Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng những năm gần đây đã thu hút rất nhiều thí sinh. Điểm chuẩn đại học đối với ngành này luôn ở mức rất cao.

Logistics là gì?

Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Như vậy, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.

Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.

Điểm chuẩn ngành Logistics 2020

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với điểm chuẩn đầu vào thường ở mức khá cao.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lên đến 28 điểm. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng thông báo điểm chuẩn 2020 cao nhất ở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với mức điểm là 27.6 điểm.

Kế đến là Trường Đại học Bách Khoa TPHCM với 27.25 điểm. Ngoài ra, các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn ngành Logistics khá cao, đa số đều trên 24 điểm.

> Tra cứu điểm chuẩn các trường Đại học trên cả nước năm 2020

Cơ hội việc làm

Hiện cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

Các vị trí công việc dành cho những người chọn học chuyên ngành Logistics khá đa dạng. Sinh viên học ngành này sau khi ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như: Nhân viên xuất nhập khẩu; Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu; Nhân viên thu mua; Nhân viên quản lý hàng hóa; Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải; Nhân viên kinh doanh Logistics…

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc, trong đó ngành Logistics chiếm 5%.

Mức lương thế nào?

Theo ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám Đốc phụ trách, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, ngành nghề Logistics và quản lý chuỗi cung ứng vẫn luôn là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực và thu nhập cao. Phần lớn những người làm nghề này được thống kê có mức lương bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng.

“Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngành Logistics sẽ tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động chưa đáp ứng được nhu cầu” - ông Vân nhận định.

Với điểm chuẩn đầu vào, mức lương và cơ hội nghề nghiệp cao, quá trình đào tạo kéo dài, thí sinh cần cân nhắc giữa đam mê và năng lực trước khi đặt bút đăng ký vào ngành Logistics.

10 đại học có điểm chuẩn ngành Logistics cao nhất

10 đại học có điểm chuẩn ngành Logistics cao nhất

Đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP HCM và Bách khoa TP HCM có điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất, trên 27.

Theo Báo Lao động