Tin liên quan

 

>> Khai giảng năm học mới

>> Lễ khai giảng hoành tráng cùng nữ sinh hà nội

>> Phó thủ tướng gióng trống khai giảng năm học mới

Nỗi buồn không được dự khai giảng

Mấy hôm nay, cháu Nam con của bạn tôi có vẻ không vui, thỉnh thoảng cáu bẳn. Hỏi lý do thì mẹ cháu cho biết cháu buồn vì không được dự lễ khai giảng năm học mới, trong khi một số bạn trong lớp được chọn đi dự lễ.

Cháu Nam năm nay 9 tuổi, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP.HCM. Cũng như năm học trước, ngày khai giảng năm học mới năm nay Nam phải ở nhà theo sự phân công của cô giáo chủ nhiệm. Mẹ cháu Nam cho biết do trường quá đông nên con của chị không được học ở lớp bán trú mà phải học ở lớp buổi chiều và trong mấy năm học gần đây, lớp của Nam chỉ được cử khoảng 10 học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới. Số học sinh còn lại phải ở nhà, chờ ngày đi học chính thức.

Một thực tế ở TP.HCM là không riêng trường của cháu Nam, nhiều trường tiểu học khác vào ngày khai giảng, số đông học sinh đành phải ở nhà. Những năm gần đây, số lượng học sinh đầu cấp có xu hướng tăng lên hằng năm. Trong khi đó trường học, cơ sở vật chất, phòng học... lại không thể đáp ứng nhu cầu gia tăng này. Để giải quyết bài toán trên, nhiều trường đã đưa ra cách dồn lớp, tăng sĩ số các lớp học dù đã vượt quy định.

Nhiều trường tiểu học hiện nay sĩ số của khối 1 thường khoảng 42-44 em/lớp, khối 2 thì xấp xỉ 50 em/lớp, các khối còn lại 52-55 học sinh/lớp. Học sinh đông mà diện tích khuôn viên sân trường chật hẹp, nên việc tổ chức một buổi lễ khai giảng có mặt tất cả học sinh tham dự là việc làm hết sức khó khăn đối với nhà trường.

Cái khó là vậy nhưng đối với học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, việc được dự một buổi lễ khai trường trọng thể sẽ giúp các em có khí thế bước vào năm học. Bởi lẽ sự so bì, tị nạnh, ganh đua... là một trong những đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh và được biểu hiện rõ nét nhất ở học sinh tiểu học.

Với tâm trạng háo hức, chờ đợi trong suốt ba tháng hè, các em dễ rơi vào trạng thái buồn chán, cảm thấy mình bị “phân biệt đối xử” khi các bạn khác được vinh dự đi dự lễ khai giảng còn mình phải ngồi ở nhà.

Lễ khai giảng - ngày hội đến trường là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh. Nên chăng trong điều kiện khuôn viên trường chật hẹp, nhà trường kết hợp với địa phương mượn các địa điểm như sân vận động, trung tâm văn hóa... tổ chức buổi lễ khai giảng cho các em có thể tham dự đầy đủ. Nếu trong điều kiện không thể bố trí cho tất cả học sinh của trường mình dự lễ khai giảng, nhà trường có thể chọn cách làm sao cho các em không thấy mình bị phân biệt đối xử và cha mẹ của các em cũng không cảm thấy chạnh lòng.

Như cách mà có trường đã làm, chỉ có học sinh khối lớp 5 và khối lớp 1 tham dự lễ khai giảng, với ý nghĩa các anh chị đầu đàn sẽ chào đón các em mới vào trường. Làm như vậy, trong suốt thời gian học tiểu học, các em sẽ được ít nhất là hai lần dự lễ khai giảng, còn các em khối lớp khác cũng sẽ không phải so bì vì bạn cùng lớp được dự lễ khai giảng còn mình phải ở nhà.

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Tuoitre)