Một nhà quản lí đã ví von: Đổi mới giống như lội ngược dòng nước vậy, có rất nhiều khó khăn ở phía trước. Có những khó khăn do chủ quan người hiệu trưởng, nhưng cũng có không ít khó khăn đến từ khách quan.

Giỏi chuyên môn thôi, chưa đủ

Không phải ngẫu nhiên  PGS.TS Nguyễn Xuân Tế -hiệu trưởng Trường CBQLGD TP HCM cho rằng, rào cản lớn nhất trong đổi mới công tác quản lý xuất phát từ chính ý thức của không ít hiệu trưởng.

Như một truyền thống, gần như 100% hiệu trưởng trong các trường phổ thông đi lên từ giáo viên. Dạy giỏi, có uy tín với đồng nghiệp là một yếu tố cần nhưng… chưa phải là đủ đối với một hiệu trưởng đổi mới. Muốn đổi mới quản lý, người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động đổi mới, có quyết tâm cao, tìm tòi giải pháp thực sự phù hợp. Hơn nữa, phải khơi dậy tinh thần cùng đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả các thành viên. Hiệu trưởng cũng phải có kỹ năng mềm để đủ tự tin điều hành nhà trường như một doanh nghiệp nhưng không làm mất bản sắc nhà trường phổ thông. Hiện nay, có bao nhiêu hiệu trưởng có đủ kỹ năng mềm và được trang bị kiến thức quản trị nhà trường ngoài chuyên môn? Tiến sĩ – NGƯT Ninh Văn Bình (Trưởng Phòng GD&ĐT Quận Phú Nhuận - Tp.HCM) nhận xét: “Nhìn chung, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBQL GD chưa cao, thể hiện trong việc thực thi công vụ, trong khả năng tham mưu, xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trước khi được bổ nhiệm, hầu hết CBQL GD chưa được đào tạo qua kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, kỹ năng soạn thảo và xử lý văn  bản quy phạm pháp luật. Vì vậy họ khá lúng túng, khi được phân công soạn thảo các đề án, dự án. Một số CBQL GD còn có tâm lý ỷ lại, thiếu chủ động, trông chờ vào sự “cầm tay chỉ việc” của cấp trên…

Trình độ và năng lực điều hành trong QL chỉ đạo công việc của nhiều CBQL chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa coi trọng công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động. Do đó, không ít CBQL GD rơi vào sự vụ hành chính đơn thuần, giải quyết công việc theo tình thế, chế độ báo cáo thiếu thường xuyên, thống nhất, số liệu thiếu tin cậy. Phần lớn còn hạn chế về Ngoại ngữ và Tin học…”. “Vì cứ phải loay hoay tìm hướng đi nên mặc dù nhiều nhà trường rất chịu khó đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, nhưng do cách làm không căn cơ nên không có kết quả” - TS Huỳnh Công Minh thẳng thắn nói.

Hiệu trưởng muốn chạy, GV chỉ thích... đi bộ

Một rào cản khác cản trở hiệu trưởng trong đổi mới, ấy là từ đội ngũ. Nhiều tư lệnh trẻ muốn đổi mới, muốn kéo đoàn tàu phăng phăng chạy về đích, nhưng đội ngũ phía sau - đặc biệt là CB - GV tuổi trung niên - chỉ muốn đi… bộ. Sự không tương thích giữa ý tưởng và thực hiện là một nguyên nhân đóng vai trò rất quan trọng khiến… đổi mới gãy đổ. Và không chỉ không đổi mới được, nhiều nhà trường, vì xung đột về ý tưởng, cách làm giữa người đứng đầu và CB - GV, đã dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, bè phái.

