Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Tuyển giảng viên để xin chỉ tiêu đào tạo? Kịch bản này có thể đang xảy ra tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Chính các giảng viên của trường này đặt nghi vấn sau khi nhà trường bất ngờ biến nhiều giảng viên cơ hữu thành giảng viên thỉnh giảng.
Một giảng viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn vừa gửi đơn đến Tòa án nhân dân Q.Gò Vấp (TP.HCM) để khởi kiện nhà trường. Theo giảng viên này, nhà trường không tính đúng lương phải trả như thỏa thuận, đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định.
Bất ngờ chấm dứt hợp đồng
Khoảng tháng 5-2013, thông qua người đại diện Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn tại buổi phỏng vấn tuyển dụng ở cơ sở 1 của trường là bà Nguyễn Thị Xuân Trang (phó trưởng khoa kinh tế của trường thời điểm đó), ThS Nguyễn Tiến Thức đồng ý làm giảng viên cơ hữu cho trường này. Sau đó, ông Thức đã ký hợp đồng với trường trong thời hạn một năm, bắt đầu từ tháng 6-2013 với mức lương dành cho giảng viên cơ hữu 5,5 triệu đồng/tháng. Giảng viên được nhận lương vào ngày 7 hằng tháng với điều kiện một năm giảng dạy 350 tiết và công tác hành chính 90 tiết (cụ thể là công việc sinh hoạt chủ nhiệm).
Theo ông Thức, trên thực tế ông đã hoàn tất môn “phương pháp nghiên cứu khoa học” cho năm lớp với thời lượng 30 tiết/lớp, tổng cộng 150 tiết và số tiết quy chuẩn là 155 tiết. Đồng thời, ông Thức cũng tham gia công tác chủ nhiệm lớp đến ngày 22-8 với số tiết quy chuẩn là 18 tiết. Nhà trường đã chi trả lương của hai tháng 6 và 7-2013 cho ông Thức với tổng số tiền 11 triệu đồng.
Tuy nhiên đến ngày 31-8, bà Nguyễn Thị Xuân Trang đã đột ngột thông báo qua email nhà trường chấm dứt hợp đồng giảng viên cơ hữu và chuyển ông Thức cùng nhiều giảng viên khác qua làm giảng viên bán cơ hữu với lý do: “Hiện nay do số lượng sinh viên nhập học khóa 8 rất ít (toàn khoa chỉ có 56 sinh viên, kể cả trung cấp). Do đó, nhà trường phải giảm giảng viên cơ hữu tương ứng và chuyển những giảng viên này sang bán cơ hữu. Trước tình hình đó, theo chỉ tiêu nhà trường đưa ra, khoa kinh tế từ 27 giảng viên cơ hữu còn lại 17 giảng viên cơ hữu. Theo quy định của nhà trường, giảng viên bán cơ hữu chỉ được dạy tối đa 90 tiết/học kỳ”... Đến ngày 9-9, bà Nguyễn Thị Xuân Trang cũng nghỉ việc ở trường này.
Theo ThS Nguyễn Tiến Thức, việc làm trên của trường gây thiệt thòi nghiêm trọng cho giảng viên vì theo cách tính của trường, ông Thức chỉ nhận thêm hơn 8,7 triệu đồng ngoài hai tháng lương thực lãnh nêu trên, nhưng đến hôm nay trường vẫn chưa trả khoản lương này. Trong khi theo cách tính của ông Thức thì trường phải trả thêm khoản lương còn lại là hơn 16,8 triệu đồng chưa trừ thuế thu nhập cá nhân. “Rõ ràng tôi đã bị nhà trường lừa gạt. Sau khi họ nhận tôi làm giảng viên cơ hữu thời gian ba tháng thì tính lại lương không đúng như thỏa thuận, gây thiệt hại cho tôi” - ông Thức bức xúc.
"Bài toán" chỉ tiêu tuyển sinh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Ngọc - trưởng phòng hành chính tổ chức nhà trường - cho biết khi hợp đồng, nhà trường có nêu rõ “là giảng viên cơ hữu thì không được làm việc bất kỳ nơi nào khác” và yêu cầu giảng viên phải cam kết điều này. “Đến khi trường làm bảo hiểm cho giảng viên thì phát hiện ông Nguyễn Tiến Thức có sổ bảo hiểm ở bốn nơi khác. Đến tháng 8-2013 chúng tôi đã thông báo cho ông Thức là không ký hợp đồng được. Do đó đến nay nhà trường vẫn chưa ký hợp đồng với ông Thức” - ông Ngọc khẳng định.
Ông Ngọc cho biết thêm nhà trường có hai dạng giảng viên được tính lương khác nhau, giảng viên cơ hữu thì được tính lương theo mức dành cho giảng viên cơ hữu, còn giảng viên thỉnh giảng lương sẽ được tính theo số tiết giảng trên thực tế.
Theo một số giảng viên, tháng 6-2013 là thời điểm các trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ GD-ĐT. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào hai tiêu chí: tỉ lệ giảng viên cơ hữu trên sinh viên và diện tích sàn xây dựng. Vì vậy nhiều khả năng nhà trường đã thông báo và tuyển dụng giảng viên cơ hữu trong thời điểm trên để báo cáo Bộ GD-ĐT nhằm giải “bài toán” chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng sau vài tháng giảng dạy nhà trường lại chuyển các giảng viên sang bán cơ hữu để giảm chi phí tiền lương.
>> Sinh viên khiếu nại trường cao đẳng Asean
“Cứ kiện thoải mái”
Trong những năm qua, báo Tuổi Trẻ liên tục phản ánh các vụ việc ở Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Có thể nêu một số bài báo như: Sắp thi tốt nghiệp phải làm lại hồ sơ nhập học! (ngày 21-10-2008); Sinh viên phải “dừng bước giữa đường”? (6-1-2010); Sẽ tạo điều kiện cho sinh viên sang trường khác!? (7-1-2010); Rút lại quyết định dùng điểm TOEIC để xét lên lớp (20-1-2010); Tốt nghiệp nhưng không được cấp bằng (10-11-2010); Trường CĐ cấp giấy chứng nhận kết quả thi ĐH (22-9-2011); Đòi lại học phí (17-11-2012); Chưa đóng Đoàn phí không được thi tốt nghiệp? (23-2-2013); Hơn 100 sinh viên có thể không được thi tốt nghiệp (18-8-2013)...
Ông Đinh Xuân Lý, trưởng thanh tra phía Nam Bộ GD-ĐT, cho biết khi báo chí phản ánh về các trường nói chung, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn nói riêng, phòng thanh tra phía Nam đều yêu cầu nhà trường giải trình và chấn chỉnh sai sót (nếu có).
Tuy nhiên trên thực tế, một điều rất lạ là dù báo chí liên tục nêu lên những sai phạm của trường này nhưng đến nay nhà trường cũng như cá nhân hiệu trưởng chưa hề bị xử lý. Điều ngạc nhiên hơn, nhiều sinh viên và cả giảng viên đều phản ảnh ông hiệu trưởng trường này luôn thách thức những ai muốn đi kiện nhà trường thì cứ “thoải mái”.