Tin liên quan
>> Những khoản đóng góp phụ huynh không dám từ chối
>> Đủ các kiểu lôi kéo thí sinh nhập học
Sáng 9/9, gần 2.000 sinh viên đến nhập học tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Trong số những người đi cùng con lên nhập học, không hiếm gặp những người bác, chú, cô là nông dân lần đầu tiên đưa con ra Hà Nội.
Không chỉ là nỗi lo xa nhà
Ngồi ở chiếc ghế đá, vẻ mặt có chừng hơi lạ lẫm với quang cảnh trường, chị Lương Thị Thiết, quê ở Điện Biên cảm thấy khá may mắn khi con mình đã có chỗ ăn chỗ ở ổn định ở kí túc xá.
Đứng ngoài cửa trông con đăng ký nhập học
Chị Thiết năm nay đưa con đến nhập học ở lớp truyền hình. Chị tâm sự: “Con đậu đại học, tôi và gia đình mừng lắm, chỉ mong sau này con bé có việc làm, giúp ích cho xã hội. Nhưng đậu rồi cũng trăm khoản phải lo. Ở nông thôn khó kiếm được tiền lắm nhưng may mà ở diện các tỉnh miền núi nên cháu đã có một suất trong kí túc xá. Tiền phòng đã được phần nào, chứ mình tôi khó có thể kham nổi các khoản học hành, chi phí ăn ở của cháu”.
Không được may mắn như chị Thiết, anh Nguyễn Văn Xuân (xã Ngọc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) khá vất vả khi đưa con ra nhập học.
Anh Xuân cho biết, trận lũ vừa rồi nước vẫn chưa rút, cả cánh đồng lúa sắp thu hoạch vẫn đang ngập trắng, đưa con ra Hà Nội mà vẫn lo cho công việc đồng áng ở nhà.
Lúc đưa con đi bằng ô tô khách, nước vẫn ngập tới nửa bánh xe, trầy trật mãi mới qua được đoạn đường nguy hiểm. Vì lo cho con nhập học muộn, anh đành tạm gác lại bao nhiêu công việc ở nhà để ra thành phố. Gia đình anh khá khó khăn, đang phải nuôi một mẹ già và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Người vợ thỉnh thoảng bị khối u ở cổ vừa mổ tái phát nên phải thuốc thang thường xuyên, cả nhà chỉ có mình anh là trụ cột lao động.
Ngoài việc làm nông, anh thường làm thêm nghề phụ hồ để có tiền nuôi con ăn học. Anh Xuân cho biết:
“Hiện giờ, tôi đang nuôi hai người con ăn học, một cháu năm nay lên lớp 10 đầu cấp nhiều khoản phải đóng, chưa kể cháu đầu năm nay đỗ đại học, cũng phải lo các khoản phòng trọ, chi phí đóng đầu năm và tiền tiêu hàng tháng cho cháu. Ở quê, cách tiêu pha khác với ở thành phố nên tôi cũng đang lo cho kinh tế của gia đình để đáp ứng nuôi cháu ăn học. Đời tôi đã nghèo rồi nên muốn con có được cuộc sống tốt hơn.
Tương tự như anh Xuân, anh Nguyễn Văn Lâm (quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng có hoàn cảnh khá eo hẹp.
Anh đưa con ra Hà Nội để nhập học trên chuyến xe từ 10h đêm đến 5h sáng. Đến trường để làm thủ tục nhập học cho con đã là 6h. Hiện anh và con vẫn chưa tìm được chỗ trọ. Khi được hỏi trưa anh và cháu sẽ nghỉ ở đâu thì anh chỉ bảo “gặp đâu nghỉ đấy đã rồi chiều hai bố con mới bắt đầu đi tìm phòng trọ”.
Vừa cầm điếu thuốc trên tay, anh vừa kể về nỗi lo:
“Con đậu vào đại học, mừng thì thật nhưng cũng không biết bốn năm sau sẽ như thế nào; không biết cháu nó có kiếm được việc làm không. Với lại, kinh tế gia đình cũng khá eo hẹp, cả nhà cũng chỉ chờ đợi vào dăm bảy sào lúa. Mỗi năm, cũng chỉ được gần chục tạ thóc, chưa kể chi phí đã mất tới một nửa. Tính ra, bây giờ 4 tạ lúa cũng chỉ bán được 2 triệu, không biết gia đình có kiểm đủ tiền để hàng tháng gửi tiền lo cho con tiền phòng, tiền ăn học”.
Không chỉ lo các khoản chi tiêu cho con, nhiều phụ huynh còn lo cuộc sống của con chốn phồn hoa.
Cô Đặng Thị Kim Dung (quê ở Lương Sơn, Hòa Bình) cũng đưa con gái ra nhập học trong tâm trạng vừa mừng vừa lo.
Cô chia sẻ: “ May mà cháu ra ngoài này có người thân nên có thể ở nhờ chứ không gia đình cũng lo lắm. Là con gái, sống với bố mẹ đã quen rồi nên nếu cho em ra ở riêng một mình cô rất sợ. Lo cháu là con gái sống ở môi trường chưa quen và cũng có nhiều tệ nạn, dễ bị người xấu lừa. Mong cháu có thể an tâm để học được theo bạn bè”.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (Vietnamnet)