Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Lớp chỉ có phụ nữ dân tộc
Đó là lớp học của hơn 150 học viên là phụ nữ đồng bào các dân tộc ít người tỉnh Cao Bằng. Những phụ nữ này hiện đã và đang học tập tại 21 lớp học tại ba huyện Bảo Lộc, Bảo Lâm và Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng).
Nhiều chị em phụ nữ dân tộc tối nào cũng chong đèn, địu con tới lớp, tối tối về lại rôm rả nói chuyện đi học với chồng, với con. Có chị học xong môn về bảo vệ nguồn nước, về nhà đã hì hục đan một cái mành tre đậy lên chiếc chum hứng nước mưa trước nhà...
Giờ đây đến lớp, được học chữ không chỉ là niềm vui của chị em nói riêng mà nó còn giúp tạo nên sự thay đổi trong cách sống, cách nghĩ của nhiều người dân bản địa nói chung. Tất cả đang mang tới một diện mạo mới cho mảnh đất cực Đông Bắc của Tổ quốc này.
Lớp học của thầy giáo mù
Hơn 20 năm sống trong bóng tối, anh Đặng Ngọc Duy (33 tuổi, ngụ số 67 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hiểu được sự thiệt thòi của người khiếm thị nhưng không vì thế mà anh đầu hàng trước số phận.
Người thầy giáo khiếm thị và những học sinh đặc biệt
Năm 1992, khi Trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật được thành lập tại Đà Nẵng, ba mẹ Duy lặn lội hơn 60 km, đưa con ra xin nhập học.
Tại đây, Duy được mở mang kiến thức, giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ viết chữ Braille dành riêng cho người khiếm thị. Từ chối lời mời dạy tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Duy trở về nhà, miệt mài học tập để ôn thi đại học. Cuối cùng ước mơ đó cũng đến với Duy.
Khi đang là sinh viên khoa ngữ văn Trường ĐH Quảng Nam, trong trái tim Duy đã có một ước mơ rất chân thành, ước mơ dành cho những trẻ em khuyết tật. Bởi hơn ai hết, chính anh đã trải nghiệm nỗi khát khao được học chữ, khát khao được hoà nhập cộng đồng và cả sự tủi thân bởi những khiếm khuyết hình thể của một người khuyết tật.
Năm 2008, tốt nghiệp ĐH, Duy ở nhà cặm cụi lập đề án xây dựng lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ.
Lớp học dạy hát xẩm
Trước sự mai một của nghệ thuật hát xẩm, các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức lớp dạy miễn phí loại hình nghệ thuật dân gian cho mọi người ngay tại Hà Nội.
Hoạt động được gần 5 năm và diễn ra ngay dưới mái đình Hào Nam, Đống Đa (Hà Nội), cho tới nay đã có hàng trăm bạn trẻ được truyền kiến thức và tình yêu nghệ thuật hát xẩm.
Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết nhiều em nhỏ và gia đình khi tới xem chúng tôi biểu diễn ở chợ Đồng Xuân, khu phố cổ nghe rồi mê lúc nào không hay. Sự nhiệt tình hưởng ứng của các em cho thấy người trẻ đâu có quay lưng với nghệ thuật truyền thống vốn vẫn được cho là nhàm chán như hát xẩm.
Lớp học chỉ có 2 học sinh
Bản Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu) có một lớp 2 chỉ có 2 em, lớp 3 và lớp 1 mỗi lớp có 6 em, lớp 4 có 9 em và lớp 5 đông nhất với sĩ số 22 do các em đã lớn, có thể từ các bản xa về trung tâm học.
Lớp 1 do thầy Đinh Hồng Lai phụ trách
Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có vẻn vẹn 4 bản gồm 2 bản người Cống, 2 bản người La Hủ, chia đều hai bên bờ sông Đà. Đường núi đi lại khó khăn nên ở bản nào cũng có điểm trường tiểu học. Ngày ngày các thầy cô Trường Tiểu học Nậm Khao lặn lội vượt sông mang chữ tới dạy các em.
Thầy Vinh, Hiệu phó Trường PTCS Nậm Khao, mới 27 tuổi, cho biết năm học 2011-2012 này, khối tiểu học của có 15 lớp thì 11 lớp là điểm bản. Cứ em nào đến tuổi đi học là thầy cô phải tới nhà vận động để các em được tới trường. Bản có bao nhiêu em thì dạy chừng đó nên ở đây, có những lớp học có số học sinh thuộc diện ít nhất nước.
Lớp học phân biệt giới tính
Lớp học chỉ toàn nam
Mấy năm gần đây, người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bàn tán xôn xao về một vị tiến sĩ tâm lý (nguyên là giảng viên Trường ĐH Vinh) sau khi về hưu đã về quê xây dựng trường học với những quy định rất lạ lùng… Lớp học phân biệt theo giới, mỗi tiết học kéo dài đến 90 phút, toàn trường có thể nghỉ học vào những ngày mùa.
Đặc biệt hơn nữa là ông đã dùng những con chó vốn nuôi trong nhà thay cho bảo vệ... Đó là Trường THPT Dân lập Nguyễn Khắc Viện tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh do thầy Nguyễn Lê Đắc, Tiến sỹ tâm lý (nguyên là giảng viên Trường ĐH Vinh) làm hiệu trưởng.
Lớp học dạy xấu hổ
Người Dao ở bản Đằng Long (xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, Hoà Bình) coi ông Triệu Văn Triển là kho tri thức của bản. Trước kia, ông Triễn làm thầy lang chuyên bốc thuốc chữa bệnh không lấy tiền nên được dân bản rất quý trọng.
Ông Triệu Văn Tiến, Trưởng bản Đằng Long, với lớp học dạy... xấu hổ
Ông Triệu Văn Tiến, Trưởng bản Đằng Long, hồ hởi khẳng định với chúng tôi: “Hơn 10 năm nay, từ khi lớp học dạy dân bản biết cách xấu hổ, xấu hổ khi không biết cội nguồn, xấu hổ khi vi phạm đạo đức, làm điều xấu... thì cũng ngần ấy thời gian bản Đằng Long sống với nhau rất chan hoà, chưa xảy ra hiện tượng dân bản cãi vã, đánh nhau hay mất trộm cắp trong bản.