Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH 2013 | TƯ VẤN TUYỂN SINH

Cho rằng, quy định học đúng tuyến không đáp ứng nguyện vọng được quyền vào học trường tốt của học sinh (HS) và phụ huynh, không tạo động lực để các trường phấn đấu, nên nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ quy định học đúng tuyến.

Học sinh được quyền chọn trường

Phải khẳng định, học theo đúng tuyến có lợi cho việc đi lại của HS và đưa đón con của phụ huynh. Tuy nhiên, tình trạng "chạy trường" vẫn luôn diễn ra ở mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp. Đề cập đến nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng: "Quan niệm đúng tuyến hiện nay hơi lạc hậu. Người ta thấy ở nơi kia có trường tốt, họ có quyền lựa chọn. Tại sao cứ bắt phân tuyến, phân luồng để họ mất công đi xin, thậm chí mất tiền đi chạy? Theo tôi, để cho HS và gia đình tự chọn trường".

Tán thành với đề nghị này, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích: Trước hết là để tôn trọng quyền tự do của HS và phụ huynh. Và đây sẽ là động lực cho việc học tập của HS và động lực phấn đấu của các trường. "Chúng ta cứ để quy mô học theo vùng như hiện nay thì có những trường không cần cố gắng vì lối suy nghĩ: Dù trường có xấu gì, HS trong vùng cũng phải đến học! Điều này dẫn đến sự lãng phí" - ông Nhĩ nhấn mạnh.

 

chay truong, sai pham, truong diem, truong chuyen, truong cong lap, truong dan lap, hoc phi, kinh te do thi

Còn nhiều tranh cãi

Với ý tưởng bỏ quy định học theo tuyến, nhiều người đề xuất nên thực hiện có lộ trình. Bởi nếu bỏ ngay, ngoài việc dẫn đến tắc nghẽn giao thông, còn xảy ra tình trạng, có trường rất đông người đến học, lại có trường rất vắng. "Chúng ta nên làm thí điểm. Mỗi thành phố chọn một quận, khi thực hiện ổn rồi, sẽ triển khai đại trà" - ông Thạch gợi ý. Ngoài ra, như nhà giáo Nguyễn Kim Hoãn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, khi bỏ quy định này, cũng nên khuyến khích cho những trường được nhiều người tín nhiệm đến học. Chẳng hạn, trường được yêu cầu các khoản đóng góp, học phí cao hơn những trường khác. Như PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh phân tích: Khi trường này có uy tín, tất cả mọi người đều nộp hồ sơ vào đó, nhà trường phải làm thế nào để lựa chọn, để tuyển đủ chỉ tiêu, nên dễ sinh ra tiêu cực. Làm thế nào để kiểm soát tiêu cực thì lại còn nhiều điều phải bàn?

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành công B chia sẻ: Học theo đúng tuyến điều hòa được HS, các trường tên tuổi không bị nhiều áp lực và hạn chế được vấn đề chạy trường chạy lớp. Hiện nay, ở các trường cũng đã được nhận một số % chỉ tiêu trái tuyến. Khi bỏ học theo đúng tuyến, những trường có thương hiệu sẽ có rất nhiều HS đến nộp hồ sơ. Những trường ở khu vực không thuận lợi sẽ không có HS, bài toán này giải quyết thế nào?

Tranh cãi còn nhiều, vì quy định cần gắn liền với thực tế. Thế nên, trong thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là tăng cường chất lượng giáo dục để tạo ra sự đồng đều giữa các trường. Chẳng hạn, ngành giáo dục điều chuyển giáo viên dạy giỏi, cử hiệu trưởng ở những trường tốt đến trường chưa hấp dẫn công tác một nhiệm kỳ để người dân yên tâm về chất lượng giáo dục trên địa bàn".

Chúng ta phải chấp nhận học theo đúng tuyến, nếu không sẽ gây ra sự mất bình đẳng. Các trường dân lập sẽ điều hòa được xu hướng chọn trường tốt của HS và phụ huynh, còn các trường công lập thì nên làm đúng quy luật.

TS Nguyễn Tùng Lâm Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Kinh tế Đô thị