Tin liên quan:
>> Nội dung bài văn bị 0 điểm được ưa thích
>> Học sinh đánh nhau và vô cảm
Thầy "xuống tay", trò nhập viện
Khoảng thời gian từ đầu năm 2012 đến nay, một loạt các vụ bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận bức xúc. Không còn dừng ở tính chất cá nhân giữa học sinh với học sinh mà hiện tượng giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đánh cô giáo diễn ra ngày càng nhiều...
Điển hình như vụ việc mới xảy ra ngày 22/10/2012 tại Bình Phước. Thầy hiệu phó trường THPT Ngô Quyền, Nguyễn Phi Trường đã đánh em Nguyễn Phú Hùng phải nhập viện cấp cứu. Nguyên do là em Hùng vi phạm nội quy của trường đi dép lê, không bỏ áo vào quần (!). Thầy giáo đã nhiều lần gọi lên văn phòng nhắc nhở nhưng em Hùng đã không thay đổi lại còn có thái độ khiếm nhã với giáo viên.
Quá bức xúc, thầy Trường đã "xuống tay" đánh em phải nhập viện cấp cứu. Việc thầy… "quá tay", khiến dư luận xã hội, một lần nữa đã phải lên tiếng bởi nhiều "vết rạn" trong ngành giáo dục. Đó là phẩm chất đạo đức của người giáo viên trong phương pháp dạy học. Một nghề luôn được xã hội tôn trọng, nghề "trồng người", nghề ươm mầm cho sự phát triển của đất nước.
Một trường hợp khác là việc giáo viên trường THCS Quảng Hiệp (Lâm Đồng) kỷ luật học sinh không thuộc bài bằng cách bắt đứng xếp hàng và dùng roi đánh vào mông, đùi khiến có em phải nhập viện. Sự việc này đã diễn ra nhiều lần đối với các em học sinh lớp 6A4 trong trường nhưng vẫn không bị phát hiện. Chỉ khi trường hợp của em Đỗ Quốc Minh Bảo đã bị cô Nguyễn Thị Linh đánh phải nhập viện thì giáo viên này cũng mới bị kiểm điểm.
Những ánh mắt học sinh đổ dồn vào cách cư xử của chính người thầy của mình
Thái độ không đúng mực của giáo viên đối với học sinh nhưng lại được cấp trên… bỏ qua khiến dư luận bất bình. Đó sự việc xảy ra ngày 11/1/2012, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nghi Lộc (Nghệ An) Nguyễn Đức Thịnh cũng chỉ công bố khiển trách một giáo viên phạt học sinh bằng cách cho học sinh tự nhúng đầu vào thùng nước trong nhà vệ sinh. Và sau đó, riêng phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành về cách xử phạt học sinh không thể chấp nhận được này làm gương cho cán bộ giáo viên các cấp.
Cách phê bình, dạy dỗ của giáo viên đúng mực sẽ làm các em tiến bộ, nhưng không đúng cách sẽ khiến học sinh phản ứng tiêu cực. Trở lại nỗi đau từ đầu năm 2012 đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh khi học sinh tự tìm đến cái chết chỉ vì… bị cô giáo mắng. Đó là trường hợp em học sinh trường THPT Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) bị cô giáo mắng và em đã nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử để lại những điều trăn trở cho công tác giáo dục ở tỉnh Thái Bình.
Hậu quả, nỗi đau, sự mất mát đã nhìn thấy, tưởng chừng những vụ việc bạo lực học đường sẽ được chấn chỉnh nhưng thực chất nó không hề thuyên giảm mà mức độ, tính chất, phạm vi ngày càng lan rộng với mọi đối tượng. Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá: " Bạo lực học đường phát sinh từ chính xã hội có nhiều bất cập và ngành giáo dục là ngành cần được chú trọng hơn cả cũng vướng phải sự bất cập chung của xã hội".
Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội về bảo vệ quyền trẻ em như CDC, PLAN, SIDA đang nghiên cứu và tìm hiểu biện pháp để giảm bớt vấn nạn bạo lực học đường. Trước thực tế, bạo lực học đường gia tăng, các tổ chức đều thống nhất với quan điểm là can thiệp đúng mức độ. Nếu ngay lập tức áp dụng những hình thức giáo dục quá mạnh chắc chắn sẽ gây tác dụng ngược với các đối tượng bạo lực học đường.
Chính vì thế, cần xác định rõ nguyên nhân, điều kiện tâm lý cũng như hoàn cảnh sống của đối tượng để lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp. Đây là xu hướng giải quyết chung của thế giới khi tham gia vào giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Còn về phía Việt Nam, các nhà nghiên cứu và quản lý đầu ngành về giáo dục lại có cái nhìn trực diện, cụ thể vào chính hoàn cảnh thực tế của nền giáo dục Việt Nam.
