, vừa qua khi bà tham dự mội Hội thảo về hội nhập kinh tế, cuối Hội thảo có đưa ra đánh giá nhận xét rằng những năm qua chúng ta càng hội nhập thì càng bị lệ thuộc, điều đó cũng có những nguyên nhân chủ quan của chúng ta. Bà Bình cho biết, chúng ta nói xuất khẩu tăng lên nhưng thực tế chủ yếu là những doanh nghiệp FDI của nước ngoài, còn phần của chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ.
“Lệ thuộc tức là thấp kém. Chúng ta không thể nói do khách quan là khủng hoảng kinh tế thế giới, tại sao Lào hay Campuchia ít khó khăn hơn Việt Nam, do vậy ta phải suy nghĩ. Trong khi đó xu thế chúng ta phải hội nhập, không thể tránh né được, nhưng vấn đề phải chuẩn bị phần chủ quan chúng ta tốt để hạn chế yếu kém” bà Bình nêu quan điểm.
Liên quan tới vấn đề hội nhập quốc tế về giáo dục những năm gần đây như việc chúng ta vào WTO, tham gia các tổ chức quốc tế tại châu Á và Asean, đó là những thị trường liên quan trực tiếp tới giáo dục và đào tạo. Bà Bình nói rằng, tầm quan trọng là thế nhưng phía Bộ GD&ĐT cũng không nghiên cứu kĩ lưỡng và ngay ở các trường cũng vậy, điều chuẩn bị này đáng lẽ phải chủ động làm từ nhiều năm trước khi hội nhập.
“Tôi đề nghị trong tổng kết sắp tới không những tổng kết mục tiêu mà phải đặt trong bối cảnh chúng ta sẽ đi tới đâu, mục tiêu như thế nào và bối cảnh đó trước mắt là Asean. Đề nghị Bộ GD&ĐT phải có tổng kết đối với các trường đại học, cao đẳng NCL, phải hành động ngay, phải đặt vấn đề chung và vấn đề cho từng trường, cho từng sinh viên. Phải đặt mục tiêu trong bối cảnh mới như thế nào để phấn đấu” nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục cần làm ngay.
“Tăng học phí các trường công lập”
Đó là quan điểm của ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương. Ông Hoàng cho biết, hoàn toàn nhất trí đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới tư duy và muốn vậy phải đặt trường NCL và trường công ngang hàng nhau. “Cũng giống như hai cánh của con chim, muốn vươn cao, bay xa được thì hai cánh phải bằng nhau, mạnh như nhau”, ông Hoàng ví von.
Quan điểm của ông Vũ Ngọc Hoàng co rằng, nhà nước nên quan tâm và đầu tư cho khu vực phổ thông và chủ yếu là trường công, nhưng không phải tất cả, từ lớp 1 đến lớp 9 chủ yếu nhà nước lo. Còn khu vực giáo dục NCL nên tập trung cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, xu thế vai trò của trường NCL sẽ tiến đến lớn hơn vai trò của trường công.
Tôi vẫn nghĩ sau này khu vực trường NCL phải giải quyết được 70-80% tỉ lệ sinh viên chứ không như hiện nay là hơn 10%. Như vậy giáo dục nghề nghiệp và đại học khu vực NCL sẽ đóng vai trò chính, quan trọng hơn công lập. Để tính chung nền giáo dục cả phổ thông và đại học là 50-50, như vậy cánh chim mới cân đối, mới bay cao bay xa được” ông Vũ Ngọc Hoàng khẳng định.
Khẳng định lại sứ mệnh của các trường đại học, cao đẳng NCL, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng các trường NCL chẳng những giải quyết đại trà mà còn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết chất lượng cao. Khi giáo dục NCL giải quyết được chất lượng cao và nền giáo dục nước nhà giải quyết được chất lượng cao thì sẽ có nhiều học sinh nước ngoài tới Việt Nam du học.
Lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương cho biết, giáo dục cần có đột phá để phát triển khu vực NCL, muốn vậy phải có bình đẳng, bỏ cơ chế xin cho, bỏ quản lí đầu ra. Liên quan tới cơ chế bình đẳng giữa trường công và tư, hiện nay chưa có bình đẳng thực sự. ==>Đại học ngoài công lập đòi công bằng
Cần bình đẳng giữa trường đại học công lập và ngoài công lập
Vậy phải làm như thế nào để được bình đẳng, ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết cả hai loại hình công và tư phải miễn tiền thuê đất, không thay đổi quy hoạch, còn lại cho thuê mặt bằng, điều này áp dụng cả với trường công.
Hiện nay trường công đang được nhà nước bao cấp ngân sách thường xuyên hàng năm, trong khi đó cũng là trường đào tạo nguồn nhân lực thì hệ thống các trường đại học, cao đẳng NCL không được quyền lợi này. Điều đó làm mất bình đẳng giữa loại hình trường, cùng là một “đứa con” nhưng một bên trọng và một bên khinh.
Ông Vũ Ngọc Hoàng bày tỏ quan điểm, tiền ngân sách bỏ ra mua sắm tài sản cố định đối với trường công cần phải tính khấu hao để trả lại quỹ phát triển giáo dục. Ngay khoản nguồn vốn ODA của nhà nước đứng vay cũng cần không phân biệt giữa trường công hay NCL.
“Hiện nay tôi thấy trường công nhiều quá, trường công nên ít lại, trường công có thể hướng tới theo loại hình bán công và đi theo hướng NCL. Bên cạnh đó cơ chế để cho các trường NCL tự do, tự chủ, bỏ cơ chế xin cho, các trường được quyết định mọi vấn đề và chịu trách nhiệm trước xã hội, nhà nước chỉ lo phần kiểm định, kể cả tổ chức kiểm định độc lập” ông Hoàng bày tỏ quan điểm.
Phó ban Tuyên giáo Trung ương cũng kiến nghị, sắp tới có thể sẽ không cấp ngân sách thường xuyên cho trường công nữa. Phần tiền ngân sách chi tiêu thường xuyên đối với các trường công lập chỉ cấp cho đối tượng là sinh viên nghèo, con thương binh, liệt sĩ...
Lúc này sẽ có cơ chế trường công cũng như trường tư được thu học phí theo thỏa thuận giữa trường và người học, nếu có quan điểm trường giá rẻ mà chất lượng cao, đó là quan điểm ngược đời. Như vậy mức học phí có thể cao hơn, bên cạnh đó ngân sách hỗ trợ sinh viên nghèo cũng cao lên.
Ông Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông cũng bày tỏ quan điểm, việc các trường đại học, cao đẳng NCL đề nghị Đảng và Nhà nước, với Bộ phải phát triển giáo dục NCL, đó không phải vì các trường NCL khó khăn, mà đó là con đường phát triển giáo dục, xét cho cùng là phát triển đất nước.
“Không thể dùng ngân sách của đất nước như hiện nay mà phát triển tiếp, cần có giáo dục đại học NCL, điều đó còn ảnh hưởng lâu dài tới an ninh, tới độc lập, chủ quyền đất nước” ông Dụ khẳng định.
Theo Xuân Trung, Báo Giáo dục