Việc tìm ra khóa học và ngành nghề yêu thích khi du học là cả một quá trình tìm hiểu kì công. Nếu bạn đang cố gắng quyết định xem mình sẽ học Kinh tế hay Quản trị kinh doanh, đây là bài viết dành cho bạn. Có lẽ sự lựa chọn du học giữa hai ngành học là không dễ dàng. Và cuối cùng, dù đã suy nghĩ kỹ hay nhắm mắt chọn bừa, bạn cũng phải đưa ra quyết định. Tuy vậy, trước khi tiến tới phương án cuối cùng, hãy tự hỏi bản thân một vài câu dưới đây để có cái nhìn tốt hơn về cả hai ngành: Quản trị kinh doanh và Kinh tế học.
Nên du học ngành Quản trị kinh doanh hay Kinh tế học?
1. Tổng thể hay chi tiết?
Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất để tự vấn bản thân là: “Tôi là người muốn nhìn một bức tranh tổng thể hay chú trọng vào từng chi tiết nhỏ?” Nếu muốn một cái nhìn tổng quát, hay nói cách khác, hiểu biết tường tận cách thức hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, bạn không nên chọn quản trị kinh doanh. Ngược lại, nếu thích thú và quan tâm đến việc quản lý một doanh nghiệp, cách làm việc và vận hành của một công ty, quản trị kinh doanh là ngành học bạn nên cân nhắc. Tất nhiên, dù chọn học kinh tế hay kinh doanh, 2 kỹ năng nhìn nhận tổng quát và tập trung vào chi tiết đều cần thiết.
2. Nên học lý thuyết trước hay tích lũy kinh nghiệm trước
Bạn là kiểu người thích áp dụng lý thuyết hay muốn thực hành và rút ra bài học? Những nhà kinh tế thường phải làm việc với vô vàn số liệu để đặt giả thiết nền móng cho các lý thuyết kinh tế. Kết quả họ đưa ra trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ, nhưng không mấy hấp dẫn với những người không quan tâm đến chủ đề đó. Trong khi đó, những người học quản trị kinh doanh sẽ dành phần lớn thời gian cho các công việc mang tính thực tiễn, chẳng hạn như tìm cách giải quyết một vấn đề hóc búa của doanh nghiệp, hoặc cải thiện hoạt động của công ty hiệu quả hơn.
3. Bạn có muốn tự mình đem lại ảnh hưởng
Đôi khi, bạn sẽ nhận thấy rằng các chính sách kinh tế thường được quyết định bởi chính trị gia, những người không chú trọng đến việc liệu mô hình kinh tế có thực sự hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Đây là sự thật đáng buồn và mất lòng khi học kinh tế. Là người nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề hiện nay của nền kinh tế một cách dễ dàng, nhưng sẽ khó khăn để biến những gì bạn biết thành hành động. Trong khi những người tốt nghiệp quản trị kinh doanh có cơ hội mang lại những ảnh hưởng thực thụ, dù chỉ trong phạm vi nhỏ của công ty hay doanh nghiệp mình.
4. Sự kỳ vọng của bạn thực tế đến đâu?
Tại Hoa Kỳ, Quản trị kinh doanh là ngành học được lựa chọn nhiều nhất, chính vì vậy cũng là ngành học cạnh tranh nhất. Rất ít hi vọng một tấm bằng quản trị kinh doanh sẽ giúp bạn lọt vào danh sách của công ty trong bảng xếp hạng Fortune 100 ngay chỉ khi mới tốt nghiệp. Thực tế thì hầu hết các sinh viên quản trị kinh doanh sẽ trải qua 5 đến 9 vị trí khác nhau hay chuyển nghề trước khi tìm được một vị trí thực sự hợp với mình. Tuy vậy tin tốt là dù học kinh tế hay quản trị kinh doanh, bạn có thể kỳ vọng một mức lương khởi điểm cao hơn các ngành khác.
5. Bạn có muốn rèn luyện kỹ năng thực tế?
Vấn đề lớn nhất với người học kinh tế là kiến thức quá rộng lớn cùng nhiều lý thuyết. Ngành học này đem lại ít kỹ năng có thể áp dụng ngay trong công việc hàng ngày. Trong khi đó ngành quản trị kinh doanh cho bạn những kiến thức cần có để áp dụng luôn vào việc vận hành một doanh nghiệp. Tuy vậy, bất cứ ai đã có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp đều nói khuyên rằng việc học tập trên giảng đường không chuẩn bị được nhiều điều giúp bạn điều hành công việc kinh doanh. Bạn sẽ phải học cả trong quá trình làm việc.
Cuối cùng thì, kinh tế học và quản trị kinh doanh thường đưa bạn đến những lựa chọn nghề nghiệp tương đồng. Trong 2 năm đầu, chương trình học không có nhiều khác biệt. Đó chính là khoảng thời gian để bạn cân nhắc và thay đổi lựa chọn. Bạn có thể để lại thắc mắc tại ô bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín để có thêm thông tin.
Du học sinh Việt thích học Quản trị kinh doanhTheo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài, phần lớn học sinh sinh viên Việt Nam khi du học đều chọn học ngành Quản trị kinh doanh. Nếu không tìm hiểu chi tiết về ngành Quản trị kinh doanh, bạn có thể sẽ lãng phí số tiền đầu tư du học to lớn cũng như thời gian quý báu thay vì được học tập và tiếp cận ngay với môi trường xã hội ở các nước tiên tiến bạn theo học. Quản trị kinh doanh là một ngành học khá rộng với các chuyên ngành như quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị chất lượng, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, marketing, quản trị truyền thông... Đây đều là những ngành học được đánh giá là “hot” trong những năm vừa qua khi Việt Nam mới gia nhập WTO, nhu cầu nhân sự thuộc các chuyên ngành này khá lớn. Chính vì vậy, đa số các trường ĐH tại Việt Nam đều đào tạo ngành này dẫn đến tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” nhân lực trên thị trường lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động: “Thực tế là do đào tạo tràn lan ngành quản trị kinh doanh nên giữa cung và cầu lao động không gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp (DN) thật sự rất cần nhân lực các ngành này song do không tìm ra được nhân lực đạt yêu cầu nên mới có tình trạng “tréo ngoe”: SV ra trường không tìm được việc làm trong khi nhiều DN vẫn thiếu”. Cũng chính bởi việc đào tạo ngành quản trị kinh doanh trong nước đã bão hòa; SV ra trường lại khó xin việc nên nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang du học ngành này ở các nước tiên tiến. Ngoài ra, mức lương dành cho lao động được đào tạo ở nước ngoài chuyên ngành quản trị kinh doanh đều ở mức đáng mơ ước; lại được đảm nhiệm các vị trí khá hấp dẫn trong các DN cũng là nguyên nhân khiến nhiều du học sinh Việt Nam quyết định lựa chọn ngành này. |
Video có thể bạn quan tâm: Kỹ năng giao tiếp thông minh:
Khoá học Kỹ năng giao tiếp - GV Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Academy.vn
Nguồn: Topuniversities