Đây là một trong những điểm mới có trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 vừa được Bộ GD&ĐT công bố sáng 14/4.
Cụ thể, mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến giữ nguyên mức điểm ưu tiên khu vực. Cụ thể, mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên (khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm).
Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) năm nay. Với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước đó khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực. Đây là điểm thu hẹp hơn so với quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021.
Về điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, Bộ vẫn giữ mức điểm cộng từ 1 đến 2, tùy đối tượng, và không phụ thuộc vào năm thí sinh tốt nghiệp như đối với điểm ưu tiên khu vực.
Các mức điểm ưu tiên được quy định tương ứng với tổng điểm ba môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số). Trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chung cho công tác xét tuyển đợt 1 để các cơ sở đào tạo phối hợp triển khai các quy trình: Đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tổ chức xét tuyển tại các trường theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT; xử lý nguyện vọng trên hệ thống (theo chu trình lặp kết hợp với quy trình xét tuyển tại cơ sở đào tạo); xác nhận nhập học trên hệ thống và nhập học tại trường.
Nếu xét tuyển lại, thí sinh sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực
Bộ đề nghị các trường căn cứ kế hoạch chung, xây dựng kế hoạch xét tuyển thẳng, kế hoạch xét tuyển sớm với một số phương thức tuyển sinh riêng và kế hoạch xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có).
Bộ sẽ hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các trường. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ.
Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (gồm cả thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của các trường) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của bộ hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của bộ.
Dự thảo quy chế hiện được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến đến ngày 31/5.
> TOP 10 trường Đại học hàng đầu tại miền Nam
> Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 làm khó cho trường và cả thí sinh
Theo VTV