Việc cho trẻ em học Tiếng Anh từ sớm sẽ giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng một cách thông thạo. Để trẻ tự tin giao tiếp, phụ huynh nên xây dựng môi trường học tích cực tại nhà cho trẻ.
Hãy để trẻ biết việc mắc lỗi khi học và giao tiếp bằng ngoại ngữ là bình thường, xảy ra với bất kỳ ai. Nếu trẻ vẫn chưa sẵn sàng, phụ huynh không nên tạo áp lực, hay thể hiện ra sự chán nản, thất vọng. Bởi sự tự tin khi sử dụng ngoại ngữ cần xây dựng trong thời gian dài, không thể kỳ vọng các em thay đổi ngay lập tức. Điều quan trọng là làm trẻ cảm thấy an toàn khi giao tiếp và luyện tập lâu dài.
1. Tạo môi trường thích hợp
- Đừng áp lực trẻ phải đưa ra những câu trả lời dài, phức tạp. Hãy cố gắng giúp trẻ dần dần xây dựng những câu trả lời dài hơn.
- Thả lỏng, thư giãn khi giao tiếp, để trẻ cảm giác thấy thoải mái.
- Đừng ngắt lời khi trẻ đang nói. Việc dừng khi trẻ đang nói sẽ khiến các em khó giao tiếp mạch lạc và xây dựng câu hoàn chỉnh. Việc sửa lỗi có thể để sau khi trẻ đã nói xong.
- Tạo cơ hội để trẻ có thể sử dụng từ vựng, cách diễn đạt đã biết, qua đó giúp trẻ làm chủ các cách diễn đạt này.
- Yêu cầu trẻ giải thích lại các câu hỏi và hướng dẫn của bài.
- Làm cho hoạt động luyện tập ngoại ngữ trở nên vui vẻ và không quá dài.
Quan trọng hơn tất cả, hãy tôn trọng nếu trẻ im lặng. Phụ huynh không nên ép buộc trẻ phải nói mà cần dần giúp các em xây dựng sự tự tin trong giao tiếp.
Môi trường học năng động, sáng tạo sẽ giúp trẻ giao tiếp Tiếng Anh hiệu quả
2. Xây dựng những chủ đề giao tiếp tích cực
Hãy giao tiếp với trẻ về những chủ đề vui vẻ, đưa ra những câu trả lời bất ngờ. Việc đùa vui, làm mặt cười, ca hát, chơi trò chơi... sẽ khiến trẻ nhớ về việc sử dụng ngoại ngữ với những kỷ niệm vui, qua đó giúp các em thấy thoải mái hơn với ngoại ngữ.
Một số trẻ sẽ thấy thích học ngoại ngữ hơn nếu âm nhạc, phim ảnh, phim hoạt hình, hay sách truyện sử dụng ngoại ngữ đó. Con trẻ có thể có những món đồ chơi của những nhân vật từ tác phẩm này. Nếu trẻ hay trò chuyện với các món đồ chơi như người bạn, phụ huynh có thể nói với các em rằng món đồ chơi này chỉ hiểu tiếng Anh, qua đó kích thích trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều hơn.
Ngoài ra, một số trẻ thấy thích thú hơn với ngoại ngữ nếu được học cùng với các hoạt động sáng tạo, như ca hát, chơi trò chơi, đọc sách, hay diễn kịch. Hãy tìm hoạt động mà con trẻ thích nhất và lồng ghép ngoại ngữ vào đó.
3. Không nên sửa toàn bộ lỗi sai của trẻ
Trẻ nhỏ khi giao tiếp bằng ngoại ngữ sẽ mắc rất nhiều lỗi. Nếu muốn sửa lỗi, bạn không nên sửa tất cả. Việc này sẽ khiến các em bị choáng ngợp, khó theo dõi và khó sửa. Hãy dần dần sửa từng lỗi một, qua đó đảm bảo việc các em sẻ cải thiện tốt hơn về lâu dài.
Phụ huynh cũng cần đợi các em nói xong trước khi bắt đầu sửa lỗi, qua đó xây dựng sự tự tin khi giao tiếp, cũng như duy trì, phát triển sự mạch lạc trong tư duy giao tiếp.
XEM THÊM: Vì sao trẻ học Tiếng Anh mãi không tiến bộ?
Theo VnExpress