Bản quy chế thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 26-2 với những nội dung điều chỉnh quan trọng đã phần nào làm giảm sức "nóng" từ dư luận sau một thời gian khá dài chờ đợi. Dù vậy, vẫn còn không ít băn khoăn từ phía các nhà trường và học sinh (HS) khi được cập nhật bản quy chế chính thức của kỳ thi đặc biệt quan trọng này.
Chưa chốt thời gian, hình thức thi
Một trong những nội dung quan trọng được các nhà trường và HS ngóng chờ trong suốt hai tháng qua, kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia (ngày 18-12-2014) là thời gian tổ chức kỳ thi. Khi ấy, Bộ GD-ĐT đã chốt thời gian tổ chức thi trong 4 ngày, gồm các ngày 1, 2, 3, 4-7-2015, muộn hơn so với kế hoạch đã thông báo trước đó với các địa phương một tháng.
Sự điều chỉnh này được lý giải là thể theo nguyện vọng của các nhà trường và tạo thêm thời gian để HS ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Tuy nhiên, khi công bố quy chế thi THPT quốc gia bản chính thức, thông tin về thời gian tổ chức thi không được xác định cụ thể, mà chỉ đề cập đến 8 môn thi gồm: Toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và ngoại ngữ. Lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi cũng được nêu chung chung là "được quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD-ĐT". Sự thay đổi liên tục từ phía Bộ GD-ĐT khiến cho việc phỏng đoán thời điểm tổ chức kỳ thi là không dễ. Và chắc hẳn, các nhà trường, HS sẽ còn tiếp tục điệp khúc ngóng thông tin về kỳ thi trong những ngày tới.
Ngoài nội dung trên, tinh thần chung ở bản quy chế mới là tạo thuận lợi cho thí sinh (TS), trong đó có việc giữ nguyên thang điểm 10; TS được thi thay thế môn ngoại ngữ nếu có khó khăn về điều kiện học tập; tổ chức cụm thi theo nguyện vọng và điều kiện của TS, bao gồm 2 loại cụm thi: Cụm thi do các trường ĐH chủ trì và cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, kỳ thi quốc gia năm 2015 sẽ có 3 đối tượng TS dự thi gồm: TS có nguyện vọng tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ; TS đã có bằng tốt nghiệp THPT, nay sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ; TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Hai loại TS trên sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì, TS thuộc đối tượng thứ ba dự thi tại trường phổ thông đang học hoặc tại liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD-ĐT chủ trì. Với những địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT sẽ cùng với chính quyền địa phương bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho TS.
Còn nhiều băn khoăn
Về những công việc sẽ triển khai sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngay trong tuần đầu của tháng 3, Sở sẽ tổ chức họp với ban giám hiệu của 209 trường THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố nhằm phổ biến cụ thể toàn bộ nội dung của quy chế, đặc biệt là những điểm mới. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với các nhà trường là thông báo rộng rãi đến từng HS, tránh tình trạng các em không rõ quy chế mà bị bất ngờ, thiếu chủ động, ảnh hưởng đến tâm lý trước khi bước vào kỳ thi. Giáo viên các nhà trường có trách nhiệm theo sát tình hình học tập và nguyện vọng của HS, kịp thời giải đáp những băn khoăn, khúc mắc từ phía HS, đồng thời tổ chức có hiệu quả việc dạy học bám sát, đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của từng loại đối tượng HS.
Thống kê sơ bộ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Hà Nội có gần 80 nghìn TS dự thi. Số lượng cụm thi tại Hà Nội được dự kiến là 8 cụm; song với điều kiện địa bàn rộng, TS đông, Sở GD-ĐT Hà Nội đang nghiên cứu phương án tổ chức thi nhằm giảm bớt khó khăn, tốn kém và tạo thuận lợi nhất cho TS trong việc tham gia dự thi. Mối quan tâm lúc này là sau khi tổ chức cho TS đăng ký dự thi, nếu có nhiều nguyện vọng dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT; hoặc tại các địa bàn vùng núi, vùng xa như Thạch Thất, Ba Vì, Phú Xuyên…, việc đi lại của TS đến các cụm thi quá xa, không an toàn thì phương án tổ chức thi sẽ như thế nào? Liệu có thể thành lập cụm thi tại địa phương hay không?
Việc thành lập hai loại cụm thi kéo theo mối lo, nếu những TS thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì (cụm thi dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT) sau khi có kết quả thi cao, lại muốn tham gia xét tuyển ĐH, CĐ thì giải quyết ra sao? Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì mỗi TS được nhận tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi để dùng cho xét tuyển ĐH, CĐ. Vậy ai sẽ là người kiểm soát việc thực thi quy chế của các TS thuộc diện ban đầu chỉ đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ và kiểm soát thế nào? Việc không cho các em tham gia xét tuyển ĐH, CĐ liệu có là hợp lý và công bằng không khi tất cả TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia đều làm chung đề thi ở các môn thi và tại các cụm thi có sự phối hợp tổ chức của hai phía là trường ĐH và Sở GD-ĐT.
Về nội dung đề thi:
Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định: Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi vừa có câu hỏi ở mức độ cơ bản phù hợp với HS THPT và học viên giáo dục thường xuyên, vừa có câu hỏi ở mức độ khó nhằm phân hóa trình độ HS, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Tất cả TS tham dự kỳ thi sử dụng chung cùng một đề thi cho mỗi môn. Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Lưu ý, TS có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời có thể sử dụng vào các tổ hợp môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo Báo Hà Nội Mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/743036/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-nhieu-cau-hoi-cho-loi-giai