Có thể chưa áp dụng luật Nghĩa vụ quân sự mới trong năm 2015
Dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ GD-ĐT. Theo thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, dự luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội (QH) thông qua vào năm 2015. Như vậy, nhiều khả năng trong kỳ tuyển sinh 2015, luật này vẫn chưa có hiệu lực thi hành, do đó việc gọi công dân nhập ngũ vẫn áp dụng luật và các nghị định, thông tư hiện hành.
2 phương án về độ tuổi nhập ngũ: Nếu luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi được thông qua, quy định xét tạm hoãn gọi nhập ngũ có điểm gì mới so với quy định hiện hành cả đối tượng và độ tuổi, thời gian tại ngũ?
Về xét tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, đối với học sinh và sinh viên, dự luật quy định: “Đang học tại trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình ĐH thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân” mới được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Về thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ, theo dự luật, là 24 tháng. Như vậy so với luật hiện hành, thời gian phục vụ tại ngũ sẽ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, hiện có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1, từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; phương án 2 từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. QH thông qua phương án nào thì thực hiện theo phương án đó.
Trong dự luật có một điểm gây nhiều tranh cãi là sinh viên trúng tuyển vào các trường ĐH hệ chính quy tập trung mới được xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Điều này có nghĩa, sinh viên trúng tuyển vào trung cấp, CĐ, ĐH không chính quy sẽ không thuộc đối tượng trên. Vậy khả năng quy định này có được điều chỉnh khi luật được ban hành không?
Có điều chỉnh hay không điều chỉnh tôi nghĩ rằng không quan trọng, bởi vì nếu không đi trước thì sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn phải nhập ngũ. Đối tượng học hệ không chính quy tập trung bậc ĐH, sinh viên CĐ, học sinh trung cấp nếu được gọi nhập ngũ cũng đã đủ chỉ tiêu quân số nhập ngũ hằng năm rồi. Để ổn định khối này, tôi cho rằng nên có một lượng sinh viên ĐH chính quy sau khi tốt nghiệp vào quân ngũ để đảm bảo cả chiều rộng và chiều sâu, chất lượng và trình độ quân nhân tại ngũ trong quân đội sẽ được tăng lên.
Chỉ tạm hoãn khi đã làm xong thủ tục nhập học: Theo quy định hiện nay, khi công dân trúng tuyển mới chỉ nhận được giấy báo nhập học mà chưa làm xong thủ tục nhập học sẽ phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trước. Quy định này trong dự luật sửa đổi có gì mới?
Khi luật được QH thông qua và ban hành, các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành luật. Tôi nghĩ vấn đề này cơ bản vẫn giữ như thông tư hiện hành. Khi công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, còn khi đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tại trường mới được tạm hoãn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp đã nhập học rồi vẫn xin bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Các đối tượng trúng tuyển ĐH, CĐ nhưng không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ, việc bảo lưu kết quả học tập và thủ tục cụ thể theo luật mới sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng về điểm này không có gì thay đổi so với luật và nghị định, thông tư hướng dẫn cũ. Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 22.1.2013 của liên bộ Quốc phòng - Bộ GD-ĐT quy định: “Công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ”.
Không cho cơ hội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với nhiều điểm mới đáng lưu ý nhằm nâng cao chất lượng quân đội nhân dân, đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) của công dân.
Thời hạn phục vụ tại ngũ là 24 tháng: Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng. Vì vậy, dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Qua thảo luận, đa số Thành viên Ủy ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng. Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý để nâng cao chất lượng xây dựng quân đội cần phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp đổi mới công tác tuyển quân; đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, hiện đại hóa trang thiết bị huấn luyện, khắc phục những hạn chế trong việc đào tạo, biên chế, sử dụng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở những vị trí then chốt cần chuyên môn kỹ thuật cao và các đơn vị làm nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.
Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, hạn chế tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự án Luật nghĩa vụ quân sự 2015 bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, một số ý kiến của UBQPAN đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như hiện hành vì những vướng mắc vừa qua trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện.
Chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ cho học sinh, sinh viên chính qui
Để khắc phục những “kẽ hở” trong chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ đang bị lợi dụng để trốn tránh thực hiện NVQS, dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”. Đồng thời, để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Tuy đa số ý kiến UBQPAN nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhưng vẫn đề nghị rà soát để phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Cũng theo Tờ trình, một số chế độ, chính sách về thực hiện NVQS theo quy định của Luật hiện hành không còn phù hợp, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nên dự án Luật bổ sung quy định về trợ cấp học nghề; ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
Nguồn bài viết:
Báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/co-the-chua-ap-dung-luat-nghia-vu-quan-su-moi-525073.html
Bộ tư pháp: http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=5605