Những lưu ý ôn thi môn địa lýHọc sinh lớp 12 trong giờ học môn địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước, có những lưu ý thí sinh cần quan tâm khi ôn thi.

Chú ý các “giảm tải” mà bộ công bố

Việc dạy học địa lý ở các trường phổ thông hiện nay đồng thời thực hiện cả 2 chương trình cơ bản và nâng cao. Nội dung 2 chương trình có sự khác biệt ít nhiều. Một số nội dung giảm tải được thực hiện ở chương trình cơ bản mà không được thực hiện ở chương trình nâng cao. Nội dung ôn tập phục vụ cho kỳ thi THPT năm nay cũng phải là các vấn đề chung của 2 chương trình, vì vậy các học sinh học chương trình nâng cao cần chú ý đến nội dung chương trình cơ bản và các vấn đề được “giảm tải” mà Bộ GD-ĐT đã công bố.

Khai thác lợi thế Atlat

Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh được sử dụng Atlat, thi ĐH thì không được sử dụng. Với kỳ thi “2 trong 1” này, tất cả các thí sinh (TS) đều được sử dụng Atlat. Đây là một lợi thế rất lớn với các TS thi lấy kết quả xét tuyển ĐH. Vì vậy cần chú ý cách sử dụng Atlat địa lý như một công cụ hữu hiệu trong quá trình học - ôn tập - làm bài, giảm ghi nhớ máy móc. Các địa danh, cách thể hiện biểu đồ, số liệu... đều có thể bám theo Atlat. Điều quan trọng là biết phân tích số liệu để tìm ra kiến thức, lý giải vấn đề.

Phương pháp ôn tập

Mục đích của việc ôn tập là hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, giúp người học đạt kết quả cao trong thi cử. Kinh nghiệm ôn thi hiệu quả là trước hết, người học nên dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý. Sau đó thử trình bày, viết lại các vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được bao nhiêu phần, cái gì chưa nhớ. Đánh dấu lại phần chưa nhớ để một lần nữa khắc sâu kiến thức.
Trình bày các nội dung ôn tập dưới dạng bản đồ tư duy (mindmap) cô đọng nhưng chứa đựng đủ các kiến thức cốt lõi cần ôn tập. Dán bản đồ tư duy ở chỗ dễ quan sát nhất của góc học tập, mỗi lần nhìn nó là người học lại “chụp ảnh” và lưu nó trong trí nhớ của mình. Nên có sự trao đổi nhóm, hỏi - đáp lẫn nhau để kiểm tra độ nhớ và bổ sung cho nhau kiến thức cần thiết. Khi ôn tập, nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, không nên học theo kiểu nhảy cóc tùy tiện. Chú trọng ôn tập các dạng biểu đồ, vì bài tập vẽ biểu đồ chắc chắn có trong đề thi địa lý.

Phương pháp làm bài thi

Việc đọc kỹ đề thi, nhận dạng đề thi là kỹ năng quan trọng hàng đầu. Đề thi thường có từ 3 - 4 câu, trong đó phần lý thuyết thường chiếm 2/3 tổng số điểm. Cần nhận dạng được đề thi thuộc dạng nào? Trình bày hay chứng minh, giải thích, so sánh, bởi mỗi dạng câu hỏi có yêu cầu mức độ riêng; vẽ biểu đồ tròn hay vẽ biểu đồ miền, số liệu đã được xử lý hay số liệu thô? Điều đó sẽ giúp TS không bị lệch hướng trong quá trình làm bài.
TS nên dành ít phút phác thảo đề cương trả lời cho từng câu hỏi trong đề thi rồi sau đó sắp xếp ý viết bài cho mạch lạc nhằm tránh tình trạng thiếu ý trong quá trình làm bài, tránh được lỗi viết lặp lại, lan man, lạc đề, lại vừa có thể theo dõi được bài làm, kịp thời bổ sung ý cho bài viết... Bài viết nên có bố cục rõ ràng giúp giám khảo dễ chấm bài, TS dễ đạt điểm cao. Chú ý phân bố thời gian làm bài, nên làm câu dễ trước, câu khó sau, để tạo tâm lý thoải mái, hưng phấn làm bài nhưng cần phân bố thời gian phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, không thiên lệch câu nào.
TS cần bỏ tư tưởng rằng đã làm câu nào thì phải thật hoàn hảo câu đó. Với một câu hỏi TS trình bày khá tốt rồi, dù biết thiếu ý thì cũng mạnh dạn chuyển sang câu khác, cuối giờ đọc lại nếu nhớ được thì bổ sung.
Trình bày bài thi cũng là một khâu rất quan trọng vì giá trị của một bài thi không những thể hiện ở phần nội dung mà còn ở phương pháp trình bày. Những lợi thế về chữ viết, cách diễn đạt cũng luôn được giám khảo chú ý. Trong thực tế có rất nhiều bài thi trình bày đầy đủ nhưng kết quả không cao vì viết tắt quá nhiều, lỗi chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man.

Đừng đoán già, đoán non về đề thi

Năm nào cũng thế, cứ đến giai đoạn ôn thi "nước rút" là trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện nhiều dạng đề thi theo kiểu tiên đoán và ngoài nhà sách xuất hiện nhiều tài liệu ôn tập. Trong đó đáng chú ý nhất là môn văn, nhiều nhất là ở phần nghị luận xã hội. Năm nay cũng thế, nhiều đề thi tiên đoán đưa ra nhiều sự kiện "nóng" trong thời gian vừa qua và định hướng trước việc ra đề của Bộ. Nếu TS không tỉnh táo, thiếu chủ động trong việc ôn tập, dễ nghe theo, để rồi học ôn bị lệch thì hậu quả đáng tiếc là không tránh khỏi.
Với kinh nghiệm của những người gắn bó thi cử nhiều năm, chúng tôi khẳng định rằng những đề thi ấy chỉ có tính tham khảo. Bộ cũng đã tuyên bố không soạn sách, không giới hạn nội dung ôn tập. Vì thế, TS không nên xem đó là "chuẩn" để học tủ, để tự giới hạn kiến thức. Quan trọng ở đây không phải là đề thi ra đề tài gì, sự kiện gì trong xã hội, mà là ở kỹ năng, tư duy của người làm bài. Vì thế, dù đề thi bàn về vấn đề gì, sự kiện gì, thì người có kỹ năng làm bài tốt cũng sẽ giải quyết được tốt.
Để ôn tập đúng hướng và làm bài có kết quả, TS cần thấy rõ hai mức độ yêu cầu của đề: 60% hướng đến mục đích xét tốt nghiệp, 40% để phân loại. Cho nên TS vừa phải ôn sát với chương trình học vừa phải tự học, rèn kỹ năng nâng cao.
Trần Ngọc Tuấn


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-luu-y-on-thi-mon-dia-ly-688489.html


Xem thêm các thông tin tuyển sinh, tuyển sinh ĐH năm 2016 tại kenhtuyensinh.vn