Trong tình hình dịch COVID-19, học sinh lớp 1 không thể đến trường, Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức dạy học qua truyền hình, không dạy online cho học sinh khối này.

COVID-19: Học sinh nhiều địa phương phải hoãn thời gian tựu trường

COVID-19: Học sinh nhiều địa phương phải hoãn thời gian tựu trường

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hà Tĩnh phải tạm lùi thời gian tựu trường của học sinh trên địa bàn.

Theo kế hoạch thời gian năm học, học sinh lớp 1 ở Thừa Thiên - Huế tựu trường sớm nhất từ 26/8 và sẽ bắt đầu học từ ngày 6/9.

Theo hướng dẫn của sở GD&ĐT, tùy vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực tế ở các địa phương, các đơn vị chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch dạy học theo một hoặc kết hợp các phương án.

Trong đó, nếu không thể học trực tiếp, học sinh lớp 1, 2 và 6 sẽ học qua truyền hình. Các khối lớp còn lại học trực tuyến.

1. Không dạy online cho học sinh lớp 1

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, cho hay quyết định không dạy online cho học sinh lớp 1 được đưa ra sau khi cân nhắc cặn kẽ.

“Học sinh lớp 1 còn chưa biết chữ, làm sao học trực tuyến được. Chúng ta không biết dịch đến bao giờ, diễn biến ra sao nên cần xây dựng chương trình dạy học cho lớp 1 với thời lượng phù hợp, phụ huynh có thể học cùng con. Thừa Thiên - Huế quyết định dạy qua truyền hình nhằm thuận lợi cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường”, ông Tân cho hay.

Ông nhấn mạnh thêm với tình hình thực tế của địa phương, không còn cách nào khác ngoài dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 1 sống ở vùng giãn cách, không thể đến trường, đồng thời hướng dẫn phụ huynh giám sát, đồng hành cùng con học.

Với phương pháp dạy học qua truyền hình, các bài giảng sẽ được lưu lại trên trang web. Học sinh có thể vào xem lại nhiều lần để nắm được bài học.

Theo ông Tân, điều này giải quyết được vấn đề học sinh dễ quên bài nếu chỉ học 30 phút rồi xong, chuyển sang học môn khác.

Dạy học qua truyền hình cũng giúp học sinh, giáo viên, phụ huynh dễ tiếp cận. Trong năm học trước, khi triển khai phương án dạy học từ xa này, chính ông Tân đã về kiểm tra tại nơi cách trung tâm thành phố 70 km, tiếp sóng kém. Tại đó, học sinh vẫn học được nên ông tin tưởng phương án này có thể áp dụng cho học sinh lớp 1 trong điều kiện không thể đến trường vì dịch và hiệu quả học học online.

Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cũng hỗ trợ tối đa trong việc tiếp sóng. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn gặp khó khăn. Vì thế, bên cạnh dạy học truyền hình, sở hướng dẫn giáo viên, nhà trường chủ động, có thể kết hợp các phương án khác, phù hợp tình hình địa phương.

Ông nêu ví dụ, ở vùng “xanh”, giáo viên có thể kèm cặp theo nhóm nhỏ, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng học sinh không học được gì trong thời gian có dịch.

"Tôi tin số lượng này sẽ không nhiều và ít chừng nào, các trường càng dễ bố trí kế hoạch dạy bù khi dịch được kiểm soát chừng đó”, ông Nguyễn Tân nói.

Ngoài ra, trong tình hình dịch ảnh hưởng đến việc tập huấn giáo viên cho chương trình mới, việc dạy học qua truyền hình góp phần quy tụ những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm. Họ sẽ lên bài giảng, phát sóng và coi như là giáo án mẫu cho các giáo viên khác.

Đây cũng là lý do ngoài dạy qua truyền hình cho học sinh lớp 1, Thừa Thiên - Huế còn áp dụng phương pháp này cho học sinh lớp 2 và lớp 6 - hai lớp triển khai dạy học theo chương trình mới năm đầu tiên.

“Có thể, 1-2 tháng nữa, dịch được kiểm soát, học sinh trở lại trường học bình thường. Nhưng bài giảng trên truyền hình trong giai đoạn này là kinh nghiệm quý cho giáo viên toàn tỉnh, đặc biệt giáo viên ở vùng sâu, vùng xa”, ông Tân nói thêm.

