“Suốt 4 tháng nay, trường đăng thông báo tuyển dụng giáo viên (GV) làm công tác hướng nghiệp nhưng đến giờ vẫn không tuyển được người đạt yêu cầu” - bà Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, cho biết tại Hội thảo Hướng nghiệp năm 2015 do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 21-12. Hơn 150 GV các trường THPT; giảng viên ĐH, CĐ; các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh giàu kinh nghiệm... đã tham gia trao đổi tại hội thảo.
Hướng nghiệp kiểu manh mún
Bà Kim Anh cho rằng đối với trường ngoài công lập, vấn đề thời gian hay kinh phí không phải là khó để tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, cái khó là phải có đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản. “Phải đào tạo đội ngũ GV làm công tác hướng nghiệp và có chương trình học về môn này trong trường THPT. Nếu không, việc hướng nghiệp cứ manh mún, đắp đổi” - bà Kim Anh nhìn nhận.
Ông Lê Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng hướng nghiệp phải thực tế hơn. Ví dụ, cần dành một ngày để học sinh được tham quan, trải nghiệm những ngành nghề mình yêu thích. “Nên có chính sách quốc gia để bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, giúp đỡ các em hướng nghiệp” - ông Tùng đề xuất.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết ông đã ngồi nghe một tiết giáo dục hướng nghiệp của GV nhưng nghe xong rồi thì “sợ luôn” dù GV này trình bày rất nhiệt tình. Theo ông Hiếu, giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn do không có giáo trình, không có GV được đào tạo bài bản; tiết chính thức dành cho hướng nghiệp không có, nhiều trường phải lấy giờ chào cờ để tận dụng làm tiết hướng nghiệp.
“Một khó khăn nữa là phương tiện, tài liệu về hướng nghiệp chưa có, muốn đưa học sinh đi tham quan trải nghiệm cũng không phải dễ do điều kiện từng trường và cũng không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng hỗ trợ. Chính vì những mơ hồ trong hướng nghiệp như thế nên tại sao không tập huấn hướng nghiệp như là những đợt tập huấn về chuyên môn?” - thầy Hiếu đặt vấn đề.
Tại hội thảo, ông Lương Quốc Khanh, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở GD-ĐT TP HCM, đưa ra số liệu phản ánh thực trạng của công tác hướng nghiệp tại TP. Theo đó, chỉ 20% học sinh có hiểu biết đầy đủ, 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 75% học sinh thiếu hiểu biết về ngành chọn học.
Cần kết nối “3 bên”
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, phải làm tốt công tác hướng nghiệp. Phải định hướng sự chú ý, kích thích sự hứng thú của học sinh vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển; giúp học sinh, sinh viên tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực, phù hợp.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông - Tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết có 3 loại thông tin cơ bản khi chọn nghề, gồm: thông tin về thị trường lao động nơi mình sẽ tham gia làm với nghề sau này; thông tin liên quan đến nghề mà bản thân lựa chọn; thông tin về đặc điểm tâm lý của bản thân.
Ông Bình cũng đưa ra mô hình kết nối “3 bên” giữa trường THPT - chuyên gia tư vấn của các trường ĐH - doanh nghiệp. Theo mô hình này, trường phổ thông và trường ĐH tổ chức, doanh nghiệp tham gia hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Ngoài ra, học sinh phải được trải nghiệm thực tế ở nhiều ngành, nghề để tìm ra ngành phù hợp bởi hướng nghiệp trên lý thuyết sẽ không bao giờ có hiệu quả.
Giới thiệu công cụ trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp của John Holland đến các GV, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, khẳng định học sinh trước tiên phải chọn được nghề phù hợp, sau đó mới chọn ngành, chọn trường cũng như bậc đào tạo.
Cũng tại hội thảo, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty CSC - doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có 90.000 nhân sự trên toàn cầu, cho rằng công tác hướng nghiệp cần phải làm thật sớm để học sinh được bồi dưỡng đầy đủ. Nếu chờ lên THPT mới làm công tác hướng nghiệp thì đã muộn.
Ông Lưu Đức Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở GD-ĐT TP HCM:
Cần coi trọng hướng nghiệp và phân luồng học sinh
Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận quan trọng trong GD-ĐT, giúp học sinh phổ thông tiếp tục vào con đường giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cho xã hội, phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập đất nước nói chung, TP HCM nói riêng. Do đó, cần coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học, chuẩn bị cho thanh, thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch của nền kinh tế cả nước và địa phương. Công tác hướng nghiệp tốt sẽ giúp học sinh có hứng thú và động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có lý tưởng nghề nghiệp trong sáng, góp phần ổn định xã hội.
Bà Lê Thị Hồng Quế, giáo viên Trường THPT Thủ Đức: Mang đến nhiều thông tin bổ ích: Chương trình giúp tôi tìm thấy những số liệu tin cậy, chính xác được các chuyên gia cập nhật, như: dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề, nét chính của kỳ thi, phương tiện trắc nghiệm ngành nghề mà GV chúng tôi tìm mãi không ra. Hệ thống các bài tham luận đầy đủ, súc tích, bổ ích cho GV. Qua chương trình, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều và tìm thấy nhiều phương tiện, biện pháp để triển khai hướng nghiệp trong nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi: Giúp giáo viên bổ sung kiến thức: Dù làm công tác hướng nghiệp lâu năm nhưng tôi vẫn muốn tham gia chương trình để cập nhật thêm kiến thức. Điều tôi trăn trở lâu nay là hướng nghiệp chú trọng đến tuyển sinh nhiều hơn nhưng GV chúng tôi cần biết là học sinh của mình có quan tâm đúng với ngành nghề hay không? Trong thực tế, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi hướng dẫn các em xác định khối thi, trong khối đó có thể có bao nhiêu ngành nghề, sau đó chọn lọc ngành và chọn trường là bước cuối cùng.
Để hướng nghiệp hiệu quả, trước hết GV làm công tác hướng nghiệp phải chuyên nghiệp, đưa hướng nghiệp trở thành môn chính thống; sách vở cũng phải chuyên nghiệp, bài bản chứ không phải kiểu lâu lâu có một bài thì chỉ như muối bỏ bể.
Nhiều lo lắng về một kỳ thi
Tập trung chủ yếu về hướng nghiệp song nhiều GV đến từ các trường THPT cũng không khỏi lo lắng trước những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Những lo lắng này đã được TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, chia sẻ.
TS Nghĩa cho biết ngay bản thân ông cũng không theo kịp những thông tin về kỳ thi 2015, huống gì là học sinh. Mọi thông tin về kỳ thi 2015 đến giờ vẫn chưa chính thức. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức theo cụm, hiện có 34 cụm (quy mô khoảng 20.000-30.000 thí sinh/cụm); các cụm thi do các trường ĐH chủ trì tổ chức, Sở GD-ĐT phối hợp, chỉ có các địa phương khó khăn mới có cụm thi của địa phương.
TS Nghĩa lưu ý những điểm khác biệt mà thí sinh và GV cần chú ý: Trước mắt, không đặt vấn đề thi vào trường nào mà chỉ đăng ký thi môn thi nào, cụm thi nào, mục đích dự thi. Thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây.
Cấu trúc đề thi về cơ bản không khác so với đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn để được xét tốt nghiệp nhưng xu hướng sẽ chọn từ 5 môn trở lên sẽ là phổ biến, thậm chí dự đoán học sinh càng giỏi sẽ đăng ký dự thi càng nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Theo báo Người Lao Động, tin gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mo-ho-ve-huong-nghiep-20141221224341278.htm