>> Giáo dục, tuyển sinh, nguyện vọng bổ sung, điểm chuẩn đại học

Với mặt bằng điểm thi ĐH-CĐ tăng, năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường tăng khá cao, nhất là những trường thuộc tốp trên, trường trọng điểm.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc nâng cao mức điểm chuẩn sẽ là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đầu vào; đồng thời cũng tạo nguồn tuyển dồi dào cho các trường tốp dưới, trường ngoài công lập.

Khối kỹ thuật - xã hội: Nước lên thuyền lên

Đáng chú ý trong mùa tuyển sinh 2013 là sự “trở lại” bất ngờ của khối ngành kỹ thuật. Do có lượng thí sinh dự thi đông, kèm theo điểm thi tăng cho phép các trường đào tạo ngành này có điều kiện lựa chọn nguồn tuyển chất lượng. Thế nên, mức điểm chuẩn khối ngành này của nhiều trường đều tăng cao. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mức điểm chuẩn khối ngành này tăng đáng kể, từ 3 - 5 điểm so với năm 2012. Ở nguyện vọng (NV) bổ sung, một số khối ngành kỹ thuật như: Kỹ thuật hệ thống công nghiệp; kỹ thuật vật liệu xây dựng… có điểm xét tuyển cao hơn từ 2 - 3,5 điểm so với điểm trúng tuyển NV1.

Tương tự, tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đại diện nhà trường cũng cho biết mức tăng tối đa có ngành lên đến 5 điểm. Cụ thể: Ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa năm 2012 chỉ lấy 15,5 điểm thì năm nay tăng lên tới 20,5 điểm; ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử năm 2012 là 15,5 điểm thì năm nay lên tới 20 điểm; một số ngành như công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật nhiệt tăng từ 14 lên 17 điểm…

Ngoài khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn của khối xã hội - nhân văn năm nay cũng tăng đáng kể. Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), ngoài những ngành khá đặc thù như: Giáo dục học, lưu trữ học, thông tin học… điểm chuẩn được giữ nguyên là 15 điểm; các ngành khác đều tăng: Văn học, ngôn ngữ học tăng 3,5 điểm; xã hội học tăng 4 điểm… Tương tự, tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (ĐHQG Hà Nội), điểm chuẩn các ngành đều tăng từ 0,5 - 2 điểm so với năm 2012.

Tuy điểm chuẩn đều tăng nhưng ở góc độ kinh nghiệm tuyển sinh của mình, nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ: “Sau niềm vui vì chất lượng đầu vào năm nay tăng, chúng tôi cũng không khỏi lo lắng bởi năm tới, sẽ có bộ phận thí sinh có thể sẽ “ngại” đăng ký vào trường do so sánh điểm chuẩn năm nay quá cao”. Đồng quan điểm, ông Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định: “Điểm chuẩn tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh trong năm tới”.

Ngoài ra, theo ghi nhận của NTNN, mặt bằng chung của các trường thuộc top giữa trở lên năm nay đều có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm; có trường tăng tới 7 điểm.

Cơ hội để nâng cao chất lượng đầu vào?

Nếu như mặt bằng điểm thi tăng cao không tác động nhiều tới các trường thuộc “top” trên thì với các trường ĐH ngoài công lập, ĐH top dưới đã định sẵn mức điểm chuẩn vừa phải, thậm chí mức điểm xét tuyển các nguyện vọng chỉ bằng điểm sàn của Bộ GDĐT. Tại các trường ĐH ngoài công lập như: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Tân Tạo… mức điểm xét tuyển đều bằng điểm sàn. Đại diện Trường ĐH Văn Hiến cho biết: “Tuy đưa ra điểm chuẩn bằng điểm sàn nhưng chúng tôi vẫn hy vọng ở NV2 sẽ thu hút được nhiều thí sinh điểm cao, giúp tăng chất lượng nguồn tuyển”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng hy vọng: “Chúng tôi xét tuyển nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn, tuy vậy, với mặt bằng điểm thi năm nay khá cao nên trường cũng hy vọng sẽ xét được nhiều TS có chất lượng theo nguyên tắc từ cao xuống thấp”. Trong khi đó, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM thì đang tính toán lên phương án công bố rất nhiều đợt xét tuyển để lựa chọn những thí sinh có chất lượng. Tuy vậy, một đại diện nhà trường vẫn thừa nhận: “Trường sẽ thông báo trúng tuyển ngay nếu đủ điều kiện”.

Một điểm khá “phù hợp quy luật” là năm nay khối ngành kinh tế- ngân hàng điểm chuẩn thấp thảm hại. Chẳng hạn, tại ĐH Ngân hàng TP.HCM, điểm chuẩn giảm 3-4 điểm so với năm 2012. Thí sinh đạt 17 điểm đã đỗ vào các ngành từng là ngành “hot” như tài chính- ngân hàng, ngôn ngữ Anh.
Ở khối ngành nông, lâm nghiệp, mức điểm chuẩn không mấy thay đổi, thí sinh đạt 16 - 17 điểm là đỗ. Riêng ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, điểm chuẩn lên tới 21 điểm.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của NTNN, nhiều trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập dự kiến sẽ "tận dụng" tối đa cơ hội tuyển sinh, thậm chí chấp nhận cả hồ sơ ảo bằng cách xét tuyển trực tiếp trên trang website của mình. Với cách làm này, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Cường -chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM: “Có thể sẽ tạo nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Tuy vậy, việc xét tuyển qua website là hoàn toàn không đúng quy chế, thậm chí TS phải đến trực tiếp nộp bản chính tại trường xét tuyển (không chấp nhận bản photocopy), vì vậy TS nên nắm rõ các quy chế này để khỏi đánh mất cơ hội vào giảng đường ĐH”.

Theo Quốc Hải - Báo Dân Việt