COVID-19: Thừa Thiên - Huế tổ chức dạy học qua truyền hình - Ảnh 1

Học sinh lớp 1 sẽ được học qua bài giảng truyền hình

2. Thiết kế bài giảng phù hợp

Ông Nguyễn Tân cho hay năm ngoái, Thừa Thiên - Huế đã triển khai dạy học truyền hình, có kinh nghiệm, quy tụ được những giáo viên giỏi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sở lựa chọn hình thức này cho học sinh lớp 1 sau khi xác định các em còn quá nhỏ để học trực tuyến.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng tạo điều kiện cho ngành giáo dục, dành thời gian ngoài chương trình thời sự để phát sóng các bài giảng, ưu tiên khung giờ phù hợp cho học sinh lớp 1 - thời điểm phụ huynh có thể đồng hành (buổi trưa hoặc trước hay sau chương trình thời sự).

Dự kiến, học sinh lớp 1 sẽ học 20-25 phút/tiết thay vì 35 phút như khi học trực tiếp. Chương trình sẽ dạy những kiến thức cần thiết nhất, thiết kế bài giảng phù hợp với tiết học không tương tác được với học sinh.

“Chúng tôi sẽ dạy Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Đạo đức. Các môn khác không phải không quan trọng nhưng có thể lùi lại, đợi khi học sinh đến trường học”, ông Tân nêu cụ thể.

Ông nói thêm thực tế, những kiến thức ban đầu của lớp 1 không phức tạp, chủ yếu giáo viên, phụ huynh hướng dẫn để các em biết cách học, tiếp cận, nắm được kỹ năng cần thiết.

Song song với bài giảng qua truyền hình, giáo viên thông qua Zoom hoặc Zalo để thông tin giờ phát sóng, theo dõi, nắm bắt tình hình học tập của học sinh, sẵn sàng cho kế hoạch tiếp.

Việc kiểm tra, giao bài tập vẫn theo thiết kế của sách giáo khoa, tức có phần vận dụng. Nhìn chung, việc tổ chức học gần giống như khi học sinh học trực tiếp. Nếu có bài tập, giáo viên sẽ giao và kiểm tra.

Thừa Thiên - Huế phấn đấu với các môn dạy qua truyền hình cho lớp 1, chất lượng đạt được như học trực tiếp. Đương nhiên, với một số học sinh khó khăn trong việc tiếp cận, việc học có thể không được như những em khác.

Do đó, khi trở lại trường, giáo viên sẽ rà soát, những em nào chưa theo kịp sẽ được bố trí kèm cặp để đảm bảo các em đạt yêu cầu của chương trình lớp 1.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế bày tỏ tin tưởng với phương pháp này, số lượng học sinh không theo kịp sẽ không nhiều. Đương nhiên, sở cũng không thể chỉ đưa ra phương pháp rồi để mặc các trường làm được thế nào thì làm.

Để đảm bảo hiệu quả, ông còn về tận nhà học sinh, xem tình hình thực tế để nêu tại cuộc họp, thống nhất ra hướng dẫn cụ thể, không để tình trạng giáo viên dạy cứ dạy, học sinh học được ra sao thì ra.

Ông kể trong một lần trực tiếp khảo sát, khi chứng kiến học sinh vừa chăm chú nhìn TV vừa chép bài, ông đã dặn em lần 1 chỉ tập trung theo dõi cô giảng, lần 2 xem lại, chú ý các câu hỏi cô đưa ra, đến lần 3 mới kết hợp xem sách giáo khoa để ghi bài vào vở và xem lại lần 4, 5 để làm bài tập.

“Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 mỗi nơi một khác, điều kiện các địa phương cũng không giống nhau. Ở Thừa Thiên - Huế, chúng tôi chọn dạy qua truyền hình cho học sinh lớp 1, hướng tới sự chủ động, với tình huống nào cũng có cách dạy”, ông khẳng định.

COVID-19: Dự kiến học sinh TP.HCM học trực tuyến đến hết học kỳ 1

Những điểm mới trong quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT

Theo ZING News