“Mình năm nay đã là sinh viên năm 2 rồi nhưng mình rất nhút nhát, không dám đứng phát biểu trước đông người, rất e ngại khi phải đến nơi nhiều người, tiệc tùng, nói chuyện không dám nhìn thẳng vào người khác…Mình phải làm sao? Mình không thể nào thay đổi được bản thân, làm sao để hết nhút nhát đây?…”



Bạn có thấy tâm sự trên quen thuộc không? Đúng vậy, không ít bạn trẻ trong chúng ta ngày nay bị bệnh nhút nhát, không dám gặp người lạ, thiếu tự tin về bản thân. Bên cạnh một bộ phận bạn trẻ năng động, tự tin, các bạn này lại hết sức ngại ngùng, giao tiếp xã hội kém cỏi. Nguyên nhân bệnh nhút nhát vì đâu và khắc phục thế nào?



Nguyên nhân và những bí quyết khắc phục hiệu quả bệnh nhút nhát - Ảnh 1



Sự phát triển của mạng xã hội và đồ dùng công nghệ cao là nguyên nhân gây bệnh nhút nhát ở giới trẻ


Sự phát triển của mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc chúng ta dành nhiều thời gian cho đời sống ảo hơn đời sống thực. Thay vì đi ra ngoài, gặp gỡ, làm quen với những người khác, bạn lại thích online trên các mạng xã hội và đọc tin tức, lướt web giải trí…

Đồ dùng công nghệ cao như smartphone, Iphone, Ipad… giúp bạn kết nối Internet mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang đi trên xe bus, tàu hỏa…tạo điều kiện cho sự gắn kết với thế giới ảo ngày càng thường trực hơn. Đồng nghĩa với việc khoảng cách với xã hội ngày càng giãn cách.

Điều này khiến bạn ít va vấp thực trong quá trình giao tiếp trực tiếp, thói quen giao tiếp dần dần bị loại bỏ, bạn không còn phản xạ linh hoạt để ứng xử và nói năng nữa. Dần dần, kỹ năng giao tiếp của bạn trở nên hạn chế và do đó, bạn ngày càng ít giao tiếp hơn. Bạn trở nên e ngại với việc giao tiếp thực tế, trở nên nhút nhát, thụ động khi nói chuyện mặt đối mặt.



Sự thay đổi về môi trường sống

Điều này rất hay xảy ra khi các bạn chuyển lớp, chuyển trường, chuyển cấp. Sự thay đổi môi trường sống buộc các bạn phải làm lại từ đầu với các mối quan hệ. Và không ít bạn lo lắng, e sợ vì khác biệt vùng miền, văn hóa… Trong quá trình hòa nhập này, nếu bạn gặp một vài sự cố, tình huống không hay như hiểu lầm từ bạn mới, bị bạn mới bắt nạt…bạn sẽ có xu hướng khép mình hơn và trầm trọng hơn là khủng hoảng tâm lý, trầm cảm…



Sự tưởng lầm về các giá trị sống

Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, chúng ta được tiếp thu rất nhiều văn hóa từ các nước khác, nhất là qua phim ảnh, ca nhạc, các cuộc thi…Hình ảnh của những “Idol”, các ngôi sao ca nhạc, phim ảnh chói sáng làm cho không ít bạn trẻ tưởng lầm về các giá trị sống của mình. Quan niệm sai lầm về những điều đem lại hạnh phúc, lý tưởng sống…các bạn dễ ngộ nhận về mặt yếu kém của bản thân và cho rằng mình không có giá trị bản thân, ngoại hình xấu xí, học lực kém cỏi, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn…Tất cả những điểm này khiến bạn trở nên tự ti về chính bản thân và từ đó không thích giao thiệp, muốn trốn trong một vỏ bọc của riêng mình.

Điều này là hết sức tai hại song vẫn có cách thay đổi. Hãy đọc nhiều sách về kỹ năng sống, tham gia các câu lạc bộ tình nguyện, trau dồi kiến thức cho bản thân…Bạn trẻ sẽ có cái nhìn khác hơn với cuộc sống của mình.



Khắc phục bệnh nhút nhát như thế nào?


Nguyên nhân và những bí quyết khắc phục hiệu quả bệnh nhút nhát - Ảnh 2



1. Hãy tập thở đều, nói lớn hơn

Tập điều chỉnh nhịp thở, thở sâu, chậm rãi để điều chỉnh giọng nói của bạn. Điều chỉnh được nhịp thở bạn sẽ phát biểu một cách ổn định hơn, không bị nghẽn lại do bối rối khi đứng trước đám đông nữa.

Cũng nên tập cho mình có giọng nói lớn hơn, vì giọng nói nhỏ sẽ chẳng ai lắng nghe bạn và tạo cho người khác tâm lý bạn là một người tự tin.



2. Chăm sóc ngoại hình

Chăm sóc ngoại hình ở đây không phải là đi thẩm mỹ, tô điểm cho bản thân mà lại năng tập thể dục nhiều hơn để có sức khỏe, cắt một mái tóc phù hợp với khuôn mặt hơn, lựa chọn kiểu trang phục để phù hợp với bản thân…Không hào nhoáng, rực rỡ nhưng sự chỉnh chu, gọn gàng của bạn sẽ làm cho bạn trở nên tự tin hơn đấy.



3. Hãy làm những gì mình thích

Tác động của môi trường xung quanh thường ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách và tâm lý của bạn, có thề là những áp lực và những điều không mong muốn trong cuộc sống. Vì vậy bạn nên thư giãn và chiều theo sở thích của mình để có một tâm lý ổn định, tự tin hơn.



4. Không ngừng học hỏi

Khi bạn có kiến thức và hiểu biết rộng thì người khác sẽ tôn trọng và lúc đó bạn nói người khác sẽ nghe theo – từ đó củng cố thêm lòng tin cho chính bản thân bạn. Hoặc đặt trường hợp cả nhóm nói về chủ đề nào đó mà bạn chẳng biết gì về nó thì sao có thể hòa nhập được, lúc đó bạn sẽ thấy mình thừa thãi, từ đó bạn lại trở nên khép mình hơn.

Chúc bạn tự tin hơn!

Theo hanhtrinhdelta.edu.vn