“Điều quan trọng là những ngành mới mở có đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng hay không? |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT) |
Kết quả, từ chỗ mỗi năm cùng lắm chỉ được bộ cho mở mới 2-3 ngành thì đến nay, chỉ trong hơn một năm thực hiện tự chủ, có trường mở mới đến... 22 ngành đào tạo, từ bậc ĐH cho đến trình độ đào tạo thạc sĩ.
Tự mở ngành như ĐH quốc gia
Thực tế, việc tự mở ngành là một quyền tự chủ ĐH rất đặc biệt, điều mà từ trước đến nay Bộ GD-ĐT luôn kiên quyết giữ quyền kiểm soát.
Ngay trong Luật giáo dục ĐH cũng quy định rõ trừ các ĐH quốc gia, các cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, còn lại tất cả các trường ĐH đều phải tuân theo quy định chung: duy nhất bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới có quyền quyết định cho phép mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo.
Trong các hội nghị giáo dục ĐH trước đây, khi còn làm bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận nhiều lần khẳng định: Bộ đã giao nhiều quyền tự chủ cho các trường, nhưng riêng quyết định mở ngành, tất cả các trường sẽ tiếp tục buộc phải xin phép và chờ bộ thông qua.
Một trong những lý do bộ giữ quyền kiểm soát mở ngành được lý giải là do đang có sự mất cân đối ngành nghề ngay từ khâu đào tạo, nhiều ngành đã rơi vào cảnh bão hòa, dư thừa nguồn lực đào tạo so với nhu cầu xã hội.
Do đó, bộ phải rà soát toàn bộ những trường hiện có, cảnh báo những ngành nào cần khuyến khích, tạo điều kiện để mở và những ngành nào, ở đâu sẽ không cho mở nữa.
Tuy nhiên, các trường ĐH thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo đề án được Thủ tướng phê duyệt đã được mở rộng nhiều quyền tự chủ, trong đó quyền tự chủ mở ngành được áp dụng tương đương với hai ĐH quốc gia.
Trước đây, để mở ngành đào tạo mới, trường ĐH phải xây dựng chương trình ngành muốn mở, lập hồ sơ mở ngành để hội đồng khoa học nhà trường thông qua; rồi sở GD-ĐT kiểm tra điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, giảng viên, sau đó thông qua một hội đồng chuyên môn thẩm định..., kế tiếp mới chuyển toàn bộ hồ sơ lên Bộ GD-ĐT chờ bộ kiểm tra, quyết định.
Tuy nhiên, khi được tự chủ về mở ngành, quy trình này sẽ rút ngắn đi rất nhiều, nhất là việc không cần đến quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT - cho hay không cho, hay lại tiếp tục yêu cầu bổ sung để... xem xét tiếp.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều trường ĐH thừa nhận trước đây khi chưa được tự chủ mở ngành, dù nhu cầu mở ngành cao đến đâu thì khi hoàn tất hồ sơ vẫn phải chờ bộ “nâng lên, đặt xuống” khá mệt mỏi.
“Có năm, trường mạnh dạn xin mở năm ngành đào tạo ĐH, nhưng bộ phận tiếp nhận hồ sơ của bộ dù chưa nhìn hồ sơ, chưa xem điều kiện đảm bảo chất lượng của trường ra sao, đã trả lời ngay trường mở nhiều như vậy sẽ không được duyệt, nên rút bớt hồ sơ xuống còn 1-2 ngành mới để bộ xem xét.
Tuy nhiên, khi được tự chủ, chúng tôi có thể mở hàng chục ngành mới, khi trường có nhu cầu và thấy đảm bảo các yêu cầu cần thiết để mở ngành là xong” - lãnh đạo một trường ĐH phân trần.
Hai năm, 22 ngành mở mới
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, tính đến nay Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 14 cơ sở giáo dục ĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương.
Hầu hết các trường được phê duyệt đề án trong năm 2015. Từ đó đến nay, có tám trường báo cáo đã mở 71 ngành mới của các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; còn lại, sáu trường không hề có báo cáo.
Trong đó, cơ sở giáo dục giữ kỷ lục về số lượng ngành mới mở là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với 22 ngành mới (gồm 6 ngành trình độ thạc sĩ và 16 ngành trình độ ĐH), tiếp đến là Học viện Nông nghiệp Việt Nam (10 chuyên ngành ĐH), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (2 chuyên ngành tiến sĩ, 4 chuyên ngành thạc sĩ, 3 ngành ĐH), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (5 ngành ĐH, 3 ngành thạc sĩ, 1 ngành tiến sĩ), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (1 ngành thạc sĩ, 6 ngành ĐH)...
Ông Nguyễn Đức Minh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết tính cả số lượng ngành mới mở theo cơ chế tự chủ, hiện trường có tổng cộng 36 ngành đào tạo.
Trong đó, nhiều ngành mới được tách từ các chuyên ngành đã tồn tại từ trước, như ngành công nghệ thông tin, hệ thống thông tin... (trước đây là những chuyên ngành của ngành khoa học máy tính), chỉ có bốn ngành mới mở hoàn toàn là luật kinh tế, luật quốc tế, kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Dự kiến trong năm 2017, trường vẫn tiếp tục mở các ngành mới khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cũng cho rằng việc cho phép các trường tự chủ trong mở ngành đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động thực hiện, và các trường có ý thức hơn trong việc chịu trách nhiệm mở ngành.
Một số trường chú trọng mở những ngành có nhu cầu phục vụ kinh tế - xã hội của địa phương, vùng. Tuy nhiên, nhìn vào con số ngành mới mở của các trường tăng đột biến, có trường tăng gấp hàng chục lần so với định kỳ mở ngành mới hằng năm trước đây, Bộ GD-ĐT đã tỏ ra lo ngại về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo bà Phụng, hiện nay bộ chưa kiểm tra việc chấp hành các quy định hiện hành về mở ngành của các trường tự chủ; nhưng số liệu báo cáo cho thấy số lượng ngành đào tạo của các trường này tăng nhanh, trong đó có trường mở mới hàng chục ngành đào tạo, bên cạnh nhiều ngành đã mở từ trước.
“Điều quan trọng là những ngành mới mở có đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng hay không?” - bà Phụng băn khoăn.
Chưa có hội đồng trường, vẫn tự mở ngành Theo Bộ GD-ĐT, điều kiện tối thiểu của tự chủ là đổi mới mô hình quản trị ĐH theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo của hội đồng trường, với đầy đủ quyền lực và thực hiện kiểm định chất lượng. Khi có hội đồng trường hoạt động theo đúng quy định của Luật giáo dục ĐH, thì việc mở ngành sẽ được hội đồng này kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, kiểm định chất lượng sẽ ngăn chặn việc mở ngành kém chất lượng. Tuy nhiên, tại nhiều trường ngay cả điều kiện tối thiểu này vẫn chưa thực hiện. “Hiện nay, nhiều trường chưa thành lập hội đồng trường. Một số trường thành lập hội đồng trường nhưng quyền hạn thực tế chưa được đảm bảo. Công tác kiểm định đang được triển khai nhưng chưa thực hiện được đồng loạt ở tất cả các trường; các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được công khai nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng để xã hội giám sát” - bà Phụng nhấn mạnh. Theo bà Phụng, chỉ khi hoàn thiện được cơ chế hội đồng trường và công tác kiểm định chất lượng thì mới có thể yên tâm với việc mở ngành của các trường tự chủ. |