Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện tại Bộ đang gấp rút soạn thảo văn bản để thực hiện việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường. Trong năm 2014 dự kiến sẽ có một số trường thực hiện việc tuyển sinh riêng.

Cách thi mới tập trung đáng giá năng lực

Thưa Thứ trưởng, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 sẽ có thay đổi nào đáng lưu ý?

- Trong năm 2014 dự kiến sẽ có một số trường thực hiện việc tuyển sinh riêng.

Đối với các trường chưa tuyển sinh riêng thì tham gia kỳ thi tuyển sinh chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tuyển sinh riêng thì phụ thuộc đề án cụ thể của từng trường như qui định môn thi, phương thức thi, điều kiện trúng tuyển...

Tuyển sinh 2014: Nhiều trường tuyển sinh riêng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Kỳ thi tuyển sinh chung do Bộ tổ chức sẽ không có thay đổi gì lớn so với năm ngoái.

Theo lộ trình đã công bố, kỳ thi tuyển sinh chung do Bộ tổ chức sẽ được duy trì đến 2015. Đây là giai đoạn quá độ trước khi các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh hoàn toàn theo qui định của Luật Giáo dục Đại học.

Mới đây, tại buổi trực tuyến với báo VietNamNet - Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định trận đánh lớn của ngành sẽ tập trung vào thi cử - đây sẽ là giải pháp trong chiến dịch đổi mới giáo dục. Thứ trưởng có thể cho biết "trận đánh" đó tập trung vào những vấn đề gì?

Bản thân kỳ thi không làm thay đổi được chất lượng vốn có của học sinh nhưng nó định hướng cách dạy, cách học và từ đó làm thay đổi chất lượng. Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đã nêu rõ mục tiêu giảng dạy sẽ thay đổi từ việc cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực của mỗi học sinh.

Vì vậy cách thi mới sẽ tập trung vào việc đánh giá năng lực học sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Năng lực, sở thích của mỗi người mỗi khác vì vậy khi đánh giá đúng năng lực thì mới có thể chọn lựa đúng được thí sinh theo yêu cầu của các ngành nghề đa dạng.

Sử dụng kết quả của một kỳ thi kiểm tra kiến thức chung để lựa chọn thí sinh cho tất cả các ngành nghề về lâu dài không còn phù hợp. Sự thay đổi về thi cử sẽ là khâu quan trọng trong tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo sắp tới.

Thứ trưởng đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng, kỳ thi ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức thực tế chỉ là cuộc thi phổ thông nâng cao, kiểm tra học sinh nắm bắt được kiến thức phổ thông đến mức nào. Còn mục tiêu kỳ thi ĐH là đánh giá xem thí sinh có phù hợp với nghề nghiệp dự kiến các em sau này ra trường đi làm hay không?

Thực tế hiện nay tuy hai kỳ thi tuy mục đích khác nhau nhưng nội dung thi không khác nhau nhiều.

Cả hai kỳ thi đều đánh giá thí sinh thông qua kiến thức tích lũy được ở bậc phổ thông. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi để tuyển chọn người có năng lực phù hợp vào học từng ngành nghề có yêu cầu riêng. Vì vậy nội dung và cách thức thi ĐH, CĐ cần phải có sự khác biệt so với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Nay với đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, chúng ta sẽ có sự thay đổi đồng bộ từ cách học, cách thi, cách đánh giá. Cách thi tốt nghiệp phổ thông và cách thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng sẽ khác nhau để đáp ứng mục tiêu của chúng.

Sẽ giao tự chủ tuyển sinh cho các trường

Hướng đổi mới giao tự chủ tuyển sinh cho các trường, khuyến khích các trường có phương án tuyển sinh riêng sẽ bắt đầu từ năm nào, thưa Thư trưởng?

- Cách đây 3 năm, Bộ đã đề xuất các trường trọng điểm nghiên cứu xây dựng đề án tuyển sinh riêng để áp dụng cho trường mình và có thể nhân rộng trong toàn hệ thống. Tuy nhiên cho đến nay chưa có trường nào trong số các trường này đề xuất phương án cụ thể.

Nay Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực thi hành các trường cần có lộ trình thực hiện tuyển sinh riêng cho trường mình. Các trường cần tính toán, lựa chọn một phương án tuyển sinh phù hợp để tuyển chọn được những thí sinh có năng lực thỏa mãn yêu cầu của từng ngành nghề.

Điều này đòi hỏi sự năng động, sự nhạy bén và tinh thần trách nhiệm cao của tập thể lãnh đạo của các nhà trường.

- Hiện đã có gần 20 trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng gửi Bộ GD-ĐT xem xét. Trong số này có bao nhiêu đề án khả thi? Những điều kiện ràng buộc đối với các trường thực hiện tuyển sinh riêng để đảm bảo chất lượng là gì, thưa Thứ trưởng?

Hiện tại Bộ đang gấp rút soạn thảo văn bản để thực hiện việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường.

Dự kiến trong văn bản sẽ đưa ra các tiêu chí cần thỏa mãn của đề án tuyển sinh riêng, chẳng hạn qui định về đội ngũ, kinh nghiệm của những người ra đề thi theo phương án tuyển sinh mà trường đề xuất; qui định những điều không được vi phạm, chẳng hạn như không được để xảy ra luyện thi tràn lan gây bức xúc như trong quá khứ...

Những đề án nào thỏa mãn các điều kiện yêu cầu thì thực hiện ngay trong năm 2014. Các đề án tuyển sinh riêng là cam kết của nhà trường. Do đó trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ dựa vào đó để thanh, kiểm tra.

ĐHQG Hà Nội vừa dự kiến phương án tuyển sinh năm 2014 hướng đến đánh giá theo năng lực thay vì kiến thức. Thứ trưởng đánh giá thế nào về phương án đổi mới thi ĐHQG Hà Nội đưa ra?

- Hiện nay Bộ chưa nhận được đề án tuyển sinh riêng của ĐHQG Hà Nội. Tất cả các phương án tuyển sinh tốt đều được hoan nghênh.

Bộ cũng rất mong các ĐHQG, ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, những cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ sớm đề xuất phương án tuyển sinh riêng, làm đầu tàu cho đổi mới tuyển sinh trong cả nước.

***Thí điểm tuyển sinh theo phương pháp đánh giá năng lực

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Kiều Oanh, VNN