Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, nguyện vọng 2, thông tin tuyển sinh
Sáng 6/9, TP Hà Nội tổ chức lễ giao quân lần thứ 2 năm 2013. Trời mưa tầm tã song người thân của chiến sĩ mới vẫn đến chật kín Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam để dự lễ. Trong số hàng chục công dân được gọi nhập ngũ của phường Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng), Thành Ngọc Anh là chiến sĩ đặc biệt nhất.
Gương mặt hiền lành, tuấn tú, cậu thanh niên 18 tuổi cho biết đã nhận được giấy báo nhập học của hai trường đại học Công đoàn và Kinh doanh Công nghệ. Thế nhưng cùng lúc đó cậu cũng nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Không hề buồn hay lo lắng, bởi Ngọc Anh hiểu rõ thông tư 13 của liên bộ Quốc phòng và Giáo dục đào tạo, phải ưu tiên cho nhiệm vụ quân đội.
Đến trường bảo lưu kết quả, Ngọc Anh chuẩn bị đồ đạc và tâm lý để vào môi trường quân đội. Có bố mẹ là quân nhân, Ngọc Anh hiểu rõ nhiệm vụ cao cả mà người lính gánh trên vai. Chàng trai trẻ cũng quen với kỷ luật giờ giấc, công việc được bố mẹ dạy dỗ.
Tân binh trong ngày nhập ngũ. Ảnh: ML.
"Mẹ tâm sự, dặn dò em rất nhiều trước lúc lên đường. Mẹ nói phải giữ gìn sức khỏe và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Em cũng nghĩ rằng, thanh niên bây giờ phải học nhiều thứ, không chỉ ở giảng đường. Quân đội sẽ cho em nhiều kiến thức mà nếu chỉ nghe nói hay nhìn thấy em sẽ không tiếp thu được. Em chắc chắn sẽ bản lĩnh và trưởng thành khi trở về nhập học", Ngọc Anh tự tin nói.
Trong số các chiến sĩ mới ở phường Lê Đại Hành, Vũ Phi Long cũng là một chiến sĩ đặc biệt. Đang học đại học năm thứ 2, Long xin bảo lưu kết quả và viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cậu tâm sự, sau một năm học ngành Công nghệ Thông tin, cảm thấy đam mê không còn nhiều. Nghĩ rằng cần cho bản thân một thời gian để định hình lại ước mơ và rèn luyện, Long quyết định chọn môi trường quân đội.
"Gia đình bên ngoại của em đều là quân nhân, từ ông ngoại, mẹ đến cậu. Em rất thích màu xanh áo lính và muốn trải nghiệm cuộc sống bộ đội. Em sẽ học hỏi được rất nhiều, và thời gian rèn luyện sẽ giúp em chín chắn hơn, hiểu rõ được đam mê của mình", Long nói và cho hay, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nếu Công nghệ Thông tin vẫn còn hấp dẫn thì sẽ quay trở lại trường học tiếp.
Rất nhiều chiến sĩ tòng quân hôm nay cũng viết đơn tự nguyện lên đường nhập ngũ. Bịn rịn bên vợ con, ông bố trẻ Nguyễn Quốc Anh (sinh năm 1990) muốn trưởng thành hơn, đủ sức chăm lo, gánh vác gia đình đã xin vào bộ đội. Vốn là "công tử", được nuông chiều nên quyết định của Quốc Anh không khỏi làm bố mẹ lo lắng.
Mẹ cậu hỏi lại và dọa "nếu con vào bộ đội mà không chịu được, bỏ về nhà thì sẽ bị phạt nặng đấy", Quốc Anh vẫn khẳng định quyết tâm "muốn thay đổi mình, được làm việc, rèn luyện và va vấp". Đến lúc này cả gia đình mới thực sự yên tâm và động viên, chuẩn bị cho ngày lên đường của Quốc Anh.
Ôm đứa con 9 tháng tuổi, chị Dương Kim Dung (vợ Quốc Anh) cho biết khi nghe chồng nói về việc tình nguyện nhập ngũ, chị cũng lo lắng về việc thân gái một mình nuôi con. Thế nhưng được chồng chia sẻ tâm nguyện, hai bên nội ngoại ủng hộ, chăm lo, chị cũng xuôi lòng.
"Tôi mong chồng sẽ góp sức lực để xây dựng quân đội, hoàn thành nghĩa vụ của người công dân với đất nước. Mặt khác, quân đội cũng là nơi kỷ luật nghiêm minh, sẽ giúp chồng tôi rèn luyện được giao tiếp, sức khỏe, cách sống, cách làm việc..., từ đó trưởng thành và hiểu biết hơn", chị Dung tâm sự.
Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, trưởng phòng quân lực, Bộ tư lệnh thủ đô cho biết, việc tuyển quân năm nay có nhiều nét mới, đó là dù đỗ đại học nhưng có lệnh gọi nhập ngũ thì công dân phải chấp hành quân lệnh, không thực hiện bù đổi quân nếu có công dân không đủ tiêu chuẩn bị đơn vị loại trả. Việc tuyển quân cũng ưu tiên những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để phục vụ xây dựng cho quân đội.
Quá trình tuyển quân phải đảm bảo 6 công khai. Đó là công khai danh sách những người trong độ tuổi gọi nhập ngũ, người thuộc diện miễn, tạm hoãn, danh sách được điều động đi khám sức khỏe, trúng tuyển, danh sách được gọi, trốn tránh. Chiến sĩ mới sau khi huấn luyện sẽ được chuyển về các đơn vị như Lữ đoàn Công binh 299 (quân đoàn 1), Binh chủng hóa học và Tổng cục hậu cần...
Đại tá Toàn nhận định, chất lượng quân năm nay khá cao với 287 chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng (chiếm 12%, tăng 207 người so với năm trước). Số quân tốt nghiệp THPT là hơn 1.600 (đạt trên 68%). Chiến sĩ là đảng viên có 8 người, cán bộ công chức 24 người, tình nguyện 713, dân tộc ít người 16.
Theo trưởng phòng quân lực, việc gọi những công dân tốt nghiệp lớp 12 và có trình độ cao hơn nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh bởi chất lượng đầu vào cao, chiến sĩ sẽ nhanh chóng tiếp cận và làm chủ được vũ khí công nghệ hiện đại. "Đi học hay nhập ngũ đều là cống hiến cho đất nước. Môi trường quân đội sẽ dạy công dân rất nhiều, giúp họ hoàn thiện và trưởng thành hơn", ông Toàn nói.
Theo Hoàng Thùy, Vnexpress