Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết rất bất ngờ và vui mừng khi bài thơ Đánh thức tiềm lực của ông được đưa vào đề thi THPT quốc gia 2018.
Xem thêm:
>>> Lịch thi THPT Quốc gia 2018
>>> Tổng hợp đề thi THPT Quốc gia 2018
>>> Gợi ý đáp án đề thi THPT Quốc gia 2018
Khi được báo tin về đề thi là 3 khổ thơ Đánh thức tiềm lực của mình, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết rất bất ngờ, ông nói: "Tôi không nghĩ người làm chương trình họ nghĩ đến điều này!".
Ông cho biết: "Bài thơ này tôi làm trong 2 năm, từ năm 1980 đến 1982, vừa làm vừa sửa. Đến mùa thu năm 1982, tiễn ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM ra làm chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước, chúng tôi có làm bữa tiệc rượu trong một nhóm nhỏ mấy anh em, gồm tôi, anh Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn…
Bữa tiệc đó mời ông Sáu Dân đến uống rượu, tôi công bố bài thơ này với đề từ là "Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế". Bài thơ này sau đó chưa được in đâu, tôi đọc bằng miệng, rồi người ta ghi âm, họ phát hành băng cát sét, có nơi thì cho phát hành còn có nơi thì người ta cấm.
Tôi dồn hết cả tâm huyết trong thời hậu chiến lại để mà làm, và tôi nghĩ đây là một bài thơ mang tính lịch sử, trước đó chưa thấy ai làm việc này cả. Nói gì thì nói, lúc ấy đất nước còn đói khổ lắm, từ tiềm lực, tiềm năng về kinh tế thì nhiều nhà lãnh đạo nói lắm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để đánh thức nó dậy?
Nếu ra đề như thế tôi thấy rất mừng. Vì từ xưa đến nay, hễ nói văn chương là cứ nói đến chuyện… "giời ơi", nào là trăng, sao, mây, gió… Bàn thơ là toàn bàn đến cái đẹp của thiên nhiên, tình nghĩa con người thôi… Còn bài thơ này thì đi vào thực tế của đời sống, của dân, của nước.
Bây giờ người ta bắt đầu nhìn nhận đến giá trị thực tế của văn học đối với đời sống đương đại, đang diễn ra. Có lẽ đây là điều mà trước nay tôi chưa thấy ai làm. Nếu ra đề thi này thì người ta đặt vấn đề văn chương, trách nhiệm của văn chương đối với đời sống xã hội trước mắt, đang diễn ra. Đó là điều khác so với kiểu cũ.
Có thể nói trách nhiệm công dân đối với xã hội (nhấn mạnh) đối với công cuộc xây dựng đất nước ở thì hiện tại và tương lai, chứ không chỉ là trách nhiệm trong quá khứ!"…
Theo Tuổi trẻ
Xem thêm:
>>> Đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2018
>>> Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia năm 2018
>>> Cấu trúc đề văn và cách hỏi nghị luận khác lạ gây nhiều khó khăn cho thí sinh