Ths Đỗ Thiết Thạch, Trường CBQLGD TP HCM cho rằng: “Trong bất kỳ quá trình thay đổi nào cũng nảy sinh các rào cản. Điều quan trọng là nhận dạng đúng và đủ các rào cản chủ quan liên quan đến thái độ của mỗi người trước quá  trình thay đổi. Về lý thuyết, thường thì nếu những người lãnh đạo đơn vị thấy cần thiết phải thay đổi thì ngược lại, những người làm công ăn lương trong đơn vị không thích sự thay đổi. Họ sợ sự thay đổi và thái độ của họ chuyển từ nghi ngờ, từ chối, đến giận dữ, phản kháng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở nước ta, rào cản kiểu này xem ra không đáng kể,  nhưng kết quả tổ chức thực hiện thường thấp, thiếu thực chất, không như mong muốn. Đây là một thực tế đáng suy nghĩ bởi có lẽ có một nguyên nhân sâu xa nào đó, một rào cản cốt lõi nào đó mà chúng ta chưa tính đến. Sự bất cập về năng lực là một nguyên nhân (tạo sức ì, ngại đổi mới ở những hiệu trưởng lớn tuổi). Nhưng sâu xa hơn là những yếu kém trong văn hóa quản lý. Sự yếu kém này có nguồn gốc từ mặt trái của ba dòng văn hóa đang cùng tồn tại ở nước ta. Đó là văn hóa tiểu nông, văn hóa bao cấp và văn hóa thị trường. Chính những điều đó mới khiến việc đổi mới quản lý vẫn chưa thật sự hiệu quả”.

Hiệu trưởng một trường THCS cho biết: Khi mới về trường, vấn đề quan trọng nhất tôi quan tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa CNTT vào giảng dạy. Tập thể 60 GV thì chỉ có khoảng 15 anh em trẻ là nhiệt tình. Còn lại… phản ứng. Ròng rã một năm trời, chỉ việc làm sao để GV dùng được máy tính thôi, đã cực. Cho đến khi 100% dùng được máy tính thì cũng chỉ có khoảng 15% là soạn giảng bằng giáo án điện tử. Vượt qua rào cản thói quen, đưa cả đội ngũ vào một hệ thống mới, không phải dễ.

THPT "nhạy" hơn THCS, tiểu học...

Bên cạnh những rào cản về mặt chủ quan hiệu trưởng và  vấn đề nội bộ, cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền cũng có những tác động bó tay, bó chân sự đổi mới của hiệu trưởng.

Cho đến nay, nếu như hiệu trưởng THPT được phân cấp khá triệt để thì hiệu trưởng của các trường MN, TH, THCS còn… dùng dằng giữa cấp quản lí phòng GD, UBND và trường.  Sự phân cấp không triệt để, mới chỉ diễn ra trên giấy, dừng lại ở UBND cấp huyện, còn nhà trường thiếu quyền chủ động. Trong các khâu tự chủ, được tự chủ về mặt nhân sự vẫn là mong muốn của nhiều hiệu trưởng. “Đổi mới tốt hay không, còn cậy “quân” bên dưới. Nhưng “quân” mình  thì bên Nội vụ tuyển đưa sang, mình đâu được quyền chọn?”

Trong một cuộc hội thảo liên quan đến đổi mới công tác quản lí của hiệu trưởng, hiệu trưởng Trường TH Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TPHCM từng  nêu  lên thực tế: “Vấn đề tồn đọng khá lâu trong giáo dục là việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý không đúng vị trí. Thế nên mới xảy ra tình trạng cán bộ chỉ “hồng” mà không “chuyên”. Một số nơi có kiểu bố trí cán bộ theo mối quan hệ hơn là năng lực, phẩm chất. Hai kiểu này đều dẫn tới những hạn chế trong quản lý và chậm tiến bộ đổi mới”. Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng Trường Mầm Non Sơn Ca 5 – Phú Nhuận – TP HCM) cũng lưu ý: Công tác QL, cách dùng người và sự đãi ngộ chưa thật sự đúng với đóng góp cống hiến của từng người. Vì vậy chưa phát huy được năng lực, tâm huyết của CBQL cũng như đội ngũ GV, chưa thực hiện nghiêm túc việc khen thưởng và kỷ luật. Trong đãi ngộ còn mang tính cào bằng, nên không ai muốn phấn đấu. Nâng lương cứ đến hẹn lại lên. Một số tệ nạn hối lộ, tham nhũng ngoài xã hội đang len lỏi vào nhà trường, làm suy yếu bộ máy QLGD…”.

 

Bạn cần biết:

Loay hoay tìm hướng đổi mới giáo dục

Đổi mới giáo dục càng đổi càng gây khó

 

Kenhtuyensinh

Theo: GDTĐ