Việc tổ chức học 2 buổi/ ngày, học bán trú đối với học sinh bậc tiểu học vẫn còn quá nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập. Đó cũng chính là lí do khiến việc này chưa đạt hiệu quả.
> Thêm 2 trường tại châu Á lọt top 100 đại học tốt nhất thế giới
> 9 kỹ năng sống học sinh Nhật Bản nắm rõ từ tiểu học
Tình hình triển khai công tác tổ chức học 2 buổi/ ngày
Thống kê của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, cả nước có gần 62,45% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày. Tại Hà Nội, hiện có khoảng 95% trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ ngày. Tại TP.HCM đã đạt tỉ lệ 73% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày.
Ở tỉnh Quảng Ngãi, 2 năm học gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có trên 60% học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày, trong đó chỉ có trên 33% học sinh học từ 35 tiết trở lên (9 - 10 buổi/ tuần).
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An hiện có 99% các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, nhưng chỉ có 81% trường là dạy đủ chương trình (nghĩa là 35 tiết/ tuần), còn lại gần 20% mới chỉ đáp ứng được 30 tiết. Riêng khu vực miền núi chỉ mới duy nhất 2 huyện Quỳ Châu, Con Cuông là dạy đủ 35 tiết/ tuần.
Từ lâu, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương, văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, bán trú ở bậc tiểu học. Các địa phương bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 1995 - 1996 và đến nay đã “phủ” khắp các trường tiểu học trên địa bàn xã, phường, huyện, quận, thành phố, đặc biệt những nơi có điều kiện kinh tế phát triển thì mô hình này sớm được nhân rộng và đã đem lại những hiệu quả tích cực. Đó là đáp ứng khá tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nhu cầu chăm sóc trẻ buổi trưa của cha mẹ học sinh.
Mặt khác, khi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày, các em không bị nhồi nhét kiến thức trong 1 buổi. Ngoài việc được học các kiến thức theo khung chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT, các em còn được học thêm các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống,… Nhờ vậy, phần nào khắc phục, giảm thiểu được tình trạng chèn ép dạy thêm, học thêm của một số giáo viên.
Hơn nữa, với thời khóa biểu học 2 buổi/ ngày, học sinh bán trú được nghỉ trưa ở trường sẽ có nhiều thời gian phục hồi sức khỏe hơn, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống ở giáo dục tiểu học được nâng lên rõ rệt.
Các bậc phụ huynh học sinh có phần yên tâm hơn, đỡ lo lắng, vất vả về việc trông nom, quản lý và đưa đón con em…
Lợi ích, hiệu quả của mô hình này không thể phủ nhận trong thực tiễn, qua một thời gian dài triển khai, áp dụng.
Vấn đề còn tồn đọng
Tuy nhiên, việc tổ chức học 2 buổi/ ngày, học bán trú đối với học sinh bậc tiểu học trên phạm vi toàn quốc gia đang gặp phải một số khó khăn, bất cập chính sau đây:
Thứ nhất, điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc, trang thiết bị ở nhiều địa phương vẫn chưa đảm bảo.
Ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng khó đáp ứng được, số lượng học sinh tiểu học ở các quận nội đô, trung tâm tăng quá nhanh, sĩ số một lớp học lên đến 50 - 60 em. Ở các địa phương miền núi, vùng khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp lại càng thiếu thốn, tạm bợ hơn.
Khi nhà bán trú không có, dù có tổ chức dạy 2 buổi/ ngày nhưng phụ huynh lại chẳng mặn mà mấy, vì nhà học sinh ở xa trường, phải đưa đón vất vả (4 lần/ ngày) trong khi công việc và cuộc sống của nhiều phụ huynh còn bộn bề lo toan.
Trong nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến sẽ áp dụng đại trà trong vài năm học đến, ở bậc tiểu học được thiết kế dạy 2 buổi/ ngày thì bài toán về phòng ốc, cơ sở vật chất để đáp ứng cho mục tiêu đó đối với các địa phương, nhà quản lý giáo dục cũng hết sức nan giải. Vì hiện có gần 40% học sinh tiểu học cả nước vẫn phải học 1 buổi/ ngày.
Thứ hai, theo Thông tư 35/2006 của Bộ GD&ĐT quy định, đối với trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày là 1,5 giáo viên/ lớp. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều trường chỉ bố trí 1,2 giáo viên/ lớp (định mức áp dụng cho trường dạy 1 buổi/ngày).
Việc quy định tỷ lệ giáo viên còn mang tính “cào bằng”, các trường có số lớp, học sinh ít lại có đủ giáo viên các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, tiếng Anh... nhưng số giáo viên này lại không đảm bảo số tiết theo quy định.
Vì vậy, nhiều trường có tỷ lệ giáo viên trên 1,5 nhưng vẫn thiếu giáo viên dạy 2 buổi/ ngày theo chương trình quy định.
Theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/ tuần, nhưng trên thực tế nhiều giáo viên chủ nhiệm phải dạy thêm khoảng 10 tiết/ tuần so với định mức lao động, làm ảnh hưởng tới thời gian làm việc của giáo viên.
Ngoài ra, hàng ngày sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, thầy, cô giáo chủ nhiệm còn phải đưa trẻ xuống nhà ăn và quản lý học sinh. Buổi chiều, thầy cô giáo chủ nhiệm tiếp tục quản lý học sinh sau khi kết thúc giờ học để chờ phụ huynh đến đón.
Trong khi đó, quy định thu chi trong trường học không có kinh phí về vấn đề xã hội hóa cho việc dạy học 2 buổi/ ngày.
Do vậy, đối với những trường thiếu giáo viên sẽ không có kinh phí chi lương dạy buổi thứ 2 cho giáo viên.
Thứ ba, chất lượng dạy học 2 buổi/ ngày vẫn chưa thật đồng đều, hiệu quả. Mục tiêu của dạy 2 buổi/ ngày là tạo cơ hội cho hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kỹ năng cho học sinh.
Tuy nhiên, hiện nhiều trường vẫn còn nặng về dạy các môn văn hóa, công tác giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa…tuy đã được quan tâm song kết quả còn thấp, chưa hấp dẫn, lôi cuốn, tạo hứng thú cho các em.
Phương hướng giải quyết vấn đề
Việc tổ chức dạy học chưa chú ý phát triển năng lực tự học, năng lực thực hành của học sinh, chất lượng dạy học ngoại ngữ tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Các nhà quản lý giáo dục ở bậc tiểu học có chung mong muốn, việc giữ vững và mở rộng quy mô dạy học 2 buổi/ ngày, học bán trú là hết sức cần thiết, một chủ trương đúng đắn, nhân văn, phù hợp với nguyện vọng của tất cả phụ huynh học sinh, giảm thiểu được tình trạng dạy học thêm trái phép đang diễn biến phức tạp.
Song để mô hình này đạt mục tiêu đề ra, khắc phục được những khó khăn, bất cập trong thời gian qua, các nhà trường, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh, học sinh cùng chung tay, đồng lòng trên nhiều phương diện.
Đồng thời, Nhà nước, các địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với bậc tiểu học, nhất là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, phòng ốc và chế độ, hỗ trợ thêm cho đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo để họ tâm huyết, trách nhiệm cao với nhiệm vụ cực nhọc, tốn nhiều thời gian gắn bó ở tại trường lớp.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh Tuyển Sinh
> Nghỉ học thứ 7: Đề xuất không dễ thực hiện
> Những hình ảnh xúc động khi đưa con lên thành phố nhập học