Người làm thầy phải có Tâm và Đức
Để tìm hiểu hiện trạng này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với giáo sư, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ông chia sẻ: "Không phải chỉ có bạo lực học đường mà hiện tượng bạo lực nói chung đang phổ biến trong xã hội ta hiện nay". Quan trọng là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào để có cách giải quyết với nó. Phải nhìn thẳng vào sự thật để sửa đổi.
Ông Thuyết nhấn mạnh, xã hội có quá nhiều vấn đề bức xúc mà luật pháp nước ta chưa thực sự nghiêm minh nên các hiện tượng xã hội có cơ hội phát sinh nhiều.
Ông Thuyết phân tích: "Đánh giá vào góc độ giáo dục thì chúng ta chưa thực sự đầu tư cho ngành, đặc biệt trong khâu tuyển dụng. Đó là việc chỉ coi trọng bằng cấp mà chưa chú trọng đến phẩm chất, niềm đam mê nghề nghiệp của giáo viên.
Hiện tượng giáo viên có những hành vi xúc phạm đến danh dự, đánh đập học sinh được coi là bình thường. Họ không có ý thức cho những hành vi của mình và sự góp mặt của những con người đó đã tạo lên những vấn đề bức xúc trong xã hội. Những người như vậy không thích hợp làm nghề giáo, nền giáo dục cần triệt để với tình trạng này".
Bức xúc về vấn đề bạo lực học đường, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên- Phó Trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có nhiều phân tích rất chân thực. Bà khẳng định: "Với vấn đề này thì cần phải nhìn toàn diện: "Bệnh chạy theo thành tích vẫn còn, một số trường đặt ra những quy định riêng để rèn học sinh vào nề nếp". Một giáo viên có phương pháp sư phạm tốt là người có khả năng cảm hóa học trò bằng các biện pháp giáo dục, dùng lời lẽ thuyết phục học sinh, bằng chuyên môn và bằng tấm gương… để học sinh noi theo. Không phải là những biện pháp tình thế gây tổn thương đến danh dự, lòng tự trọng của học trò mình.
Nếu giáo viên đưa ra lý do rèn luyện học sinh và vì học sinh vi phạm kỷ luật mà dùng những biện pháp đó là không thể chấp nhận được. Phương pháp giáo dục này vô cùng phản khoa học, vi phạm nghiêm trọng đến những quy định đối với nghề giáo, thậm chí là xâm phạm quyền trẻ em".
Bà Quyên nhấn mạnh: "Bạo lực học đường là một hiện tượng không tốt trong ngành giáo dục cần có hướng giải quyết ngay từ khâu giáo viên giảng dạy". Phương pháp dạy học dùng bạo lực để phạt và áp đặt học sinh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ cơ bản trong giáo dục, mối quan hệ thầy và trò. Nó sẽ gây nên những ức chế, phẫn nộ cho học sinh và gia đình học sinh với thầy cô và nhà trường. Đồng thời làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của nghề giáo.
Trước những hành vi giáo dục thiếu khuôn mẫu, trẻ em vẫn ở lứa tuổi vị thành niên, nhận thức còn hạn chế, khả năng kìm chế bản thân kém nên nhiều khi dẫn đến những hệ luỵ khôn lường. Đau xót nhất là trong những năm gần đây, hiện tượng học sinh và gia đình học sinh có hành vi gây gổ, hành hung với thầy cô không còn là hiện tượng hiếm.
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên nhận định: "Thực tế của mối quan hệ thầy- trò- phụ huynh học sinh đã có dấu hiệu căng thẳng đòi hỏi những nhà giáo cần có sự nhìn nhận lại" . TS. Quyên cũng nhấn mạnh đến tác hại xấu của hành vi xúc phạm, đánh đập trẻ em có thể còn gây nên những cú sốc tâm lý không nhỏ đối với học sinh. Nhiều em sợ không dám đến trường, ngại giao tiếp với thầy cô, hoặc cá biệt có em cá tính mạnh có thể trở nên ngỗ ngược, coi thường kỷ luật, coi thường thầy cô nhà trường… Và đây là một trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành giáo dục.
Để giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục, TS. Quyên nêu quan điểm : "Cần phải có những giáo viên, yêu nghề và yêu trẻ". Người thầy, người cô trong trường trước hết phải là những người có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm tốt để hiểu rõ vai trò, trách nhệm của mình. Và nếu không có sự nhìn nhận đúng, kiểm điểm và xử lý nghiêm túc hiện tượng này thì nó sẽ như mầm mống làm gia tăng ngày càng nhiều tệ nạn khác trong môi trường giáo dục.
Bởi lẽ, nghề giáo là nghề đặc biệt, nó liên quan trực tiến đến sự phát triển của nguồn nhân lực đất nước và vấn đề con người liên quan tới mọi ngành, mọi vấn đề xã hội".
Xem thêm: Học sinh bị game bạo lực bao vây
Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:
LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013
TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ
ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - BÁO GIÁO DỤC - TIẾNG ANH
Theo Nguoiduatin