Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường
Một mình ngành GD-ĐT không thể thực hiện được việc phân luồng học sinh sau THCS. Đó là khẳng định được đưa ra tại hội thảo phân luồng học sinh sau THCS và THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (20.12).
Ào ạt vào ĐH, lơ là các trường nghề
Phân luồng trong giáo dục đã được chỉ đạo tại Nghị quyết hội nghị T.Ư 2 khóa 8 (năm 1996) tuy nhiên sau 17 năm, công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mới đây nhất, Nghị quyết hội nghị T.Ư 8 nhắc lại vấn đề này và nêu rõ: Phân luồng sau THCS là việc buộc phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo và cân đối nguồn nhân lực.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc phân luồng hiện vẫn đang hết sức khó khăn. Hầu như học sinh (HS) tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tỷ lệ HS sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn rất thấp so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao. Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ; ngược lại, các trường trung cấp (TC) CN, trường nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn.
Thực trang công tác phân luồng học sinh sau THCS
Thực tế này không chỉ diễn ra ở thành thị, đồng bằng. Một số tỉnh vùng núi phía bắc cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cho hay năm học 2011 - 2012 chỉ 0,61% HS tốt nghiệp THCS đi học TCCN và TC nghề. Từ năm 2006 đến nay, công tác tuyển sinh TCCN hệ THCS giảm dần, kết quả tuyển sinh chỉ đạt từ 15 - 20%, một số ngành không có HS đăng ký theo học.
Thực trang công tác phân luồng học sinh sau THCS: Chểnh mảng trong hướng nghiệp
Ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chỉ ra rằng đa số HS, nhất là bậc THCS, đều “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng học tập hàn lâm sau này của HS bậc THPT.
Thực trạng là hiện nay có tới hơn 2/3 HS lớp 10 đăng ký học ban khoa học tự nhiên để thi khối A, trong khi rất nhiều HS có năng lực và sẽ có tương lai thực sự nếu lựa chọn các hướng khác. Ông Phương đề xuất phải tổ chức hướng nghiệp cho HS từ năm lớp 6 chứ không đợi đến lớp 9.
Chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận điều này khi nhận định công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu; quy mô, điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu cũng là nguyên nhân khiến công tác phân luồng HS sau THCS chưa đạt yêu cầu.
Cơ cấu hệ thống giáo dục bất hợp lý
Nhiều ý kiến cho rằng cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học hiện nay cũng ảnh hưởng đến phân luồng.
Sự mở rộng quá nhanh các trường THPT khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS hầu như đều chọn con đường học tiếp vào THPT. Thống kê của Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT cũng cho thấy chủ trương phân luồng sau THCS ngày càng ngược lại với mong muốn khi mà tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT ngày càng tăng. Cụ thể, năm học 2007 - 2008 có 77,7% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển tiếp lên lớp 10 thì đến năm 2010 - 2011 tỷ lệ này lên tới 84,1%.
Trong khi đó hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học như TCCN, TC nghề... chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập của HS tốt nghiệp THPT nên nhiều HS sau khi tốt nghiệp xong nếu không vào ĐH, CĐ thì cũng khó có nghề nghiệp ổn định. Bên cạnh đó, gần đây, việc nâng cấp nhiều trường TCCN thành CĐ (chỉ tuyển HS tốt nghiệp từ THPT) khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS mất cơ hội có nhiều trường TCCN để vào học.
***Đến năm 2020 phân luồng 30% học sinh học nghề sau THCS
Giải quyết khâu việc làm
Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đang xem xét quy định tỷ lệ phân luồng HS sau THCS là 70/30. Nghĩa là 70% HS tốt nghiệp THCS vào THPT, 30% còn lại vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, TCCN và học nghề. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, để làm được việc này, vấn đề tiên quyết là phải giải quyết được việc làm cho người học. Cũng theo khảo sát của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, có đến 85,4% ý kiến đồng ý với nhận xét thiếu việc làm là nguyên nhân ảnh hưởng đến phân luồng giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ví việc phân luồng HS vào học nghề hiện nay như “con đường nho nhỏ ngoằn ngoèo khó đi” nên không hề dễ dàng. Ông Luận khẳng định một mình ngành GD-ĐT không thể làm nổi. Phân luồng muốn làm được thì phải mở đúng tuyến và phải có hàng loạt những giải pháp hỗ trợ, từ việc tuyển sinh đầu vào đến việc sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp, chính sách ưu tiên về học phí so với ĐH, CĐ...
“Nếu chỗ tuyển dụng nào cũng đòi hỏi phải tốt nghiệp ĐH, có bằng thạc sĩ... thì dù có tuyên truyền, vận động và đổi mới hoạt động của các trường trung cấp cách mấy cũng không thu hút được HS vào học nghề và việc phân luồng vẫn không có lối thoát” - ông Luận nói.
2% HS tốt nghiệp THCS học nghề
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2010 - 2012, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; THCS tham gia bổ túc THPT trên 8%. Chỉ có 1,8 - 2% tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 1,3 - 1,4% HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN.
" Nếu chỗ tuyển dụng nào cũng đòi hỏi phải tốt nghiệp ĐH, có bằng thạc sĩ... thì dù có tuyên truyền, vận động và đổi mới hoạt động của các trường trung cấp cách mấy cũng không thu hút được HS vào học nghề và việc phân luồng vẫn không có lối thoát" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Ý kiến
Quy định thống nhất
“Cần có quy định trên toàn quốc là không yêu cầu tốt nghiệp THPT (mà chỉ tốt nghiệp THCS - PV) mới được vào TCCN chứ không phải tùy thuộc vào từng trường như hiện nay”. - Bùi Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường trung cấp Xây dựng số 4)
Không nên tăng mạng lưới trường THPT
“Không nên tăng mà giữ ổn định mạng lưới các trường THPT, chỉ điều chỉnh ở những nơi chưa hợp lý và có biến động cơ học về cơ cấu dân cư. Có như vậy mới có thể phân luồng được khoảng 30% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào giáo dục nghề nghiệp”.- Nguyễn Khánh Tuấn (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT.
Theo Tuệ Nguyễn, TNO