Tuyển sinh 2015: Lo ngại điểm số không công bằng ở các cụm

Theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội (QH) và cử tri, cùng ý kiến các chuyên gia giáo dục, phương án kỳ thi quốc gia còn một số điều cần làm rõ.
Ngày mai, 23/9/2014, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UBVH, GD TTN) của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình của Bộ GD&ĐT về việc đổi mới GD&ĐT, trong đó có việc đổi mới các kỳ thi. Nhân dịp này, Tiền Phong đã trao đổi cùng ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVH,GD TTN của QH xung quanh vấn đề nêu trên.

Xin ông cho biết một số ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?

Khi Bộ GD&ĐT mới có chủ trương và chưa chốt phương án cụ thể, cử tri và đại biểu QH bức xúc nhiều vấn đề, nhất là ý kiến cho rằng bài thi kiểm tra năng lực sẽ là quá mới đối với học sinh và vấn đề sẽ được giải quyết thế nào cho hợp lý.

Khi Bộ GD&ĐT đã chốt phương án thì dư luận lại thấy rằng về cơ bản cũng na ná như các kỳ thi trước đây, không có gì là đổi mới; có khác chăng chỉ là ở chỗ Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc.

Nhưng theo tôi, do mọi người chưa nhìn ra vấn đề vì tưởng rằng đổi mới là chỉ có đề thi mà thôi. Khi các chuyên gia lên tiếng rằng phương án mà Bộ GD&ĐT tung ra có những sơ hở, rất có thể tạo ra những lỗ hổng, dẫn đến sự bất cập, tạo ra khó khăn…, rất nhiều cử tri và đại biểu QH bắt đầu có nhiều ý kiến. Đại biểu băn khoăn nhiều về môn thi.

Ví dụ, môn Ngoại ngữ được quy định là môn thi bắt buộc nhưng những điều kiện của nó thì chả khác gì tự chọn- bắt buộc nhưng cho phép nơi này, nơi kia thi môn thay thế. Ý kiến thứ hai tập trung vào 2 loại cụm thi, tạm gọi là cụm đại học (ĐH) và cụm địa phương (ĐP) với độ tin cậy khác nhau.

Cá nhân ông có ý kiến gì về phương án này?

Tôi cho rằng xu hướng đơn giản hóa các kỳ thi, giảm nhẹ căng thẳng, giảm tốn kém là đúng nhưng lựa chọn theo hướng nào thì cần cân nhắc kỹ. Tôi ủng hộ xu hướng: Dần dần chỉ còn 1 kỳ thi lớn; việc tốt nghiệp THPT sẽ giao cho địa phương và đặt ra yêu cầu nhẹ nhàng để phù hợp với tỷ lệ tốt nghiệp rất cao hiện nay, tiến đến một kỳ kiểm tra nhẹ cuối năm để cấp bằng tốt nghiệp.

Tổ chức một kỳ thi lớn chỉ nhằm mục tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ dễ thực hiện hơn vì chúng ta có 2 mục tiêu khác nhau.

Lo ngại có sự khác biệt điểm số 2 cụm thi quốc gia

Lo ngại có sự khác biệt điểm số 2 cụm thi quốc gia

Bộ GD&ĐT cho rằng có thể điều chỉnh bằng đề thi, thưa ông?

Nếu đề thi thiên về tốt nghiệp thì khó thực hiện tốt mục tiêu tuyển chọn người học ĐH và ngược lại. Nhưng các nhà thiết kế quên rằng ở VN điều phải coi trọng là coi thi và chấm thi; đây cũng là điểm làm nên sự khác biệt giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh: kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức bị đánh giá lỏng lẻo, không đáng tin cậy; kỳ thi tuyển sinh ĐH tuy còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn yên tâm nhưng được đánh giá cao hơn nhiều về độ tin cậy, tính khách quan. Điều này chủ yếu do coi thi và chấm thi mang lại.

Về môn thi, cơ bản là không khác trước. Nhìn chung, phương án này không thay đổi bao nhiêu…

Một vấn đề lớn cần lưu ý là sự bất công bằng giữa các thí sinh. Các thí sinh thi ở cụm địa phương, do công tác coi thi chấm thi lỏng lẻo, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ cao “truyền thống” trong khi, ngoài 20% thí sinh vào ĐH, khoảng 60% thí sinh thi ở cụm ĐH (theo tính toán của Bộ GD&ĐT) không học ĐH sẽ đạt điểm thi rất thấp, thậm chí còn không qua nổi tốt nghiệp do công tác coi thi, chấm thi ở cụm thi ĐH chặt chẽ hơn.

Tôi e rằng số thí sinh thi ở cụm đại học và thậm chí đỗ ĐH, CĐ cũng sẽ trượt tốt nghiệp vì điểm tốt nghiệp phải là trung bình; còn điểm đỗ nhiều trường ĐH, CĐ chỉ là 13-14 điểm cho 3 môn thi từ nhiều năm qua. Năm sau, rất có thể, thí sinh không cần đăng ký thi cụm ĐH để học ĐH ngay từ đầu mà đổ xô vào thi ở địa phương để “ăn” điểm cao và xét tuyển vào ĐH, CĐ theo phương án riêng…

Đây chính là sự xộc xệch của phương án thi mới: không có mặt bằng chung cho điểm số giữa các thí sinh!

Ngoài ra, có những lo ngại như không trực tiếp coi thi chấm thi trò mình thì có làm hết trách nhiệm không và có tin cậy được khi trường khác coi thi, chấm thi trò mình không…

Vậy thực hiện ngay năm 2015 thì có vội không, thưa ông?

Vội hay không thì cũng không lùi được nữa rồi vì Bộ GD&ĐT đã công bố phương án. Do phản ánh của cử tri nên UB sẽ tổ chức một phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào 23/9. Sau đó, dự kiến, vào kỳ họp giữa tháng 10-tháng 11/2014, QH sẽ yêu cầu Chính phủ, cụ thể là Bộ GD&ĐT, báo cáo về việc triển khai thực hiện đổi mới GD&ĐT, trong đó có đổi mới thi cử.

Xin cám ơn ông.

TPO, http://www.tienphong.vn/giao-duc/lo-ngai-khong-co-mat-bang-chung-ve-diem-so-762143.tpo