Trong kế hoạch năm học 2021-2022 và tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiết kiệm tối đa chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí.
Yêu cầu trên nằm trong chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký ngày 24/8.
Bộ trưởng nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, trong đó đầu tiên là xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Các địa phương tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; trường hợp không thể thì tổ chức dạy trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học.
Các địa phương tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để dạy trực tuyến, xây dựng nền tảng dạy và học, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử... "Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non. Các nhà trường hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp", Chỉ thị nêu rõ.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, trường học không tăng học phí trong năm học 2021 - 2022
Về chi phí học tập, Bộ trưởng Sơn yêu cầu toàn ngành rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021. Các địa phương, trường học cần có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Hiện, một số địa phương đã đưa ra chính sách học phí năm học mới. Chẳng hạn, Đà Nẵng quyết định hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông các trường công lập và ngoài công lập, dự kiến hơn 87 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đang đề xuất miễn học phí học kỳ I cho tất cả học sinh như một chính sách hỗ trợ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Nhiều trường tư thục ở Hà Nội thông báo giảm học phí trong thời gian học online.
Không tăng học phí, không tổ chức dạy học trực tuyến với bậc mầm non cùng nhiều tác động khác của Covid-19 sẽ dẫn tới những khó khăn cho giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục, đặc biệt là những người làm trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Vì vậy, Bộ trưởng chỉ đạo cần có giải pháp phù hợp để hỗ trợ nhóm này.
Với giáo dục đại học, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc đẩy mạnh tự chủ đại học, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học... cũng được đưa ra.
> COVID-19: Thừa Thiên - Huế tổ chức dạy học qua truyền hình
> COVID-19: Học sinh nhiều địa phương phải hoãn thời gian tựu trường
Theo VnExpress