Có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2015 bước đầu đã đạt được những yêu cầu đề ra đó là giảm áp lực, tốn kém cho xã hội và người dân. Tuy nhiên, kỳ thi này cũng bộc lộ một số điểm bất cập... Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa kết thúc sau 4 ngày thi căng thẳng cho cả thí sinh, người nhà và đơn vị tổ chức thi. Có thể nhận thấy, dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng kỳ thi này đã đạt được một số thành công nhất định, như: giảm thí sinh ảo, giảm tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông, chỗ ở của thí sinh cho các thành phố lớn, đề thi phân hóa được thí sinh... Tuy nhiên, kỳ thi này cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho các kỳ thi sau.

Một kỳ thi 2 mục đích

Thành công dễ nhận thấy của kỳ thi THPT năm 2015 đó là giảm từ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại, học cao đẳng chỉ cách nhau 1 tháng như những năm trước đây, xuống còn một kỳ thi duy nhất, với số lượng ngày thi, môn thi ít hơn, giảm được sự căng thẳng, mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh và cả xã hội. Do chỉ còn một kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng, nên tỷ lệ thí sinh dự thi cao, số lượng hồ sơ ảo giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 2%, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, Sở Giáo dục Đào tạo trong việc bố trí điểm thi, cán bộ coi thi; đồng thời huy động được chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, tổ chức xã hội... và người dân cùng chung tay với ngành giáo dục- đào tạo tổ chức kỳ thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà về ăn, ở, đi lại trong suốt kỳ thi.

Những bất cập trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, chủ trì cụm thi số 3 nhận xét: “Rõ rất là không có thí sinh ảo như trước đây và buổi thi nào cũng 98%. Số thí sinh giảm là thí sinh tự do, hoặc các thí sinh được miễn. Việc tổ chức kỳ thi như thế này đã tiết kiệm cho thí sinh và người tổ chức thi…”. Với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... áp lực về giao thông, về chỗ ở cho chí sinh và người nhà cũng giảm. Tình trạng thí sinh từ các tỉnh đổ dồn về các bến xe, bến tàu trước, trong ngày làm thủ tục dự thi và ngày kết thúc thi không còn tái diễn.

Sự thay đổi quan trọng trong kỳ thi này được dư luận xã hội và thí sinh đánh giá cao đó là đề thi. Với mục tiêu là ra đề đảm bảo hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng nên đề thi của 8 môn có các câu hỏi ở mức độ cơ bản để thí sinh chỉ xét tốt nghiệp có thể làm được và các câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh, tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.

Thí sinh Trần Đức Minh, trường THTP chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định cho biết: “Về thi năm nay thì em thấy là thuận lợi cho thí sinh nhiều hơn, đặc biệt là những thí sinh xét tuyển vào đại học, vì đề phân hóa rất tốt. Đề thi phân hóa rất rõ rệt, phần dễ thì rất dễ, phần khó cũng khá khó. Các bạn thi tốt nghiệp có thể làm được từ 4 đến 5 điểm. Còn mức điểm 7 trở lên là phân loại rất cao, xuất hiện nhiều bài tập mới, lạ và khó”. Nội dung các câu hỏi không yêu cầu học sinh học thuộc mà yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi.

Những thay đổi trong cách ra đề thi năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và giới thiệu các đề thi mẫu từ sớm, học sinh yên tâm ôn tập theo chương trình phổ thông, tình trạng thí sinh các tỉnh đổ dồn về thành phố lớn để ôn thi trong các “lò luyện thi” như những năm trước hầu như không còn. Các trung tâm in sao “phao thi” cũng không hoạt động “nhộn nhịp” như trước. Một điểm dễ nhận thấy tại kỳ thi năm nay là sự siết chặt kỷ luật trong phòng thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường hợp vi phạm kỷ luật trường thi đều được các cụm thi kiên quyết xử lý theo đúng quy chế. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 4 ngày thi, cả nước có trên 700 thí sinh bị đình chỉ thi.

Những bất cập trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Thế nhưng, quá trình chuẩn bị và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia đã bộc lộ một số bất cập, gây khó cho cả thí sinh và đơn vị tổ chức thi. Nguyên nhân là do sự thay đổi diễn ra trong thời gian quá ngắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi cả thí sinh và đơn vị tổ chức thi chưa có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng về những đổi mới trong kỳ thi này.

Thí sinh lúng túng trong làm hồ sơ đăng ký dự thi dẫn đến nhiều sai sót, một số thí sinh không nộp hồ sơ theo thời gian quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kéo dài thời gian chỉnh sửa hồ sơ đến sát thời điểm diễn ra kỳ thi, gây khó khăn trong tổ chức thi. Một số cụm thi quốc gia do các trường đại học địa phương chủ trì, với số lượng thí sinh tăng đột biến, phải thuê địa điểm thi là các trường tiểu học, cán bộ coi thi là sinh viên chiếm số lượng lớn, nên có tình trạng 1 phòng thi có 2 giám thị đều là sinh viên. Thí sinh dự thi ở các cụm thi này cũng gặp khó khăn trong tìm chỗ ăn, ở. Với các cụm thi do Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức, tại nhiều điểm thi chỉ có vài thí sinh dự thi ở những môn thi tự chọn, gây lãng phí về cơ sở vật chất, nhân lực tổ chức thi.

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An nêu thực tế: “Là cụm thi địa phương phải tạo điều kiện cho học sinh đi lại, chúng tôi 21 đơn vị hành chính nhưng có 25 điểm thi. Như vậy, việc gom các môn thi khó hơn cụm thi đại học chủ trì nhiều. Vì vậy, ngoài môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ra, có những môn thi là cả một hội đồng thi có 1 em. Gom không gom được vì huyện này cách huyện kia xa, điểm thi này cách điểm thi kia xa nên khó khăn trong tổ chức thi”.

Việc xử lý sai sót không đúng quy chế của 2 giám thị coi thi môn Toán tại cụm thi số 31, do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì khi ký nhầm vào phần chấm thi trên bài thi của thí sinh, làm 25 em phải làm lại bài thi môn Toán. Tình trạng thí sinh trao đổi bài, nhìn bài của nhau vẫn xảy ra, đặc biệt là ở cụm thi do Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức. Số ngày thi kéo dài 4 ngày, gây tâm lý mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh... Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ trì cụm thi số 1 cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật, để việc tổ chức thi gọn nhẹ hơn.

Ông Hoàng Minh Sơn nói: “Trong việc tổ chức kỳ thi có một số cái cần rút kinh nghiệm, chủ yếu về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như, các quy trình, các biểu mẫu chuẩn, theo tôi nên đơn giản hóa, khoa học hơn, để các hội đồng thi, các giám thị tập trung nhiều vào công việc chuyên môn. Ngoài ra, chúng ta nên giảm số ngày thi. Có thể tổ chức 2 môn thi cùng một buổi theo nghĩa là song song vì theo chúng tôi thống kê, số thí sinh đăng ký thi cùng Vật lý và Lịch sử là rất ít. Và môn Hóa học và Địa lý cũng vậy. Chúng ta có thể giảm bớt ít nhất 1 ngày thi cũng đỡ rất nhiều cho xã hội và đỡ mệt cho thí sinh và phụ huynh”.

Có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2015 bước đầu đã đạt được những yêu cầu đề ra đó là giảm áp lực, tốn kém cho xã hội và người dân. Nội dung đề thi được đổi mới, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, tạo tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những bất cập trong kỳ thi này, cần được ngành Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong những năm sau để tổ chức kỳ thi ngày một tốt hơn./.

Theo VOV, link bài viết gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-con-nhieu-bat-cap-411683.vov