Tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn

"Một số trường CĐ, đặc biệt là các trường CĐ khối kỹ thuật địa phương có nguy cơ đóng cổng vì không còn HS đăng ký theo học”, không dè dặt, né tránh, ông Lương Văn Tiến - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Bộ Công thương chia sẻ với ĐĐK khá thẳng thắn về nỗi lo ngại đó ngay khi kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X bế mạc.Theo Hiệu trưởng Lương Văn Tiến, đầu vào teo tóp, đầu ra chật vật ế ẩm, định mức đào tạo thấp trong khi số lượng tuyển sinh vào ĐH ngày càng "quá đà” là những bất lợi cho các trường CĐ, TCCN trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là bất cập của hệ thống đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp nói chung.

Từng có gần 15 năm làm quản lý một trường CĐ, theo ông vì sao có nhiều tập đoàn, các Tổng công ty và các doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn, đổ lỗi do nhà trường đạo tạo chất lượng thấp, sinh viên học viên tốt nghiệp khó tìm được việc?

Hiệu trưởng Lương Văn Tiến: Đúng là có nhiều Tập đoàn, các Tổng công ty và các doanh nghiệp phàn nàn như vậy, rằng các trường ĐH, CĐ, trường nghề đạo tạo chất lượng thấp, học sinh sinh viên (HSSV) tốt nghiệp ra trường không đáp ứng được công việc họ mong muốn. Biết rõ điều này, nhưng các trường rất khó thay đổi vì bản thân không có đủ điều kiện đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Muốn HSSV ra trường giỏi ngay, làm được việc ngay, cần phải có các giám đốc, kỹ sư giỏi, các nhà kinh doanh giỏi, hay các CEO giỏi tham gia vào quá trình giảng dạy.

Nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp được bố trí hàng năm, việc mời đội ngũ này tham gia giảng dạy vô cùng khó khăn. Cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo mảng giáo dục nghề nghiệp nhiều năm qua hầu như không thay đổi cũng khiến phần lớn HSSV học xong tốt nghiệp ra trường rất khó xin được việc làm. Nhân lực có chất lượng thấp thì doanh nghiệp cũng phải chia phần trách nhiệm chứ?

Ông nói nguồn kinh phí hạn hẹp bố trí hàng năm, cụ thể là…?

- Hiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các trường không đủ cấp lương, trường ít thì được 2 tháng, trường nhiều thì 4 - 5 tháng, mà lương cũng chỉ đáp ứng được 70% cuộc sống tối thiểu của cán bộ và giáo viên. Muốn trường phát triển nhanh thì Dự án xây dựng cơ bản nhà trường phải tự bỏ ra một phần khoảng 50% hoặc nhiều hơn nữa từ nguồn thu của trường, trong khi đó nhà nước quy định mức thu học phí nói chung lại quá thấp.
Có phải vì thế nên nhiều trường, kể cả trường ĐH cũng hút học viên bằng nhiều cách, lấy lượng đông bù kinh phí ít?

Tuyển sinh hệ cao đẳng nhiều khó khăn

Tuyển sinh cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

- Đó là một thực tế. Qui định, qui chế của Bộ GDĐT cho các trường ĐH, CĐ tự xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh và tham gia đào tạo bậc CĐ quá nhiều, nên nhiều trường ĐH hiện nay quy mô đã đến vài chục ngàn HSSV, tức chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 8, 9 nghìn/ năm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH quá nhiều so với 5 năm trước, dẫn đến bất cập về công tác tuyển sinh. Kết quả là có khi chính Bộ GD&ĐT không kiểm soát và điều tiết được về chỉ tiêu đó như kế hoạch vạch ra.

Vâng, làm sao mà kiểm soát được nếu các trường giấu danh sách thí sinh trúng tuyển?

- Hệ luỵ là các trường CĐ, TCCN và đặc biệt là các trường CĐ, TCCN kỹ thuật ở xa Thủ đô và trung tâm các TP lớn gần như không còn HS để đào tạo và có nguy cơ phải đóng cổng trường … Năm ngoái 2013 nhiều trường CĐ không tuyển được HSSV, hầu như các trường CĐ tuyển sinh đều giảm, rất nhiều trường tuyển sinh giảm đến 60% - 70% chỉ tiêu.

Với trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Bộ Công thương, năm nay tuyển sinh còn khó khăn không, thưa ông?

- Năm nay trường chúng tôi chỉ tiêu 1000 CĐ cũng chỉ tuyển sinh được hơn 100 chỉ tiêu CĐ. Nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục cho nhiều trường ĐH xây dựng quy chế tuyển sinh không phải thi tuyển, tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào và chỉ tiêu TS của các trường ĐH đó, tôi e là các trường CĐ, TCCN cũng như nhiều trường nghề sẽ không còn nguồn tuyển, tiếp tục khó khăn hơn hiện nay, và sẽ đi đến chỗ "phá sản”.

Vậy phải làm cách nào để khuyến khích được nhiều hơn học sinh học CĐ, học nghề nói chung, nhưng đồng thời cũng đảm bảo chất lượng đào tạo để đảm bảo thị trường đón nhận theo ông, nhìn ở góc độ đổi mới chính sách?

- Tôi cho rằng Nhà nước nên chấp nhận một phần cơ chế kinh tế thị trường trong đào tạo, bằng cách nới lỏng, hay thả lỏng biên độ học phí, cho các trường ĐH tự xây dựng mức thu học phí. Lúc đó ngay giữa các khoa trong trường cũng có học phí khác nhau, hình thành phân tầng ngay trong ĐH. Các trường ĐH có uy tín có thương hiệu, học phí có thể cao hơn nhiều so với học phí các trường khác. Tất nhiên vẫn có riêng chế độ ưu tiên con em diện chính sách. Mặt khác, các trường ĐH chỉ được dạy hệ ĐH, liên thông ĐH và trên ĐH, các trường CĐ thì được dạy hệ CĐ và TCCN. Nhà nước nên để mỗi loại trường có một phạm vi hoạt động nhất định, không chồng chéo cạnh tranh không cần thiết. Quan trọng là để phân luồng tốt việc học sinh học nghề khi học hết THCS, Nhà nước nên dùng chính sách kinh tế tham gia điều tiết, không thu học phí học sinh THCS, nhưng nâng học phí THPT gấp 3- 4 lần so với mức hiện nay. Cần hỗ trợ kinh phí đào tạo để giảm học phí HS học nghề bằng một nửa hiện nay. Nếu Nhà nước xây dựng được cơ chế đi học nghề có lợi hơn ắt các bậc phụ huynh trước mắt sẽ chọn cho con em mình đi học nghề, nhanh mà lại có việc làm ngay.

Được biết theo phương án trình Quốc hội, tới đây Bộ LĐTB&XH sẽ quản lý cả hệ CĐ thay vì Bộ GD&ĐT quản lý như lâu nay. Theo ông đây có phải cơ chế hay?

-  Tôi cho rằng cần thống nhất một đầu mối cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Sớm nhập dạy nghề, TCCN, CĐ và ĐH về một Bộ để thống nhất quản lý. Như vậy, hệ thống GD& ĐT sẽ có sức mạnh, thu gọn đầu mối quản lý, đặc biệt ở 63 tỉnh thành phố sẽ tránh được sự chồng chéo trong quản lý.
Xin cảm ơn ông!

Theo daidoanket, http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=92600&menu=1423&style=1