1 trường ở TP.HCM, 1 trường ở Đà Nẵng và 5 trường ở Hà Nội là 7 trường ĐH kỹ thuật sẽ kí biên bản hợp tác toàn diện, trong đó có hợp tác tuyển sinh đại học.
Mùa tuyển sinh 2020, thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội
Sáng nay, 22.1, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, 7 trường đại học kỹ thuật, trong đó 1 trường ở TP.HCM, 1 trường ở Đà Nẵng và 5 trường ở Hà Nội sẽ ký biên bản hợp tác toàn diện. Cụ thể là các trường: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học GTVT, Trường đại học Mỏ - địa chất, Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Xây dựng.
Nội dung biên bản ký kết là các trường sẽ hợp tác toàn diện về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác quốc tế, truyền thông nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện sứ mệnh và chiến lược phát triển của mỗi trường.
Trong tuyển sinh, 7 trường sẽ phối hợp, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Được biết, kỳ thi đánh giá tư duy là kỳ thi riêng do Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, kết quả kỳ thi được trường này sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh đại học. Năm 2021, Trường đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến lấy đến 2.800 chỉ tiêu đại học căn cứ vào kết quả kỳ thi riêng này.
Trong đào tạo, các bên thống nhất chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học, bậc thạc sĩ, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ kỹ sư. Các trường hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng mô hình đồng hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong các luận văn, luận án tốt nghiệp giữa 7 trường và cùng chia sẻ, cùng khai thác nguồn tài liệu số trong thư viện.
Trong kiểm định chất lượng các trường nhất trí hợp tác về thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế. Các bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tự đánh giá, kết quả đánh giá ngoài để làm đối sánh; chia sẻ các nguyên nhân, giải pháp để mỗi trường có điều kiện vận dụng, xây dựng các kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp.
Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các trường nhất trí chia sẻ thông tin, cùng hợp tác khai thác các phòng thí nghiệm giữa các trường, xây dựng các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu. Các bên phối hợp xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up, spin-off trên cơ sở các nghiên cứu chung…
Các trường sẽ xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, thực hiện các công bố khoa học chung đặc biệt trong các lĩnh vực AI, kỹ thuật số, vật liệu mới, an ninh năng lượng, kinh tế tuần hoàn nhưng không hạn chế đối với các lĩnh vực khác.
Trong phát triển hợp tác quốc tế và ứng dụng chuyển đổi số, các bên phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, hợp tác và cùng nhau tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế, dự án với đối tác nước ngoài nhằm phát triển chuyên môn trong mỗi lĩnh vực hoạt động.
Các trường cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông. Thậm chí, sẽ hợp tác xây dựng kênh truyền thông chung để sản xuất các ấn phẩm truyền thông chung của 7 trường.
Nửa năm trước đây, ngày 27.6.2020, 7 trường trong nhóm đã cùng tham gia ký kết công bố chung về định hướng phát triển chương trình đào tạo kỹ sư với mục tiêu nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo kỹ sư, với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội và nâng tầm Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
> Trường ĐH Khoa học Tự nhiên công bố phương án tuyển sinh 2021
> Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở TP.HCM gần 100 trường ĐH, CĐ tham dự
Theo Thanh Niên